Chúc tết

10/02/2024 13:20

Cả một năm bận bịu công việc, hoặc nhiều lý do khác nên khó có thể thăm hỏi nhau, vì vậy mà dịp Tết đến Xuân về, ai cũng muốn gặp gỡ, tay bắt mặt mừng, chúc tụng nhau mọi điều tốt đẹp.

Tết đến Xuân về, bà con họ hàng,  bạn bè thường đến nhà nhau để thăm hỏi, chúc tết nhau. Câu nói: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” như một lời nhắc nhở về đạo hiếu, về nét đẹp văn hóa “uống nước nhớ nguồn” và “tôn sư trọng đạo”.

Mùng 1 là ngày khởi đầu trong một năm, nên “mùng 1 Tết cha” là nhắc nhở mỗi người luôn hướng về nguồn cội, tổ tiên ông bà trước hết, sau đó đến thăm họ hàng, gia đình bên nội. Con cháu chúc tết ông bà, chú bác và nhận tiền mừng tuổi đầu năm. Cả nhà cùng nhau sum vầy, ăn uống, chúc mừng nhau năm mới những điều tốt đẹp.

“Mùng 2 Tết mẹ” là sau khi chúc tết bên họ nội xong, con cháu sẽ về bên họ ngoại để chúc tết ông bà, thăm hỏi họ hàng, làng xóm, rồi cùng nhau tổ chức ăn uống, chúc mừng nhau năm mới như bên họ nội.

“Mùng 3 Tết thầy” có nghĩa là sau khi hoàn thành đạo hiếu đối với bậc sinh thành, không quên đến công lao dạy dỗ của thầy cô giáo, những người đã dạy dỗ, truyền đạt kiến thức để chúng ta nên người.

Chúc tết là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Ảnh minh họa

 

Phong tục con cháu đến thăm hỏi, chúc tết ông bà, cha mẹ, họ hàng là một nét văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam, vừa thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ nhưng cũng là truyền thống, đạo hiếu. Con cháu đến thắp hương bàn thờ gia tiên mừng tuổi ông bà có thể mang một chút bánh mứt để dâng cúng bày tỏ lòng thành.

Từ xa xưa, theo phong tục ở nhiều vùng quê, khi con cháu về chúc tết ông bà, cha mẹ thường mang theo khay bánh ngọt, gồm đủ các món bánh mứt do gia đình mình làm được để dâng cúng bàn thờ gia tiên. Chút lòng thành tỏ lòng hiếu kính của con cháu đối với ông bà đến nay vẫn được nhiều nơi gìn giữ.

Có nơi, con cháu ở xa về, mang cả những đặc sản vùng miền, trước để dâng cúng ông bà, sau để người thân trong gia đình cùng thưởng thức món ngon trong năm mới.

Sau khi dâng cúng gia tiên, rồi về bên họ nội hay họ ngoại, mỗi người đều không quên chuẩn bị những phong bao lì xì để mừng tuổi. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, và có những lời chúc, cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với những người thân yêu của mình. Sau đó, ông bà, cha mẹ cũng sẽ lì xì chúc tết con, cháu của mình.

Chúc tết, mừng tuổi, lì xì không bó buộc trong phạm vi gia đình, người thân, bạn bè, mà với những ai chưa quen, chưa biết, nhưng nếu có duyên gặp nhau, cùng ngồi với nhau trong không gian ấm áp của mùa Xuân đều không quên chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới.

Hay như mỗi dịp năm hết tết đến, dù rất bận rộn với nhiều công việc, các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đều dành thời gian đến nhà thăm, chúc tết các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các gia đình thương binh, liệt sĩ, có công cách mạng. Đó chính là biểu hiện rất sâu sắc truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của người Việt Nam.

Về nội dung của những lời chúc Tết thì vô cùng phong phú, không theo một khuôn mẫu nào, tùy suy nghĩ và tấm lòng của mỗi người dành cho nhau, nhưng tất cả đều mang ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn đến với mọi người, mọi nhà trong năm mới. Phổ biến nhất là những lời chúc: “Năm mới chúc cho sức khỏe dồi dào, gia đạo an khang, bình an vô sự” hay như “Năm mới tấn tài, tấn lộc, tấn bình an”, “Năm mới vạn sự như ý”, “Năm mới vạn sự cát tường”; gia chủ kinh doanh, buôn bán thì cầu chúc “Năm mới mua may, bán đắt”.

Khi đi chúc tết cũng cần chuẩn bị những phong bao lì xì. Ảnh: SC

 

Ngày nay, nhiều người còn gieo vần cho những câu chúc đầy ý nghĩa, pha chút vui tai, hài hước như: “Năm mới chúc nhau sức khỏe nhiều, bạc tiền rủng rỉnh tiêu”, “Năm mới công việc như ý, giàu sang phú quý”, “Năm mới phát lộc, tiền vô xồng xộc, tiền ra từ từ”, “Cung chúc tân niên sức khỏe vô biên, thành công liên miên, hạnh phúc triền miên, túi luôn đầy tiền, sung sướng như tiên”, “Năm hết tết đến, vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, triệu sự bất ngờ, không chờ cũng đến”.

Tết đến Xuân về, những em bé được người lớn chỉ dạy cho những câu chúc, bài chúc tết ông bà trong gia đình hay gặp người lớn tuổi khi ra ngoài rất hay và đầy ý nghĩa như: “Kính chúc ông bà sống lâu sức khỏe, trẻ mãi không già, yêu thương hòa thuận, cửa nhà sung túc, hạnh phúc an khang”, “Xuân đến hy vọng, ấm no mọi nhà, kính chúc ông bà, sống lâu trăm tuổi”.

Chính vì lời chúc tết mang những mong muốn tốt đẹp và đầy ý nghĩa nên mỗi dịp Tết đến Xuân về mà ngày nay, nhiều nhãn hàng không quên in những lời chúc trên những hộp quà, những phong bao lì xì tràn ngập sắc xuân như: Xuân như ý, Mừng Xuân an lạc, Tết an lành, Tết hạnh phúc, Xuân tài lộc, Xuân thịnh vượng.

Những lời chúc dẫu mang ý nghĩa chung chung, nhưng lại là phù hợp với tất cả mọi người, mọi nhà khi đón nhận món quà được trao tặng.

Và vì chúc tết là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam nên cùng với việc chuẩn bị tết trong gia đình, năm hết tết đến, mọi người, mọi nhà đều có kế hoạch và sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho hoạt động thăm và chúc tết người thân, bạn bè./.

Sông Côn

Chuyên mục khác