09/09/2020 06:02
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, công tác dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đứng trước nguy cơ miền Nam Trung bộ và Tây Nguyên rơi vào tay thực dân Pháp, cuối tháng 3/1946, Ủy ban Hành chính Trung bộ đã quyết định thành lập Ban vận động quốc dân thiểu số Tây Nam Trung bộ để tăng cường khối đoàn kết các dân tộc.
Đến đầu tháng 4/1946, Ban vận động quốc dân thiểu số Tây Nam Trung bộ quyết định thành lập Phòng Quốc dân thiểu số ở Kon Tum. Đây là cơ quan nghiên cứu giúp Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các DTTS trên địa bàn tỉnh, có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Mặt trận Việt Minh; vận động đồng bào các DTTS theo Đảng, Bác Hồ; bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ chính quyền, chống kẻ thù xâm lược; xóa bỏ hiềm khích giữa các dân tộc, xóa bỏ các hủ tục, tập trung bảo vệ đất nước...
Cụ thể, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), Cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh (nay là Ban Dân tộc tỉnh) đã tổ chức tuyên truyền đường lối, chính sách dân tộc của Đảng vào cuộc sống của đồng bào trong vùng căn cứ, vùng mới giải phóng và trong vùng địch kiểm soát nhằm phá tan âm mưu chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp và tay sai, làm cho tình đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh, giữa người Kinh và đồng bào DTTS được gắn chặt, tạo thành sức mạnh to lớn trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Đồng thời, công tác chăm lo đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội cho đồng bào DTTS luôn được chú trọng. Nhờ đó, không những đời sống vật chất và tinh thần đồng bào DTTS được nâng lên, mà còn giúp đồng bào DTTS có thêm nguồn lực để ủng hộ sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.
|
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), cán bộ, đảng viên hòa nhập vào dân và sống với dân, vừa được dân che chở, bảo vệ, lại vừa lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh bảo vệ quyền lợi của chính mình và quyền lợi của cách mạng. Đồng thời, vận động đồng bào xây dựng căn cứ địa, đẩy mạnh sản xuất cải thiện đời sống; tổ chức tiếp tế gạo, muối, nông cụ, thuốc men, vải mặc... cho nhân dân các vùng bị thiếu đói; mở các lớp dạy học để xóa mù chữ cho dân, xây dựng chính quyền nhân dân để kháng chiến lâu dài... Với những hoạt động đa dạng, biết dựa vào dân để vận động nhân dân đoàn kết thực hiện sự nghiệp của cách mạng, công tác dân tộc ở tỉnh đã góp phần kết nối các dân tộc, tạo thành sức mạnh cùng toàn tỉnh và cả nước làm nên đại thắng Mùa Xuân năm 1975.
Sau ngày đất nước thống nhất, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum xác định việc chăm lo cho đồng bào DTTS vùng căn cứ kháng chiến cũ vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị nên đã tham mưu tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm; đồng thời động viên tinh thần tự lực, tự cường của các DTTS để khai thác, bảo vệ và phát triển sản xuất, ổn định đời sống, đẩy mạnh công tác định canh định cư, từng bước đưa đồng bào các dân tộc hòa nhập cuộc sống với cộng đồng xã hội.
Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Từ khi tỉnh ta được thành lập lại (tháng 8/1991) đến nay, cả hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Trong đó, mục tiêu quan trọng vẫn là tập trung phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn vùng đồng bào DTTS bền vững; tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao phúc lợi xã hội; nâng cao trình độ dân trí, tăng cường chất lượng dịch vụ công, bảo vệ môi trường sinh thái, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa vùng DTTS với các vùng khác trong tỉnh và giữa các dân tộc với nhau. Đặc biệt, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; xây dựng gia đình, xã, thôn văn hóa gắn với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.
Nhờ đó, đến nay, tỉnh ta có mạng lưới giao thông nông thôn khá đồng bộ từ trung tâm tỉnh về đến tận thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; lĩnh vực y tế, giáo dục ngày càng phát triển, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Điện lưới quốc gia kéo về 100% thôn làng, trong đó trên 97% gia đình có điện sử dụng sinh hoạt và sản xuất. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh chỉ còn 17.649 hộ DTTS nghèo, chiếm 24,93% so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh và 7.998 hộ DTTS cận nghèo, chiếm 11,3% so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh.
Đặc biệt, trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh làm tốt việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước không chỉ vì lợi ích của các DTTS, mà còn vì lợi ích của cả nước; không chỉ là đối nội, mà còn là đối ngoại; không chỉ về kinh tế - xã hội, mà cả về chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục thực hiện yêu cầu chung của cách mạng Việt Nam và nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn hiện nay là thực hiện chính sách dân tộc với phương châm: “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”; đảm bảo lợi ích của các dân tộc, giải quyết thỏa đáng các mối quan hệ giữa các dân tộc, phát huy sức mạnh của từng dân tộc để góp phần cùng với các địa phương trong cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng phồn vinh, giàu mạnh.
Vĩnh Hà