15/07/2018 18:00
Mấy ngày nay, tôi tham gia một "chiến dịch" hết sức có ý nghĩa: bóc quảng cáo rao vặt đang "bôi bẩn" khắp các con phố theo lời kêu gọi của chính quyền. Ban đầu chỉ vài thanh niên, sau đó người hưởng ứng đông dần; cả người già, trẻ em cũng hăng hái tham gia. Chị thôn trưởng tỏ ra hài lòng lắm.
Một khu phố xanh - sạch - đẹp không thể để người ta "bôi bẩn" như thế này, rồi cả thành phố nữa, ngay cả mình sống ở đây còn thấy nhếch nhác, nói gì đến khách. Đây không chỉ là vấn đề "khó coi", mà là danh dự. Việc đấu tranh với nạn "quảng cáo bẩn" là rất cần thiết để góp phần bảo vệ danh dự ấy - chị phát biểu trong "lễ ra quân" gọn nhẹ của thôn.
Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định "phân chia địa bàn", chia thành nhóm, các nhóm đều mang theo thang, xô nước, hộp sơn (hoặc xi măng), chổi, dao nạo bằng sắt đi dọc tuyến phố, vào các con hẻm, cố gắng gỡ bỏ, cạo những tờ quảng cáo, rao vặt dán chi chít trên các bức tường, trụ điện. Chỗ nào khó gỡ quá, bóc ra trông nham nhở thì dùng chổi quét sơn, nước xi măng phủ lên trên.
Công việc khá nhiều, bởi hầu hết các bờ tường, ngõ ngách, trụ điện, cột biển báo giao thông... đều bị dán kín bởi quảng cáo, rao vặt như: Khoan cắt bê tông, rút hầm cầu, trung tâm gia sư, tuyển dụng, mua bán nhà đất, cho vay, hỗ trợ tài chính... Tuy khá vất vả với ngổn ngang những quảng cáo, rao vặt mà một số cá nhân vì tư lợi và thiếu ý thức cộng đồng tạo ra, nhưng mọi người vui vẻ, hăng hái trong việc làm đẹp phố phường.
Làm cùng nhóm với tôi là Tâm, một sinh viên năm 3 của Đại học Đà Nẵng (phân hiệu Kon Tum). Cậu vừa cạo một tờ quảng cáo cho vay tiền trên một trụ điện vừa cau có: Khiếp, quảng cáo, rao vặt ở đâu ra mà lắm thế. Chỗ này này, họ đè nhiều lớp chồng lên nhau, rõ ràng là người dán sau bịt quảng cáo của người dán trước đây mà.
Bất ngờ Tâm thủ thỉ: Hôm nay làm việc này, nghĩ lại mà em cảm thấy ngại quá anh ạ. Sao thế? Tôi tò mò. Vì em cũng từng đi dán quảng cao thuê để kiếm thêm tiền- cậu ta đỏ mặt. Ra thế.
Đã từng tham gia nên Tâm biết, những tờ quảng cáo, rao vặt này khó gỡ như thế nào. "Bây giờ người ta ít dùng hồ dán lắm anh ạ, dùng sơn đấy, dính lắm, cứ 1 tổ 2 người, người quét sơn, người dán nên rất nhanh. Gặp bức tường nào mới, mịn thì thôi rồi, không thể bóc nổi, bóc đâu rách đó, kiểu gì vẫn còn một lớp giấy trên tường"- Tâm kể.
Theo Tâm, những người đi sơn, dán quảng cáo, rao vặt toàn hoạt động vào buổi trưa và tối khuya, thời điểm ít người qua lại, vắng mặt cơ quan chức năng; vì vậy rất khó để ngăn chặn nạn in, dán quảng cáo tái diễn trên những bức tường, trụ điện.
Tâm cho rằng, việc ra quân gỡ bỏ quảng cáo, rao vặt hiện tại là việc làm hết sức ý nghĩa, nhằm loại bỏ cái nhếch nhách của phố phường, tạo mỹ quan, văn minh đô thị. Nhưng về lâu dài, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn, nhất là chế tài xử lý nghiêm những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất hiện tại tờ quảng cáo, rao vặt dán trên tường, trụ điện để răn đe nhằm không để tái phạm; tổ chức tuần tra, kiểm soát thường xuyên nhằm phát hiện và xử lý những người đi dán quảng cáo, rao vặt...
Chế tài xử lý thì có rồi đấy- tôi giải thích- tuy nhiên, như cậu nói, việc phát hiện và xử lý còn gặp nhiều khó khăn khách quan. Theo Nghị định số 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 5/5/2017), cảnh cáo hoặc phạt 200.000-500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội; phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng...
Nhóm của tôi hoàn thành nhiệm vụ trước tiên. Sau khi bàn bạc, 2 anh em quyết định tách ra để giúp sức cho các nhóm khác. Nhìn những bức tường, những trụ điện, cột biển báo giao thông mới ít phút trước còn nhếch nhác bởi dán chi chít quảng cáo, rao vặt bây giờ sáng sủa, gọn gàng hẳn, Tâm thốt lên: Đúng là gọn gàng, sáng sủa hẳn, không còn cảm giác nhếch nhác như hồi sáng.
Nhưng em vẫn lo anh ạ- Tâm nói- lỡ đêm nay hay ngày mai, lại có người đến in, dán quảng cáo lại thì sao? Vì vậy, em mong, bên cạnh việc tổ chức ra quân gỡ bỏ quảng cáo, rao vặt như hôm nay, chính quyền cần duy trì việc tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người chung tay góp sức đấu tranh với nạn "quảng cáo bẩn" trên đường phố bằng việc phát hiện, ngăn chặn và báo cơ quan chức năng xử lý người dán quảng cáo.
Nhìn cậu sinh viên hăm hở dựng thang leo lên gỡ tờ quảng cáo dán trên trụ điện, tôi thầm nhủ: Đúng vậy Tâm ạ! Mình tin rằng, hành động đẹp này sẽ tiếp tục được nhân lên sau buổi ra quân hôm nay. Tất cả vì bộ mặt đô thị sạch đẹp, văn minh...
Thành Hưng