Chuyển đổi số - Con đường đến tương lai - Bài 3: Vì cuộc sống hiện đại, văn minh và thông minh

08/04/2023 13:00

Định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số ở tỉnh Kon Tum là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp lợi ích của chuyển đổi số, đem lại cuộc sống hiện đại, văn minh và thông minh.

Chắc chắn rằng, mỗi người dân, dù ít hay nhiều, đều đã có những cảm nhận về những lợi ích mà chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số đã đem lại trong nhiều mặt của đời sống xã hội.

Cách đây hơn 1 năm, khi tôi viết bài đầu tiên về chuyển đổi số đã gặp gỡ, trao đổi với nhiều người, trong đó có bà Trần Thị Hồng- một nông dân ở xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà. Chuyển đổi số ấy à, tôi không hiểu và cũng không mấy quan tâm- bà Hồng nhấm nhẳng nói.

Rồi bà hỏi lại tôi với vẻ ngạc nhiên: “Chuyển đổi số là gì ấy nhỉ? Có lợi ích cho nông dân như tôi không?”

Nhưng bây giờ thì bà đã có thể hiểu khá rõ về nó. Chuyển đổi số, trong suy nghĩ của bà không trừu tượng, mà đơn giản hơn, nó như việc bà điều khiển hệ thống tưới nhỏ giọt vườn mắc ca mới trồng bằng điện thoại thông minh giúp con trai; như việc bà ngồi ở nhà nhưng vẫn có thể đăng ký tái khám ở bệnh viện.

Người nông dân đang dần thích ứng với chuyển đổi số. Ảnh: HL 

 

Kỳ lạ hơn, với chiếc điện thoại thông minh của mình, bà Hồng có thể bán hết số cam trong vườn cắt hồi sáng “trong vòng một nốt nhạc”, sau khi đăng lên trang facebook của con gái, mà người mua ở tận đẩu tận đâu chứ không chỉ ở xã, huyện.

Trước đây, để bán được số lượng cam như thế bà phải mất vài ba ngày đem ra chợ hoặc bỏ mối cho mấy quán nước.

Dễ lắm mà, không khó đâu- bà khích lệ bà bạn hàng xóm sử dụng các dịch vụ tra cứu thông tin, lên sàn giao dịch thương mại điện tử tìm kiếm sản phẩm phù hợp.

Trong hành trình tự đổi mới mình, hướng tới công dân số, bà Hồng không phải đi một mình. Hiện toàn tỉnh đã có hơn 134.100 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo, hướng dẫn kỹ năng số.

Tôi cũng chẳng còn bất ngờ khi thấy ông già Sáu Điền (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) vận dụng thành thạo hệ thống tưới tự động cho vườn rau của gia đình. Trước đó, ông là người luôn nói “không” với việc áp dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất.

“Tại sao lại phải bỏ ra một núi tiền cho cái gọi là công nghệ, trong khi vẫn có thể tự mình tưới được. Khi kéo vòi tưới nước còn có thể nhổ cỏ, bắt sâu”- ông hỏi vặn con cháu.

Lĩnh vực nông nghiệp, dù ở thành phố hay vùng sâu, đều đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của chuyển đổi số. Ngày càng có nhiều, rất nhiều nông dân ứng dụng công nghệ để tăng năng suất, sản lượng, giảm chi phí, sức lao động trên ruộng đất của mình.

Kinh tế số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có.

Nếu như trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình. Còn hiện nay, với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới.

Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID (định danh điện tử). Ảnh: H.L 

 

Mỗi người dân với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang là có thể trở thành một doanh nghiệp, là có thể tiếp cận cả thế giới.

Không chỉ vậy, chuyển đổi số cũng thay đổi cách… tiêu tiền, khi ngày càng nhiều người dân thích ứng với cuộc sống không tiền mặt.

Nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực điện lực, nước sinh hoạt, viễn thông, dịch vụ internet, hàng không, du lịch, bệnh viện, trường học đã nhanh chóng ứng dụng thanh toán điện tử trong thanh toán lương, chi trả trợ cấp, thu phí.

Ứng dụng quẹt thẻ thanh toán qua máy POS của các ngân hàng thương mại cũng đang là lựa chọn phổ biến của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng. 

Chuyển đổi số càng không xa lạ với các doanh nghiệp, hợp tác xã- những đối tượng trung tâm của chuyển đối số.

Nền tảng quản trị doanh nghiệp tổng thể 1Office- một nền tảng quản trị doanh nghiệp tổng thể- được ứng dụng rộng rãi, cho phép nhiều doanh nghiệp sử dụng mọi dịch vụ, từ quản trị nhân sự, kế toán, đến bán hàng, kê khai thuế một cách nhanh chóng, không cần phải đầu tư, không cần có nhân lực kỹ thuật để vận hành, với chi phí thấp.

Hiện 100% doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử đạt 100%; trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và trên 98% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử.

Các ngành chức năng tỉnh đã rất tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử bằng việc xây dựng và bàn giao cho doanh nghiệp 7 fanpage bán hàng trực tuyến; xây dựng và chuyển giao cho doanh nghiệp 7 gian hàng trên hệ thống Shopee và Lazada.

Từ năm 2022 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ đưa hàng nghìn sản phẩm của gần 70.000 hộ sản xuất nông nghiệp, 658 sản phẩm của 428 doanh nghiệp lên các sàn thương mại điện tử, trong đó có toàn bộ sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Có 77.400 tài khoản đang hoạt động trên các sàn giao dịch điện tử.

Theo ông Nguyễn Tri Sáu- Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất và thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà), chuyển đổi số đã đem lại nhiều lợi ích, như nâng cao hiệu quả quản trị, tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng, tăng năng suất, chất lượng, trong khi giảm chi phí và sức lao động thông qua ứng dụng công nghệ số.

Đặc biệt, chuyển đổi số giúp Hợp tác xã mở rộng thị trường không giới hạn, giảm chi phí quảng bá sản phẩm; nắm bắt nhanh chóng thị hiếu khách hàng qua tư vấn, tiếp nhận phản hồi, để điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số ở tỉnh Kon Tum là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp lợi ích của chuyển đổi số, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn

Rõ ràng là chúng ta đang làm tốt!

(còn nữa)   

Hồng Lam

Chuyên mục khác