24/08/2017 07:28
Tôi đã gặp những cậu bé cắp theo bên mình chiếc rổ đựng nào là túi trứng cút luộc, túi xoài, cóc, ổi gọt sẵn ở nhiều hàng ăn, quán nhậu. Cũng đã nhiều lần tôi mua ủng hộ các em vài túi đồ ăn, nhưng thú thực tôi chưa bao giờ để ý đến hoàn cảnh của các em.
Mãi đến một hôm, khi đưa cậu con trai hơn 5 tuổi đi ăn thì gặp một cậu bé lại gần năn nỉ tôi mua hàng, khi nghe cậu con trai hỏi “sao anh bé thế mà lại phải đi bán hàng hả mẹ?”, tôi mới giật mình nghĩ lại, lẽ ra ở cái tuổi được ăn được chơi thì hằng ngày các em lại phải lăn lộn bán hàng rong để kiếm sống.
|
Tôi nhìn cậu bé dáng người nhỏ thó, đôi mắt trũng sâu, nước da xanh xao hỏi thăm một vài câu, nhưng cậu bé chỉ lặng thinh không trả lời như đề phòng một điều gì đó. Mãi cho đến khi thấy được sự ân cần, quan tâm chân thành của tôi, cậu bé mới khẽ khàng tiết lộ: Con tên Võ Văn B, nhà con ở đường Trần Nhật Duật, tổ 2, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum. Bố con ốm đau một mình mẹ không nuôi nổi nên 4 anh em con ai cũng phụ mẹ kiếm tiền từ nhỏ. 2 anh chị lớn giờ đã đi phụ hồ được rồi còn con và chị gái lớn hơn con 2 tuổi thì đi bán hàng rong.
Theo lời B. kể, hằng ngày, hành trình đi bán hàng của em bắt đầu từ khoảng 10h sáng đến 13h chiều, sau đó lại từ 16h đến khi nào hết hàng thì nghỉ. Mẹ B. sắp cho em một rổ đựng các túi trứng, xoài, cóc đã gọt sẵn rồi chở em đến trước các quán ăn, nhà hàng để em vào bán hàng, mẹ em đứng đợi để chở đi tiếp hết quán này tới quán khác đến khoảng 21 giờ thì về đi ngủ, hôm nào ế hàng thì phải bán khuya hơn.
B. cho biết năm nay em 11 tuổi nhưng nhìn dáng vẻ ốm nhom, gầy guộc của em tôi tưởng em mới chỉ 6 – 7 tuổi. B nghỉ học từ năm lớp 2 nên bây giờ ngay cả việc viết tên mình đối với em cũng khó.
Lần theo địa chỉ B. kể, hôm sau tôi đến tổ 2 hỏi thăm về gia cảnh của cậu bé này; bà con ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Trần Nhật Duật đều biết rõ gia cảnh khó khăn của nhà B. Trong ngôi nhà tình thương cũ kỹ, người cha bệnh tật của em nằm co ro dưới nền xi măng lạnh ngắt; trong nhà không có đồ vật gì có giá trị ngoài chiếc xe máy cũ nát là phương tiện mưu sinh của mẹ con em.
Chị Nguyễn Thị S - mẹ B. lấy tay gạt nước mắt khi tôi hỏi về hoàn cảnh của gia đình: Anh ấy bệnh tật mấy năm nay, thỉnh thoảng lại phải lên viện chữa trị, may mà có bảo hiểm dành cho hộ nghèo nên cũng đỡ. Trước đây tui đi mua nhôm nhựa, nhưng giờ chẳng còn vốn mà buôn nữa nên hằng ngày ra chợ mua vài chục trứng, vài ký xoài cóc đi bán cùng lũ trẻ. Mỗi ngày kiếm dăm bảy chục, trăm ngàn để mua vài ký gạo, dư được đồng nào thì để thuốc thang thêm cho cha bọn trẻ. Thỉnh thoảng phường hỗ trợ thêm gạo, bà con lối xóm cho thứ này thứ khác nhưng vẫn thiếu trước hụt sau” – chị giãi bày.
Khá hơn Võ Văn B, em Đặng Hoàng L. (ở đường Nguyễn Huệ, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) vẫn được bố mẹ cho đi học, tuy nhiên, sau giờ lên lớp là L. lại gắn bó với rổ đựng nào trứng cút luộc, xoài, cóc... tối tối đi hết các quán ăn này đến quán ăn khác để bán hàng. Mỗi gói trứng cút luộc em bán 20.000 đồng, mỗi gói trái cây 10.000 đồng, trừ chi phí rồi em lời được một nửa.
“Những ngày may mắn gặp được nhiều vị khách hào phóng con còn nhanh chóng được về ngủ, thế nhưng có hôm xui đi mãi, đứng mỏi cả chân, năn nỉ khô cả miệng cũng không có người mua, ế hàng con phải mang về ăn trừ bữa luôn. Sợ nhất là không bán được hàng, không có tiền đưa cho bố sẽ bị rầy la, có khi còn bị đánh đòn” – L. giãi bày.
L. cho biết: Bán hàng cho những vị khách có hơi men thì cực khổ vô cùng, người dễ tính mua mau lẹ còn người khó tính lên tiếng chửi bới, đuổi đi vì họ thấy bị làm phiền. Con cũng biết cứ lẽo đẽo bên cạnh sẽ làm họ cảm thấy khó chịu, nhưng không thế thì làm sao con bán được hàng và con sẽ không có tiền để đưa cho bố mẹ mua gạo, mua thức ăn, quần áo...
Khi tôi mua hàng cho em, thấy có người đàn ông đứng chờ ngoài đường, tôi hỏi đó là ai thì em bảo đó là bố em đợi để chở em đi bán. Thế nhưng, vài bữa sau, tôi tìm đến nhà thì mới vỡ lẽ, cha của em đã mất hơn 1 năm nay, L. là con thứ 3 trong nhà, anh cả đã lớn, còn L. và anh kề thì hằng ngày sáng bán vé số, chiều bán hàng rong để kiếm sống.
L. phân trần: Trước đây, bố vẫn chở con đi bán hàng; bây giờ hằng ngày chỉ có dì, dượng hoặc thỉnh thoảng có anh cả chở đi bán, khi thì đợi khi thì không, khi thì con tự đi tự về. Con nói là bố để khỏi lo bị bắt nạt vì có một số anh lớn hơn cũng hay hù doạ. Mẹ con ở nhà chiên phồng tôm và trông em; với lại bọn con là trẻ con đi bán cũng dễ hơn người lớn.
Gia đình L. thuộc diện cận nghèo nên mấy anh em L. đi học được giảm học phí, thỉnh thoảng bà con lân cận trong tổ giúp đỡ thêm nên mấy mẹ con L. cũng đỡ cơ cực.
Theo như B. và L. thì để bán được hàng, “chiến thuật” của những đứa trẻ bán hàng rong là phải kiên trì mời chào, năn nỉ khách mua hàng cho dù bị xua đuổi như thế nào đi chăng nữa. Có lẽ vì cuộc sống, vì gánh nặng cơm áo đã ghì chặt nên những đứa trẻ bán hàng rong này chai sạn, lì lợm hơn những đứa trẻ cùng tuổi được sống trong sự bao bọc của gia đình.
Tình trạng trẻ em đi bán hàng rong đã trở thành một hình ảnh khá quen thuộc. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh giống nhau, do gia đình khó khăn nên phải mưu sinh sớm. Bên cạnh những hoàn cảnh éo le như em B, em L. thì vẫn còn có những trường hợp bố mẹ các em vì cuộc sống khó khăn đã tìm cách đẩy các em vào guồng quay kiếm sống. Tuổi thơ của các em đang bị đánh cắp khi không được đi học, không được ăn ngủ thoải mái như những đứa trẻ đồng trang lứa, mà đã phải ghì chặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền khi còn quá nhỏ.
Thuỳ Hương