Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững tại huyện Kon Plông: Trao “cần câu” cho người nghèo

06/07/2020 06:13

Ban chỉ đạo huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể trong huyện triển khai các đầu mối công việc theo chức năng nhiệm vụ; cùng các tổ chức đoàn thể cơ sở và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các chính sách giảm nghèo; phân công các thành viên của Ban chỉ đạo huyện phụ trách địa bàn để phối hợp địa phương hướng dẫn bà con thực hiện chương trình bảo đảm đúng kế hoạch đề ra.

Được sự dẫn đường của cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Kon Plông, chúng tôi đến thôn Vi Pờ Ê (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông) thăm gia đình ông A Thấp, một trong những tấm gương sáng về phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, giúp đỡ các hộ trong làng cùng vượt khó, vươn lên làm giàu.

Cũng như bao gia đình khác trong thôn, trước đây, gia đình ông A Thấp quanh đi quẩn lại chỉ biết trồng cây mì, bắp, lúa, thu nhập thấp nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Sau khi được huyện cho đi tham quan các mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả trong tỉnh, đồng thời tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, nhận thức của ông đã thay đổi.

Ông mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển sản xuất với hy vọng vượt qua cái nghèo. Nhờ chí thú làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, những năm qua, gia đình ông đã trồng được hơn 5 ha các loại cây trồng như cà phê, mì lai, cây ăn trái, keo và 2 ha lúa nước.

Vườn cà phê xanh tốt của ông A Thấp. Ảnh: QĐ

 

Ngoài ra, ông A Thấp còn được huyện Kon Plông chọn làm mô hình điểm, nhận hỗ trợ vật liệu làm nhà màng, giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật chăm sóc để trồng 300 m2 cây bí Nhật Bản áp dụng công nghệ cao và 25 con lợn giống địa phương để nuôi tái đàn sau dịch tả lợn Châu Phi. Đến nay, vườn bí đang chuẩn bị thu hoạch với ước tính doanh thu đạt 60 triệu đồng/vụ.

Ông A Thấp bộc bạch với chúng tôi: “Mình đi đầu làm mẫu, rút kinh nghiệm để người dân trong thôn thấy được lợi ích kinh tế của các mô hình đem lại, người này làm được thì người kia làm được; từ đó tự thân vận động, cùng nhau làm kinh tế để thoát nghèo, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trước đây, đời sống bà con trong thôn còn nhiều khó khăn, nhưng nay toàn thôn (có 136 hộ, 412 khẩu) chỉ còn 8 hộ nghèo và cận nghèo, chủ yếu là hộ người cao tuổi”.

Rời xã Pờ Ê, chúng tôi đến thăm trang trại nuôi gà của gia đình anh A Tăng ở thôn Vi Glơng (xã Hiếu, huyện Kon Plông).

Đàn gà nuôi của anh A Tăng. Ảnh: QĐ

 

Theo anh A Tăng, trung bình nuôi một lứa 300 con gà, mỗi năm xuất 12 lứa, trừ chi phí mỗi lứa thu về khoảng 5 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh A Tăng còn có 3 ha đất lúa nước, mì, cà phê; nuôi 2 con bò, 3 con trâu, 11 con lợn.

“Năm 2016, gia đình tôi là hộ nghèo, thu nhập chủ yếu từ trồng mì; tuy nhiên hoàn cảnh vẫn còn không ít khó khăn. Khi tham gia mô hình chăn nuôi gà, tôi tìm mua con giống bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, học cách chăm sóc gà đúng kỹ thuật, mang lại hiệu quả cao hơn, rút ngắn được thời gian chăm sóc đàn gà. Từ đó, tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua gà giống về để chăn nuôi. Đến nay, điều kiện kinh tế gia đình vào diện khá trong thôn, đủ ăn, đủ tiền cho con đi học, ngoài ra tôi còn sắm mua xe máy và các đồ dùng trong gia đình phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt” - A Tăng tâm sự với chúng tôi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Long - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kon Plông cho hay: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, huyện Kon Plông đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu thực hiện như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 6-8%; 100% số xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% số hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế…

Huyện Kon Plông xác định nguyên nhân nghèo là do các hộ có trình độ thấp, chưa biết cách làm ăn; một số hộ gia đình thường xuyên có người đau ốm, bệnh tật, già yếu hết tuổi lao động; một số hộ còn lười lao động, trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo công tác giảm nghèo huyện Kon Plông triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch để giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, bảo đảm mục tiêu đề ra là giảm nghèo từ 6-8%/năm.

Ban chỉ đạo huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể trong huyện triển khai các đầu mối công việc theo chức năng nhiệm vụ; cùng các tổ chức đoàn thể cơ sở và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các chính sách giảm nghèo; phân công các thành viên của Ban chỉ đạo huyện phụ trách địa bàn để phối hợp địa phương hướng dẫn bà con thực hiện chương trình bảo đảm đúng kế hoạch đề ra.

Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Tất cả các chương trình đầu tư của Nhà nước đều được huyện ưu tiên lồng ghép cho công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng. Hiện nay, huyện đang xây dựng 50 mô hình giảm nghèo bền vững với kinh phí gần 10 tỷ đồng; trong đó tập trung vào các mô hình phù hợp với định hướng phát triển của huyện như trồng các loại cây dược liệu , đồng thời xây dựng gần 20 mô hình hỗ trợ giống, vật tư, hướng dẫn người dân phòng dịch tả lợn Châu Phi để tái đàn lợn.

Ngoài nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Kon Plông còn huy động các nguồn vốn khác để tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; lồng ghép các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với huyện nghèo để thực hiện công tác giảm nghèo. Bên cạnh sự hỗ trợ và đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của người dân cũng đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác giảm nghèo, chất lượng cuộc sống của người nghèo từng bước được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2019 là 30 triệu đồng; từ đó tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo. Sau khi điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, đến cuối năm 2019, toàn huyện Kon Plông còn 1.702 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 23%; 657 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,92% so với tổng số hộ trên địa bàn huyện là 7.369 hộ.        

Quang Định

Chuyên mục khác