08/07/2020 06:00
Thường ngày, sau giờ tập thể dục buổi sáng, các cháu ở điểm trường Mầm non Thủy Tiên (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) lại bước vào nội dung hoạt động ngoài trời. Hôm nay, chủ đề “làm quen với nước” được tổ chức dưới dạng một hoạt cảnh nhỏ giúp các cháu không chỉ tiếp thu những kiến thức cơ bản về nước, tác dụng của nước đối với sự sống và môi trường, mà còn được làm quen với hoạt động gánh nước, sử dụng nước có ích.
Trong nhóm bạn 5 tuổi, cậu bé A Bảo nhanh nhẹn đảm nhận phần gánh nước. Các bạn gái hào hứng giúp cô giáo lắp đặt hệ thống dẫn nước đơn giản, gọn nhẹ. Đáng chú ý, tất cả các đồ dùng, dụng cụ này đều do các cô giáo tự làm nên từ các phế liệu sẵn có, dễ tìm để phục vụ cho hoạt động trực quan bổ ích, trải nghiệm lý thú của trẻ. Bé Y Lis khoe: Tụi con có nhiều trò chơi như lấy nước - gánh nước, chợ quê, chơi kéo co, ô ăn quan, tập làm cô giáo, y tá nữa…, trò nào cũng thích.
Một buổi sáng cuối tuần đẹp trời, các học sinh của Trung tâm Ngoại ngữ Sunshine được các cô giáo tổ chức đi xe bus, đến trải nghiệm thực tế tại một nông trại ở xã Đăk La, huyện Đăk Hà. Cách thành phố Kon Tum hơn 15 km, trang trại là mô hình vườn - ao “lý tưởng” với các sản phẩm khá đa dạng đã được thu hoạch và môi trường trong lành, gần gũi với thiên nhiên. Tại đây, trong thời gian một buổi, các cháu được trải nghiệm thực tế hoạt động lao động sản xuất của người nông dân như thu hoạch khoai lang, trồng cây cà chua, hái chanh, câu cá. Đặc biệt, là gắn với thực tế được trải nghiệm, việc làm quen với từ vựng, cách đặt câu… của các cháu đều bằng tiếng Anh.
|
Lần đầu tiên tìm hiểu thực tế về cấu tạo của cây khoai lang, tự tay nhổ củ, bé Trương Khánh Linh, (lớp 2B, Trường Tiểu học Ngô Quyền) theo học tại Trung tâm Sunshine tỏ ra vô cùng thích thú. Cậu bé Phan Văn Hoàng Diệp (lớp 5, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng), không chỉ “mê” đất đai, cây trồng, mà còn đặc biệt hào hứng với việc câu cá trong ao. Với cách học thực tế sinh động này, các em được tiếp thu vốn tiếng Anh một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Cô Telmo (người Cameroon) tham gia hoạt động trải nghiệm, hướng dẫn các cháu nói tiếng Anh phấn khởi cho hay: Trồng cây, thu hoạch củ quả là hoạt động trải nghiệm rất thú vị. Qua đây, các em học cách trồng, tự tay trồng, được tìm hiểu thêm cả về cách chăm sóc, chế biến nông sản.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ SunShine, cho biết, với mục đích dạy Anh ngữ theo giáo trình Cambridge và kỹ năng giao tiếp cho học sinh, trải nghiệm thực tế là hoạt động không thể thiếu trong nội dung đào tạo của Trung tâm. Theo đó, các buổi trải nghiệm thực tế với từng chủ đề, chủ điểm học tập, giao tiếp cụ thể tổ chức hàng tuần không chỉ được các em yêu thích, hào hứng tham gia, mà còn thu hút sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc phụ huynh.
Không chỉ tập trung ở khu vực thuận lợi, tại địa bàn vùng sâu vùng xa đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục, chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế cũng được các đơn vị giáo dục quan tâm, chú trọng. Tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngọc Tem (huyện Kon Plông), chương trình “Rung chuông vàng” định kỳ được tổ chức trong sự háo hức đón chào của học sinh là con em đồng bào DTTS Xơ Đăng, Hrê. Bên cạnh đó, hoạt động tăng gia sản xuất, làm vườn rau, chương trình lửa trại, tái hiện lễ hội của đồng bào tại chỗ… không còn xa lạ trong sinh hoạt tập thể của các em cũng đã góp phần tạo nên môi trường giáo dục bổ ích.
“Mặc dù còn khó khăn, song nhà trường luôn quan tâm tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tạo điều kiện để học sinh trải nghiệm thực tế càng nhiều càng tốt. Điều đó vừa giúp ích cho việc tiếp thu kiến thức của các em, vừa thuận lợi cho việc rèn luyện kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi của mình” - thầy giáo Phạm Duy Sơn- Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.
Trải nghiệm thực tế không chỉ góp phần tạo nên sự hứng thú trong môi trường giáo dục lành mạnh, giúp học sinh tiếp thu kiến thức, mà còn góp phần rèn luyện kỹ năng sống (kỹ năng giao tiếp, sinh hoạt tập thể, xử lý tình huống…) cho học sinh. Vì lẽ đó, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp - trải nghiệm sáng tạo là nội dung được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm “phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh”.
Thanh Như