Chữ về cho lúa thêm bông

01/09/2023 06:12

Ngay buổi họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu xếp chống nạn mù chữ là việc quan trọng thứ hai phải làm ngay chỉ sau việc chống nạn đói. 78 năm trôi qua, từ các chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời đầu tư cho giáo dục - đầu tư cho tương lai, cùng với cả nước, Kon Tum không chỉ đẩy lùi “giặc dốt” mà còn đưa con chữ về từng thôn, làng, từng hộ gia đình để cho những đồng lúa thêm bông, cho những rẫy vườn thêm trĩu quả.

Thực tế cho thấy với đặc thù của tỉnh miền núi thì việc nâng cao dân trí, ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống chỉ trở thành hiện thực khi giáo dục đủ mạnh. Con chữ không làm no cái bụng ngay tức thời, nhưng “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, qua thời gian, con chữ là nguồn ánh sáng soi đường vượt qua đói nghèo, lạc hậu, cho những cái mới, cái tiến bộ về với mỗi nhà, cho cuộc sống ngày càng ấm no bền vững.

Bởi vậy, qua các giai đoạn lịch sử, tỉnh Kon Tum (và có thời điểm sáp nhập tỉnh Gia Lai - Kon Tum) đã có những kế sách cực kỳ trí tuệ để giải quyết vấn đề dân trí. Nếu như sau giải phóng đất nước đó là thanh toán nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ, thanh niên; cải tạo nền giáo dục cũ, xây dựng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, thì từ khi chia tách tỉnh đến nay tiếp tục khắc phục những khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa mang tính cụ thể, thời sự, vừa mang tính chiến lược, bảo đảm các điều kiện cho giáo dục phát triển, quan tâm giáo dục vùng dân tộc thiểu số, đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn để đưa sự nghiệp giáo dục Kon Tum phát triển vượt bậc.

Chất lượng giáo dục học sinh DTTS ngày càng được nâng cao. Ảnh: NP

 

Nếu như năm 1991, toàn tỉnh chỉ có 109 trường từ mầm non đến THPT; 477/1131 phòng học làm bằng tranh, tre, nứa, lá; trang thiết bị giáo dục hầu như là con số không; đặc biệt toàn tỉnh còn 108 làng trắng về giáo dục; chỉ có 1.269 giáo viên ở tất các các cấp học, bậc học, trong đó nhiều giáo viên được đào tạo theo hình thức công đoạn nên năng lực chuyên môn, nghiệp vụ hết sức hạn chế; tỷ lệ người đi học trên số dân rất thấp, trong 10 người dân thì chỉ có 1 người đi học thì đến nay đã có 359 trường mầm non, phổ thông công lập, 73 cơ sở giáo dục ngoài công lập, 11 cơ sở đào tạo, 102 trung tâm học tập cộng đồng; có 164.256 trẻ em, học sinh theo học ở các cấp học; có 11.716 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm 2000, toàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2009, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS; năm 2010, hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Điều đáng mừng nữa là chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Liên tiếp qua các năm, tỉnh ta đạt thành tích cao so với trong vùng về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT, đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và đạt nhiều giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, các cuộc thi sáng kiến khoa học kỹ thuật…

Là tỉnh miền núi với hơn 53% dân số là đồng bào DTTS, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục dân tộc. Tỉnh liên tục có các nghị quyết về giáo dục dân tộc: Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIII “về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2008-2015”; Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV “về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2016-2020”, Nghị quyết 02 –NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVI “về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Với mục tiêu, giải pháp, phương hướng cụ thể, những năm qua, các cấp, các ngành huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp về tận các thôn làng, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh DTTS học hành. Ngành Giáo dục cũng triển khai nhiều mô hình, phương pháp phù hợp với đối tượng học sinh như: Tăng cường vốn tiếng Việt cho học sinh DTTS ở các bậc học; dạy tiếng DTTS cho học sinh DTTS ở bậc Tiểu học; làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp; tăng thời lượng học bằng cách dạy 2 buổi /ngày... để vừa đảm bảo được sĩ số, duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh, vừa đảm bảo được chất lượng học tập.

Tỉnh ta đã thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng dân trí. Ảnh: NP

 

Và tất nhiên, không chỉ đẩy lùi “giặc dốt” như mong muốn của Bác cách đây 78 năm, mà trình độ dân trí của người dân ngày càng được nâng cao, tất cả trẻ em Kon Tum trong độ tuổi đều được đến trường học tập ở các cấp, bậc học. Số học sinh hoàn thành chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông ngày càng nhiều và tiếp tục lên các bậc học cao hơn. Nhờ được trang bị kiến thức, tri thức, người dân Kon Tum dần xóa bỏ các hủ tục, bước qua những nếp nghĩ cũ, cách làm cũ, tự hình thành cho mình nếp nghĩ mới, cách làm mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cuộc sống. Các cụm từ như chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao dần trở nên quen thuộc và được người dân áp dụng trong thực tiễn cuộc sống. Con chữ dần nở hoa, nâng cao giá trị thu nhập trên những cánh đồng lúa, những rẫy cao su, cà phê, dược liệu. Con chữ cũng mang lại cuộc sống tiến bộ, ấm no, hạnh phúc về cho mỗi người, mỗi nhà.

Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cũng là thời điểm các thầy cô giáo, các em học sinh trong tỉnh hân hoan bước vào năm học mới 2023-2024. Trong những ngày tháng có nhiều ý nghĩa lịch sử này, nhìn lại những thành quả đạt được trong công tác nâng cao dân trí chính là động lực để cả hệ thống chính trị, mỗi thầy cô giáo, mỗi gia đình, mỗi học sinh phải “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, thực hiện tốt mục tiêu nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến tương lai phát triển bền vững của tỉnh nhà.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác