Chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa

27/05/2023 06:22

Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc (UNEP) lựa chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023 là “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”.

Theo một nghiên cứu của UNEP, toàn cầu hiện có trên 14 triệu tấn nhựa xâm lấn, phá hủy hệ sinh thái đại dương mỗi năm, trong khi phát thải nhà kính liên quan đến nhựa có thể chiếm đến 15% tổng phát thải được phép xảy ra nếu chúng ta muốn giới hạn sự nóng lên của trái đất trong mức 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp trước đây.

Tại Việt Nam, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm do chất thải nhựa ngày một trở nên nghiêm trọng, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái tự nhiên, sức khỏe con người, cảnh quan.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh ta, nguy cơ diễn ra tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đã và đang hiện hữu; bởi bình quân mỗi năm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt đã thải ra hàng chục tấn rác thải nhựa. Để giải quyết vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường  đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình hành động, kế hoạch quản lý  chất thải nhựa và các biện pháp thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. 

Trung tâm thương mại huyện Đăk Hà tặng giỏ đựng hàng sử dụng nhiều lần cho người dân vào đây mua thực phẩm, thức ăn. Ảnh: C.C

 

Thời gian qua, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai  thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”; chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường phổ biến các văn bản thuộc lĩnh vực môi trường, tác hại của chất thải nhựa đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân; khuyến khích mọi người không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hãy hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Vận động mọi người xây dựng thói quen, hành vi sử dụng sản phẩm dễ phân hủy hoặc có thể tái chế, tái sử dụng để thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; không sử dụng ly, cốc, bình nhựa sử dụng một lần để tiếp khách và trong sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nghiêm túc vấn đề này.

Theo quan sát của chúng tôi, tại các cuộc họp, hội nghị do Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, Huyện ủy, Thành ủy, UBND các huyện, thành phố và một số xã đã sử dụng nước uống bằng chai thủy tinh thay cho chai nhựa.

Một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân đi chợ, siêu thị mua lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt đã có ý thức sử dụng túi đựng thân thiện với môi trường và sử dụng nhiều lần, hạn chế dùng túi nilon sử dụng một lần.

Đáng chú ý, hiện nay, ngành chức năng và các địa phương tích cực vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất túi nilon khó phân hủy chuyển sang sản xuất  các loại túi đựng hàng thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, chính quyền và các ngành chức năng tích cực tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, nhà sách, cửa hàng ăn uống, các tổ chức và cá nhân bán lẻ trên địa bàn giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nilon khó phân hủy, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường; có các hình thức cụ thể nhằm khuyến khích khách hàng đem theo túi khi đi mua sắm, hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường phân loại để chất thải nhựa có thể được tái sử dụng, tái chế.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động, khuyến khích mỗi người dân nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực.   

Cao Cường

Chuyên mục khác