Chuyển biến trong công tác dân số và phát triển

31/12/2022 13:07

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW (ngày 25/10/2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã có những chuyến biến tích cực. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm, chất lượng dân số được nâng lên, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để triển khai hiệu quả công tác dân số trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW, thời gian qua, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, đề ra nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể đối với từng nội dung. Điều đó được cụ thể bằng những kế hoạch như: Kế hoạch số 109/KH-UBND (ngày 12/1/2021) thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, kế hoạch số 834/KH-UBND (ngày 12/3/2021) thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, kế hoạch số 1611/KH-UBND (ngày 19/5/2021) thực hiện Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 203; Kế hoạch 1760/KH-UBND ngày 8/6/2022 về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022-2025…

Trên cơ sở đó, Sở Y tế và các địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện từng bước đưa Nghị quyết 21-NQ/TW vào cuộc sống.

Đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên dân số luôn tích cực tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác DS-KHHGĐ. Ảnh: T.H

 

Theo đó, ngành Y tế chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số; tuyên truyền, vận động, giáo dục và tư vấn về sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình phù hợp với từng nhóm đối tượng, điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng. Trong đó, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao, cho nhóm cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh niên. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư chuyển đổi hành vi để thực hiện đúng chính sách dân số.

Đồng thời chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở; tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại tuyến cơ sở. Triển khai hoạt động “chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời”; duy trì thường xuyên, đều đặn công tác theo dõi cân nặng và chiều cao, đánh giá tình trạng dinh dưỡng và theo dõi tăng trưởng của em dưới 2 tuổi, dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng. Lồng ghép tư vấn xét nghiệm HIV và các biện pháp giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai khi sử dụng dịch vụ khám thai tại các cơ sở y tế; chăm sóc, điều trị sớm ARV cho phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai và các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Nhờ đó, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản, DS-KHHGĐ ở các địa phương đã có những bước chuyển biến đáng kể.

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2018 là 13,4‰, năm 2022 ước giảm còn 11,8‰. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 2018 là 19,78%, ước tính năm 2022 giảm xuống 12,99%.Tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai chung đạt 60,02%. Tỷ số giới tính khi sinh là 110,19bé trai/100 bé gái.

Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em luôn được ngành Y tế chú trọng. Ảnh: TH

 

Tuy nhiên, công tác dân số đang đứng trước nhiều thách thức như: Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên dù có giảm, nhưng còn ở mức cao so với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Công tác tuyên truyền vận động về chính sách DS - KHHGĐ tại tuyến cơ sở diễn ra còn chậm; nhận thức của người dân về công tác dân số chưa đồng đều, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng DTTS.  Tình trạng sinh tảo hôn vẫn còn xảy ra ở một số nơi, hoạt động tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh còn hạn chế.

Để giải quyết những thách thức này, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về công tác dân số trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, nhiệm vụ hàng đầu được ngành Y tế đặt ra trong thời gian tới là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền. Đồng thời, tập trung các nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, mô hình về công tác DS-KHHGĐ; triển khai đồng bộ các giải pháp can thiệp nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số thông qua các mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đảm bảo cung ứng và tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế KHHGĐ; đa dạng hóa các biện pháp tránh thai, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn, chất lượng và thuận tiện dịch vụ KHHGĐ cho mọi đối tượng sử dụng dịch vụ.

Chuyển đổi về dân số và phát triển là một vấn đề lớn, đòi hỏi một quá trình lâu dài, bền bỉ và giải pháp mang tính toàn diện. Do đó, để công tác dân số trong tình hình mới đạt hiệu quả cao, cùng với nỗ lực của ngành Y tế tiếp tục cần sự chung tay hành động của các cấp, ngành, địa phương trong toàn tỉnh. 

Thiên Hương

Chuyên mục khác