10/08/2019 06:03
Theo điều tra xác minh của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, toàn tỉnh đã có 963 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, trong đó 708 người hoạt động kháng chiến và 255 người là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 1.692 người là con đẻ của người sống trong vùng bị phun rải chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật đang được hưởng trợ cấp xã hội với mức 180 ngàn đồng/người/tháng.
Ông Lữ Đức Thìn - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Từ ngày thành lập đến nay, Hội thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khắc phục hậu quả chất độc da cam; về cuộc đấu tranh đòi công lý; về hoạt động của các cấp hội trong việc chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, Hội thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 43/CT-TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”…
Bên cạnh đó, Hội luôn gắn kết chặt chẽ phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo”, “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”... Theo đó, hàng năm, Hội đã cụ thể hóa các chỉ tiêu nội dung thi đua để hướng dẫn các cấp hội phát động phong trào thi đua phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, khả năng của các cấp hội để triển khai có tính khả thi và lan tỏa đến tất cả các hội viên.
|
Cụ thể, giai đoạn 2011-2019, với tinh thần “Đoàn kết-Nghĩa tình-Trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam”, toàn tỉnh đã có trên 700 lượt tập thể và trên 100 lượt cá nhân ủng hộ gần 7 tỷ đồng cho “Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin”. Đến nay, Hội đã trích trên 6 tỷ đồng để hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, làm nhà mới, sửa chữa nhà cũ, khám chữa bệnh, tặng học bổng, tặng bò sinh sản và tặng quà nhân các ngày lễ, tết cho một số hộ gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Ngoài ra, các cấp hội đã tham mưu chính quyền địa phương và các ngành liên quan thực hiện các chế độ chính sách cho nạn nhân chất độc da cam về trợ cấp hàng tháng, nghỉ dưỡng, khám chữa bệnh đúng quy định của pháp luật; phối hợp thăm hỏi, động viên và tặng quà cho nạn nhân, gia đình nạn nhân, góp phần giúp đỡ họ vượt qua nỗi đau da cam/dioxin.
Từ các phong trào thi đua nói trên, trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn và bệnh tật để vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia sản xuất kinh doanh, công tác xã hội, ở khu dân cư. Mặt khác, đã xuất hiện nhiều cơ quan, đơn vị, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhà hảo tâm có đóng góp tích cực cho phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”.
Ông Lữ Đức Thìn cho biết thêm: Ghi nhận những thành tích đã đạt được, trong 15 năm qua, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân; tặng Bằng tri ân: “Tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam” cho 8 tập thể và 31 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 35 tập thể và 45 cá nhân; Tỉnh hội tặng Bằng tri ân “Tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam” cho 94 lượt tập thể và tặng Giấy khen cho 30 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.
Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã có nhiều hình thức khen thưởng khác đối với các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua này. Qua đó, động viên, khuyến khích toàn xã hội chung tay khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam cho những mảnh đời bất hạnh do chiến tranh gây ra trong hơn nửa thế kỷ qua.
Vĩnh Hà