Chuyện dạy và học ở Kon Plông

12/10/2021 06:01

Sau hơn một tháng khai giảng năm học mới, các thầy cô giáo và các em học sinh ở huyện Kon Plông dần dần thích nghi với điều kiện dạy và học trong tình hình dịch Covid-19 ở các nơi đang diễn biến phức tạp, bảo đảm công tác dạy và học diễn ra an toàn, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi ở phía trước.

Đến thăm Trường PTDTBT cấp I-II Măng Bút 2 vào một ngày cuối tháng 9, tôi cảm nhận không khí học tập nghiêm túc của các em học sinh nơi đây. Trò chuyện với tôi, em Y Như Phương (lớp 4B) cho biết, được đến trường học tập trung nên em rất vui, vì được gặp bạn bè và việc tiếp thu bài cũng thuận tiện hơn. Em sẽ cố gắng học giỏi để sau này làm bác sĩ thú y, vì em rất thích nuôi động vật.

Cô giáo Y Nên- có thời gian dạy tại Trường PTDTBT cấp I-II Măng Bút 2 được 5 năm, vui vẻ chia sẻ: Các em học sinh ở đây rất chăm ngoan, hiếu học. Ngoài thời gian học chính khóa, các học sinh yếu được thầy cô trong trường dạy kèm thêm ngoài giờ để nắm vững kiến thức, vươn lên cùng với các bạn khác. 

Thầy giáo Nguyễn Thành Hải- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Năm học này, trường có 9 lớp cấp I với 154 học sinh, 4 lớp cấp II với 127 học sinh; trong đó có 164/281 học sinh bán trú được hưởng chế độ theo Nghị định 116/NĐ-CP. Sau 1 tháng bước vào năm học mới, công tác dạy và học ở trường đã đi vào ổn định, không có gì đáng lo.

Hướng dẫn học sinh học môn Tin học tại Trường PTDTBT Tiểu học Măng Cành. Ảnh: Q.Đ

 

Rời Măng Bút, chúng tôi tiếp tục đến thăm 2 trường học tại xã Măng Cành. Thầy giáo Nguyễn Viết Trung - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Măng Cành cho biết: Trường có 5 lớp với 132 học sinh, trong đó có nhiều em học sinh nhà ở thôn Tu Ma, Tu Rằng (cách trường từ 20-25km) nên nhà trường phải lo chuyện ăn ở bán trú (cuối tuần cha mẹ các em mới đón về nhà). Trong khi đó, Măng Cành đạt chuẩn xã nông thôn mới nên chế độ đối với học sinh bán trú bị cắt, không còn được hưởng bất cứ chính sách ưu đãi nào của Nhà nước. Trường vận động phụ huynh đóng góp tiền, gạo, rau, củ, quả để chăm lo bữa ăn cho các em nhưng nhiều gia đình khó khăn nên chưa thể đóng góp đầy đủ, tỷ lệ đóng góp hiện nay mới chỉ đạt 40%/tổng số học sinh bán trú.

Tương tự, Trường PTDTBT tiểu học Măng Cành có 16 lớp với 255 học sinh, trong đó có 26 em phải ăn ở tại trường vì nhà ở khá xa. Hiệu trưởng Trần Thông chia sẻ: Nhiều gia đình ở địa phương hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn nên việc quan tâm chăm lo chuyện học hành của con em là vấn đề nan giải. Hiện tại, chỉ khoảng 20 phụ huynh đóng góp, người thì từ 100-200 ngàn, vài cân gạo, rau củ quả cho mỗi em trong 1 tháng. Nhà trường phải vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm 1 ít kinh phí, gạo, nhu yếu phẩm, thầy cô phải tăng gia sản xuất rau xanh để lo tươm tất cho các em mỗi ngày đủ 3 bữa ăn- mặc dù không bằng các em học sinh được hưởng chế độ theo Nghị định 116/NĐ-CP như ở các trường khác.

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Minh Cường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Plông cho biết: Sau lễ khai giảng năm học 2021-2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 như thực hiện sát khuẩn và đo thân nhiệt trước khi vào trường, mang khẩu trang đầy đủ; bố trí các trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định; bố trí học sinh ra vào lớp xen kẽ thời gian và đảm bảo khoảng cách. Ở khối bán trú, Phòng chỉ đạo các trường xây dựng thực đơn hàng tuần, đảm bảo nguồn thực phẩm, chất lượng bữa ăn, tăng gia sản xuất tại đơn vị; vì vậy đến nay, công tác bán trú đã đi vào ổn định.

Bữa ăn trưa của học sinh Trường PTDTBT cấp I-II Măng Bút 2. Ảnh: QĐ

 

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là các xã Măng Cành, Pờ Ê và thị trấn Măng Đen có 6 trường tiểu học và THCS với 545 học sinh bị ảnh hưởng do các chính sách theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP không còn. Các trường đã vận động được 305 học sinh đăng ký nhu cầu ở lại bán trú theo hình thức bán trú dân nuôi; đồng thời tham mưu Đảng ủy-UBND xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chi tiết về số lượng học sinh ăn ở tại trường, khẩu phần ăn, các khoản đóng góp về lương thực, thực phẩm, ngày công theo nguyên tắc tự nguyện.

Tính đến ngày 23/9/2021, các trường đã vận động được 126 phụ huynh đóng góp với 10,075 triệu đồng, 1.221 kg gạo, 125 kg củ quả và vận động được các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ được 169 triệu đồng, 500 kg gạo, 60 kg cá khô, 25 thùng mì và 465 suất quà. Việc thu chi đảm bảo đúng mục đích, đúng quy định, công khai, minh bạch và được sự đồng thuận của gia đình học sinh. Riêng đối với 3 trường mầm non xã Măng Cành, Pờ Ê và thị trấn Măng Đen có 375 trẻ bị cắt chế độ ăn trưa theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường phối hợp với chính quyền địa phương vận động phụ huynh mang cơm ăn trưa đến trường, đến nay đã đảm bảo việc ăn trưa cho các cháu.

Hiện tại, các xã Măng Cành, Pờ Ê đã đạt chuẩn nông thôn mới và thị trấn Măng Đen là khu vực I; do đó các chế độ bán trú tại các trường không còn, gây ảnh hưởng đến công tác duy trì sĩ số học sinh và mô hình trường bán trú. Việc đóng góp tiền mua thực phẩm được các gia đình thực hiện, tuy nhiên đa số chỉ đóng góp bằng hiện vật (gạo, củ, quả, rau xanh), việc đóng góp tiền mặt rất khó khăn. Vì vậy, chúng tôi mong rằng lãnh đạo huyện Kon Plông và chính quyền các địa phương cơ sở ở đây cần có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ học sinh ở lại bán trú tại các xã Măng Cành, xã Pờ Ê và thị trấn Măng Đen để các em có điều kiện bảo đảm an tâm học tập.

Quang Định

Chuyên mục khác