11/05/2025 13:18
|
Tại xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai), phong trào tự quản đường biên, cột mốc đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Mỗi tuần, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Đal phối hợp với các tổ tự quản tổ chức tuần tra, kiểm soát trên đoạn biên giới dài hơn 18km. Bà con tham gia phát quang đường biên, cột mốc và nghe BĐBP tuyên truyền nâng cao nhận thức về quản lý biên giới với tinh thần trách nhiệm và tình yêu với quê hương, đất nước.
Anh A Tấn, trú tại thôn 3, xã Ia Đal chia sẻ: Là người dân vùng biên, tôi luôn ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ lãnh thổ. Tôi và gia đình thường xuyên tham gia tuần tra cùng bộ đội và tuyên truyền cho bà con nhận thức được vai trò của việc giữ gìn biên giới.
Thiếu tá Phạm Tiền Đạt- Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Đal cho biết: Hàng năm đơn vị triển khai nhiều đợt tuần tra với sự tham gia của người dân. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ còn đồng hành với nhân dân trong hoạt động phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giúp bà con yên tâm bám đất, bám làng.
|
Không riêng Ia Đal, tại hai xã Đăk Dục và Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi), sự phối hợp giữa chính quyền, người dân và Đồn Biên phòng Dục Nông đã hình thành nên 18 tổ tự quản hoạt động hiệu quả. Nhờ sự đồng hành chặt chẽ đó, tình trạng vượt biên, buôn bán hàng cấm, vi phạm pháp luật tại khu vực biên giới gần như không còn.
Anh A Né- Trưởng thôn Chả Nhầy, xã Đăk Dục, khẳng định: Bà con trong thôn nhận thức rõ vai trò của việc giữ gìn cột mốc, bảo vệ đường biên. Các hộ dân chủ động phối hợp cùng bộ đội, cam kết không vi phạm và tố giác kịp thời các hành vi trái phép.
Theo Thiếu tá Lê Bá Liêm- Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Dục Nông, đơn vị đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền 2 xã Đăk Dục và Đăk Nông thực hiện tốt Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm chính quyền xã và Đồn đều tổ chức sơ kết và ký kết mới biên bản ghi nhớ với bà con về tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Để triển khai Chỉ thị 01 đạt hiệu quả, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với chính quyền các cấp và các ban ngành tổ chức 13 lớp tập huấn cho hơn 1.500 lượt cán bộ và nhân dân từ xã đến thôn, chú trọng đối tượng là già làng, người có uy tín trong cộng đồng.
Với phương châm “Mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”, gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đến nay, trên dọc tuyến biên giới có gần 1.500 lượt hộ dân, 1.100 cá nhân và gần 500 tập thể đăng ký tự nguyện tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, có thêm 284 hộ, 273 cá nhân tham gia bảo vệ đường biên và cột mốc quốc giới.
Trong 10 năm (2015-2025), BĐBP và bà con nhân dân khu vực biên giới đã tổ chức được 548 đợt tuần tra biên giới với hơn 5.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia; 231 đợt phát quang đường tuần tra, 425 đợt sửa đường, 24 đợt chữa cháy rừng với hơn 19.000 ngày công từ nhân dân và bộ đội; gần 3.000 nguồn tin do nhân dân cung cấp, trong đó hơn 600 tin có giá trị góp phần xử lý kịp thời các vi phạm trên tuyến biên giới.
Ghi nhận những thành tích trong thực hiện Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia trong tình hình mới giai đoạn 2015-2025, 164 lượt tập thể, 428 lượt hộ gia đình và cá nhân được UBND 4 huyện biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh khen thưởng. Tiêu biểu là 2 xã Ia Dal, Ia Dom (huyện Ia H’Drai); các xã Đăk Dục, Đăk Nông, Pờ Y (huyện Ngọc Hồi); xã Mô Rai (huyện Sa Thầy); xã Đăk Plô, Đăk Long (huyện Đăk Glei).
Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia trong tình hình mới còn gắn bó mật thiết với các chương trình an sinh xã hội như “Đồn Biên phòng giúp dân phát triển kinh tế”, “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”, “Nâng bước em tới trường”. Từ đây, thế trận lòng dân và thế trận biên phòng toàn dân ngày càng bền vững.
Dương Nương