Chuyển biến toàn diện ở vùng đồng bào DTTS

24/11/2022 06:07

Tỉnh ta có 43 dân tộc cùng sinh sống (trong đó, có 7 dân tộc tại chỗ) với khoảng 313.400 người là đồng bào DTTS, chiếm 55,1% dân số toàn tỉnh. Trong suốt hành trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà có sự đóng góp quan trọng của đồng bào các DTTS.

Với đặc thù là địa phương có đồng bào DTTS chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa nên tỉnh ta xác định quan tâm ưu tiên các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ về công tác dân tộc, chủ động nắm tình hình địa bàn, tâm tư nguyện vọng của đồng bào và tích cực triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án chính sách dân tộc, an sinh xã hội.

Tỉnh đã chỉ đạo và thực hiện hiệu quả Chương trình 135, Chương trình 30a, các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS như chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; hỗ trợ giáo dục, y tế, văn hóa và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS; chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đã góp phần làm thay đổi diện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.

Hạ tầng cơ sở vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư. Ảnh: TH

 

Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có những phát triển rõ rệt, hạ tầng cơ sở ngày càng hoàn thiện. Hiện 98% đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, 99,3% hộ gia đình sử dụng điện, 100% thôn, làng có điện quốc gia, trên 89% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, đảm bảo đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. 100% huyện, thành phố có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; cơ sở vật chất các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh được củng cố. Diện mạo nông thôn vùng DTTS ngày càng khởi sắc, đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh được nâng cao về mọi mặt.

Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất, quan tâm và tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, xây dựng thôn làng no đủ, an toàn, vững mạnh. Chú trọng hỗ trợ người dân phát triển cao su tiểu điền và trồng cà phê xứ lạnh; đồng thời triển khai kịp thời các đề án, dự án hỗ trợ giảm nghèo, chăm lo giáo dục, văn hóa, y tế cho đồng bào DTTS. Ngoài ra, tỉnh và các địa phương chú trọng tập trung giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, hỗ trợ sản xuất, đời sống, hỗ trợ tấm lợp làm nhà cho các hộ DTTS khó khăn. Vì vậy, đến nay, tỷ lệ hộ DTTS có đất ở đạt 96,08%, tỷ lệ hộ DTTS có đất sản xuất khoảng 96,25%.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng tuyên truyền, vận động người dân từng bước xóa bỏ những hủ tục, qua đó giúp người dân hiểu đúng, tự giác thay đổi nếp nghĩ để vươn lên xây dựng đời sống ấm no. Với sự trợ lực của Nhà nước, định hướng, giải pháp đúng của các cấp, các ngành  cùng với nỗ lực của người dân, đời sống của người dân vùng DTTS có bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần.

Thiết chế văn hóa vùng đồng bào DTTS được đầu tư. Ảnh: T.H

 

Bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giai đoạn 2010-2015 giảm 4,11%/năm; giai đoạn 2015-2021 giảm 6,78%/năm. Tuy nhiên, tính theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh còn 21.989 hộ, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 94,67%.

Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS cũng  được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Sự chuyển biến về kinh tế - xã hội, đời sống của người dân có thể thấy rõ trên mỗi vùng đồng bào DTTS. Chẳng hạn như ở xã Đăk Ui – một trong những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhiều khó khăn của huyện Đăk Hà với gần 90% dân số là đồng bào DTTS. Thời gian qua, với sự quan tâm đầu tư về hạ tầng cơ sở, việc triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nên diện mạo xã đã có sự thay đổi đáng kể. Hiện tại, toàn xã có trên 90% đường nội thôn, liên thôn được cứng hóa; 100% các hộ sử dụng điện an toàn. Hệ thống kênh mương nội đồng đạt chuẩn đảm bảo cung cấp nước cho các diện tích cây trồng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người (năm 2021) trên 34 triệu đồng.

Hay như xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy), từ một địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh với gần 80% dân số là đồng bào DTTS, với việc tranh thủ, lồng ghép và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh, sự góp sức của người dân, thời gian qua xã đã có sự vươn mình mạnh mẽ. Kinh tế-xã hội trên địa bàn phát triển nhanh và bền vững; thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao, cảnh quan môi trường được sạch đẹp, trật tự xã hội được đảm bảo. Năm 2021, xã đã hoàn thành xây chương trình dựng nông thôn mới trước kế hoạch đề ra một năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 7% và thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 35,96 triệu đồng/năm.

Từ một tỉnh với cơ sở vật hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, với việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách và các chương trình đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS của Trung ương và tỉnh, đến nay, kinh tế - xã hội, đời sống người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng được nâng lên rõ rệt, đời sống của đồng bào DTTS đã có những bước chuyển biến tích cực về mọi mặt. Đây là cơ sở để các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS theo hướng toàn diện, bền vững.  

Thùy Hương

Chuyên mục khác