Chúng ta có vô can?

22/03/2024 13:00

Khi nghe tin con em mình bị bạo lực học đường, phản ứng đầu tiên của hầu hết phụ huynh sẽ là “nhà trường phải chịu trách nhiệm”. Nhưng liệu chúng ta, gồm gia đình và cộng đồng, có vô can như mình nghĩ?

Tối hôm qua, tôi khá đau đầu vì tìm cách giải quyết vụ việc đứa cháu bị bạn đánh ở trường.

Chuyện là, Ken (con của em họ tôi) đang học lớp 4. Chiều cuối tuần đi học về, bố mẹ phát hiện có mấy vết cào rướm máu trên mặt cu cậu.

Mẹ cháu thì hét lên và lồng lộn muốn đi tìm đến nhà bạn kia để “tính sổ” vì sao không dạy con, để con đến trường đánh bạn. Đồng thời muốn đến trường để làm cho ra nhẽ. “Nếu không có câu trả lời thỏa đáng, tôi sẽ viết đơn kiện”- cô thét lên.

Ken thì vẫn không hề ý thức được vì sao bố mẹ phải cãi nhau về chuyện này. Nó hồn nhiên nói rằng chúng chỉ đùa nghịch chút thôi, chứ không phải đánh nhau. 

Còn bố cháu “bình chân như vại”, thủng thẳng nói: “Cái gì mà cứ xồn xồn lên thế. Làm thế thì chuyện trẻ con lại thành chuyện người lớn. Con nít chơi ở trường đánh nhau là thường, có theo cả ngày để giữ được đâu. Mấy vết cào ấy vài hôm nó hết”.

Thế là cô vợ quay sang quát chồng không biết bảo vệ con. Nói qua nói lại thành to chuyện. Tôi phải sang can thiệp, dàn hòa mãi.

Cần tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục học sinh. Ảnh: H.L

 

Có thể nói rằng, nạn bạo lực học đường tuy không mới, nhưng ngày càng nghiêm trọng. Mới đây, ngày 14/3, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh nắm tóc, đánh liên tiếp vào mặt bạn ngay trong lớp học trước sự chứng kiến, cổ vũ của bạn bè.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 1/9/2021 đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh; bình quân 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ.

Bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở hình thức đánh nhau, tác động đến cơ thể, mà còn nhiều hành vi tấn công khác về mặt tinh thần như hăm dọa, miệt thị, cô lập.

Nhất là khi công nghệ phát triển như hiện nay, các em dễ dàng tập hợp thành nhóm để tẩy chay, hoặc “khủng bố” đối tượng các em không thích bằng việc gọi điện, nhắn tin, thóa mạ trên mạng xã hội.

Cho đến nay chưa có một số liệu thống kê chính thức nào được công bố về bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh ta. Nhưng một thực tế không thể phủ nhận rằng, nạn bạo lực học đường vẫn đang âm thầm diễn ra trong những lớp học, dưới những mái trường, khiến học sinh, phụ huynh bất an.

Tôi không có ý định mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, bởi đã được nói rất nhiều. Mà điều tôi quan tâm đến là vai trò của gia đình và nhà trường trước vấn nạn này.

Khi nghe tin con cháu mình bị bạn đánh ở trường, thông thường phụ huynh sẽ ứng xử theo hai cách hoàn toàn trái ngược nhau. Đó là dạy trẻ hãy dùng hành động tương tự để chống trả hoặc bảo con phải nhẫn nhịn.

Và cả hai cách đều không ổn!

Ở cách thứ nhất, vô hình chung phụ huynh đã lan truyền quan niệm giáo dục cổ vũ bạo lực, dễ khiến con cái coi hành vi bạo lực là bình thường.

Với cách thứ hai, phụ huynh ngại phiền phức hoặc không muốn làm lớn chuyện khi con bị bắt nạt nên bảo con phải nhẫn nhịn thì sẽ vô tình khuyến khích hành vi bạo lực của đối phương.

Đặc biệt, qua nhiều vụ việc cho thấy, phản ứng đầu tiên của hầu hết phụ huynh sẽ là “nhà trường phải chịu trách nhiệm”, ít thấy phụ huynh nhận lỗi về mình. Lý do ư? Đó là “bạo lực học đường”, nghĩa là nó xảy ra ở môi trường học đường, nơi có sự quản lý, dạy dỗ của thầy cô giáo.

Nhưng liệu chúng ta, gồm gia đình và xã hội, có vô can như vẫn nghĩ?

Tăng cường các hoạt động ngoại khóa để tạo dựng môi trường hoạt động lành mạnh cho học sinh. Ảnh: HL

 

Trên thực tế, nhà trường cũng không đủ quyền hạn và năng lực để giải quyết hết các vấn đề này. Ví dụ, khi một học sinh đánh bạn, nếu nhà trường kỷ luật hay đuổi học em đó thì sẽ bị “lên án”, thậm chí là kiện tụng.

Còn nếu cứ cố giữ lại để giảng giải đạo lý thì gia đình học sinh bị đánh sẽ thấy không yên tâm, sẽ cho rằng làm vậy là nguy hiểm và “thiếu trách nhiệm”. Quá khó cho nhà trường và thầy cô giáo.

Không thể bảo con đánh trả, không thể nhắm mắt làm lơ bảo con nhẫn nhịn. Càng không được đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường. Vậy khi con cái gặp tình trạng bạo lực học đường, chúng ta nên làm gì để giải quyết vấn đề một cách đúng đắn?

Các chuyên gia nhấn mạnh, nhà trường và phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục học sinh, ngăn chặn bạo lực học đường.

Nhà trường nên thông báo với phụ huynh về những dấu hiệu bất ổn về cảm xúc lẫn hành vi có thể dẫn đến nguy cơ dùng bạo lực hoặc bị tấn công bằng bạo lực của học sinh để gia đình cùng hỗ trợ can thiệp. Việc giáo viên gọi điện trao đổi với phụ huynh cần được thực hiện thường ngày.

Và ngược lại, phụ huynh phải bình tĩnh, phối hợp tích cực cùng nhà trường để tìm ra biện pháp thích hợp giải quyết vấn đề. Không nên tìm cách “trả đũa” hoặc va chạm gây bạo lực; cũng không nên im lặng hoặc thờ ơ bỏ qua vì cho rằng đó là chuyện xích mích trẻ con.

Khuyến khích các biện pháp giáo dục, khuyên nhủ giúp trẻ hiểu được sai lầm của mình, tự giác nhận lỗi và nhận hình phạt phù hợp.

Thực hiện Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống bạo lực học đường, ngày 15/3/2024, UBND tỉnh ban hành  văn bản số 861/UBND-KGVX yêu cầu tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.

Trong đó, cần bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống; văn hóa ứng xử, kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên.

Không ai trong chúng ta mong muốn nhìn thấy bạo lực học đường đe dọa sự an toàn của con em mình. Vì vậy, hãy chung tay để nhà trường luôn là nơi an toàn nhất với con trẻ.  

Hồng Lam

Chuyên mục khác