Chung tay xây dựng nông thôn mới nơi biên giới

27/12/2022 06:02

Trên tuyến biên giới dài hơn 292km giáp hai nước bạn Lào, Campuchia của tỉnh Kon Tum, với nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền, người dân và cán bộ chiến sĩ biên phòng, đến hết năm 2022 đã có 6/13 xã biên giới của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Những ngày cuối năm, không khí lao động sản xuất ở làng Đăk Xây, xã biên giới Đăk Long, huyện Đăk Glei càng hối hả, khẩn trương. Vừa thu hoạch xong vụ cà phê, 130 hộ dân trong làng quay sang thu hoạch mì để kịp bán cho nhà máy chế biến. Nguồn thu từ hai loại cây trồng này dịp cuối năm giúp các hộ dân có tiền mua sắm Tết và vật dụng sinh hoạt.

Ông A Xôn- Bí thư Chi bộ làng Đăk Xây phấn khởi cho biết, sản xuất, cuộc sống của bà con dân làng năm nay có sự thay đổi vượt bậc nhờ làm theo hướng dẫn xây dựng nông thôn mới của chính quyền và cán bộ, chiến sĩ biên phòng Đồn Đăk Long.

“Chính quyền, các đoàn thể của xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân những công việc cụ thể để xây dựng nông thôn mới. Đồn Biên phòng Đăk Long cử cán bộ, chiến sĩ đến từng hộ dân chỉ bảo cách trồng, chăm bón từng loại cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế. Năm nay bà con rất phấn khởi khi cà phê và mì đều cho thu nhập tốt. Ở vùng biên giới khó khăn mà mới qua một năm cuộc sống thay đổi nhiều thế này là mừng nhiều lắm” - ông A Xôn chia sẻ.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong hướng dẫn người dân phát triển cà phê. Ảnh: K.Đ

 

Đăk Long là xã biên giới giáp nước bạn Lào thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Glei. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vượt qua nhiều khó khăn, đến hết năm 2022 xã đạt 16/19 tiêu chí. Với phương châm đạt tiêu chí nào bền vững tiêu chí ấy, năm qua, xã Đăk Long phấn đấu đạt tiêu chí số 9 về Nhà ở dân cư, tiêu chí số 18 về Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Trong năm xã cũng giảm được 113 hộ nghèo, tỷ lệ giảm 8%, cao gấp đôi chỉ tiêu chung của tỉnh.

Ông Huỳnh Ngọc Ly- Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho biết, có được kết quả này là nhờ chính quyền xã đã phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Long.

 “Ngoài việc tham mưu giúp Đảng ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội,  đảm bảo quốc phòng - an ninh, Đồn còn phân công đảng viên về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, làng để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có định hướng, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó còn có mô hình cán bộ, chiến sĩ là người DTTS của Đồn kết nghĩa với một số hộ dân trên địa bàn để giúp phát triển kinh tế cho hộ gia đình đó” - ông Huỳnh Ngọc Ly cho biết thêm.  

Năm 2022, toàn tỉnh có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có xã biên giới Sa Loong, huyện Ngọc Hồi. Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, nhờ phát huy được tinh thần Đại đoàn kết, chính quyền, người dân và cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã chung sức, đồng lòng giải quyết hàng loạt vấn đề nóng trên địa bàn, như: Năm 2017 giải quyết xong tà đạo Hà Mòn; thay đổi tập quán lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giảm tỷ lệ hộ nghèo; cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân…

Thiếu tá Nguyễn Doãn Hải- Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sa Loong cho biết: “Trước đây người dân sản xuất theo phương thức cũ, một năm chỉ được một vụ, năng suất không cao. Đồn Biên phòng giúp dân triển khai mô hình lúa nước một năm hai vụ cho năng suất cao. Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn phối hợp với chính quyền địa phương giúp dân xóa nhà tạm để về đích nông thôn mới. Hộ gia đình nào khó khăn về công lao động thì Đồn phân công cán bộ, chiến sĩ xuống giúp”.

Ông Nguyễn Hữu Bảng- Chủ tịch UBND xã Sa Loong khẳng định, để xã đạt chuẩn nông thôn mới có sự đóng góp công sức rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong. “Để xã Sa Loong cuối năm 2022 đạt chuẩn nông thôn mới, trong những năm qua việc phối hợp giữa Đồn và xã rất là tốt. Mong rằng những năm tiếp theo công tác phối hợp này sẽ lan tỏa hơn nữa để việc phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn xã được tốt hơn”- ông Bảng chia sẻ.

Chung sức, đồng lòng cùng chính quyền, người dân 13 xã biên giới của tỉnh Kon Tum xây dựng nông thôn mới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cử hàng chục cán bộ tăng cường cho 11 xã; phân công đảng viên ở các đồn tham gia sinh hoạt tại 71 chi bộ thôn; kết nghĩa, phụ trách hơn 1.000 hộ gia đình trên khu vực biên giới; giúp dân phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng với hàng nghìn ngày công lao động. Những mô hình giúp dân giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi cuộc sống và bộ mặt nông thôn biên giới.

Đến hết năm 2022, tỉnh Kon Tum có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó riêng tuyến biên giới dài hơn 292km giáp hai nước bạn Lào và Campuchia có 6/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại hiện cũng đã đạt bình quân 16 tiêu chí.

Việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang giúp 13 xã biên giới thuộc 4 huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai ngày càng thay da đổi thịt. Từ kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế- xã hội năm 2022, người dân trên tuyến biên giới của tỉnh Kon Tum, vốn chủ yếu là đồng bào DTTS, thêm tự tin, vững bước vào năm mới 2023.

Khoa Điềm

Chuyên mục khác