10/08/2017 14:12
Những con số đau lòng
Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh dài ngày nhất, có quy mô lớn nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong số đó là chất độc da cam, chứa 366kg dioxin; gần 26.000 thôn bản với diện tích 3,06 triệu ha (bằng 1/4 diện tích toàn miền Nam Việt Nam) bị phun rải chất hoá học. Riêng tại Kon Tum, với 380 vụ phun rải, quân đội Mỹ đã đổ 311 thùng (tương đương 346 nghìn lít) chất độc hoá học lên 351ha, tính bình quân, mỗi người dân Kon Tum phải chịu ảnh hưởng của 4,8 lít (tương đương 6kg chất độc hoá học).
Hệ sinh thái, rừng nguyên sinh, sông suối, ruộng đồng… tất cả đều bị thứ hoá chất độc hại “bức tử”. Nhưng đau xót nhất chính là con số 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin và trên 3 triệu người là nạn nhân (riêng Kon Tum có 7.915 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học) đã và đang bị các bệnh tật suy giảm khả năng lao động, con cháu bị dị dạng, dị tật, các tai biến sinh sản, tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, hệ nội tiết thần kinh, vô sinh… Di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 2, thế hệ thứ 3 của những người bị nhiễm loại chất độc này.
Chung tay hàn gắn nỗi đau
Trong thư gửi nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ngày 3/8/2006, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng nhấn mạnh: “Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau chung của nhân loại tiến bộ trên thế giới”
Để hàn gắn nỗi đau ấy, bên cạnh việc khắc phục, giải quyết hậu quả chất độc hoá học, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
|
Tại Kon Tum, việc thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc khắc phục hậu quả chất độc hoá học/dioxin được chú trọng. Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã có mặt tại 9/10 huyện, thành phố; 29/102 xã, phường, thị trấn đã thành lập hội cơ sở. Các hoạt động của Hội đều hướng đến mục đích: tạo điều kiện tốt nhất để các nạn nhân tiếp cận và thụ hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước.
Nhờ đó, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1.117 người được hưởng chế độ trợ cấp chất độc da cam hàng tháng, trong đó có 838 người hoạt động kháng chiến và 251 nạn nhân là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Các hoạt động thiết thực dành cho các nạn nhân chất độc da cam thường xuyên được tổ chức. Đặc biệt, nhân ngày “Vì nạn nhân chất dộc da cam” hàng năm (10/8), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã phát động, vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, vết thương chiến tranh vẫn còn đó, nỗi đau da cam vẫn hiện hữu trong cuộc sống nhiều gia đình, hi vọng rằng với tinh thần đoàn kết – nghĩa tình – trách nhiệm, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách”, trong thời gian tới, toàn xã hội sẽ tiếp tục góp sức, chung tay, góp phần xoa dịu nỗi đau, giảm bớt sự thiếu thốn về vật chất, tinh thần của các nạn nhân da cam, giúp họ từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Mọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong và địa bàn tỉnh xin gửi về: Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kon Tum, số 413 đường U Re, thành phố Kon Tum hoặc chuyển vào tài khoản: Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kon Tum, số 5100.201.007.519, tại Ngân hàng NN&PTNT, chi nhánh Kon Tum, điện thoại: 02603.915.117; Fax: 0603.915.804.
Hoài An