Chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học

06/09/2019 06:15

Việc đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi ở trường, nhất là bữa ăn học đường là một trong những vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm. Để tháo gỡ những khó khăn, trở ngại, ngoài trách nhiệm của các trường và ngành Giáo dục- Đào tạo, rất cần sự chung tay của các địa phương và sự chia sẻ của cả xã hội.

Bếp ăn tập thể và bữa ăn học đường đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, song song với chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học luôn được ngành Giáo dục- Đào tạo tỉnh ta quan tâm thực hiện.

Bước vào năm học mới, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (thành phố Kon Tum) xác định đối với học sinh ở bậc tiểu học, ngoài dạy kiến thức, việc chăm lo bữa ăn, giấc ngủ của các em khi ở trường là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong đó, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Cô Lê Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhà trường luôn chú trọng chọn lựa những nhà cung cấp thực phẩm uy tín, chỉ ký hợp đồng với các nhà cung ứng có đầy đủ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khâu kiểm tra, kiểm soát thực phẩm đầu vào chuẩn bị cho bữa ăn của học sinh rất được nhà trường chú trọng; khi nhập thực phẩm có đại diện giáo viên, nhân viên y tế học đường, cô nuôi kiểm tra. Bếp ăn nhà trường được xây dựng đúng theo tiêu chuẩn 1 chiều, thực hiện đầy đủ các quy định về lưu mẫu thức ăn, kiểm thực 3 bước. Nhờ vậy, trong nhiều năm nay, chưa hề xảy ra vụ việc đáng tiếc nào về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường.

Là địa phương có số lượng trường học tổ chức ăn bán trú nhiều nhất trên địa bàn tỉnh với 40 trường tiểu học, mầm non và 40 nhóm lớp mầm non tư thục độc lập có bếp ăn, ngành Giáo dục- Đào tạo thành phố Kon Tum coi việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho bữa ăn của học sinh là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Trong năm học mới này, để làm tốt công tác bán trú tại các nhà trường, nhóm lớp, ngay từ trong thời gian hè, Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố chỉ đạo các trường, các nhóm lớp tiến hành xây dựng, tu sửa, cải tạo bếp ăn một chiều và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác bán trú học sinh. Ngay khi học sinh tựu trường, các trường tổ chức tuyên truyền cho cha mẹ học sinh thực hiện tốt việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên, nhân viên về tầm quan trọng của công tác tổ chức bán trú, việc đảm bảo an toàn cho học sinh. Các trường thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các hoạt động bán trú trong suốt cả năm học nhằm đảm bảo cho học sinh ở trường an toàn.

Nhân viên cấp dưỡng đang chia thức ăn. Ảnh: TH

 

Không chỉ tại thành phố Kon Tum mà công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể của học sinh được ngành Giáo dục- Đào tạo toàn tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chú trọng.

Bà Đinh Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Toàn tỉnh hiện có 207 trường học có bếp ăn tập thể dành cho học sinh. Những năm qua, Sở Giáo dục- Đào tạo luôn quán triệt các trường học tăng cường đảm bảo an toàn vệ thực phẩm trong bếp ăn và chất lượng bữa ăn cho học sinh; tổ chức xây dựng bếp ăn đảm bảo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm theo từng cấp học; tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị trường học tổ chức bếp ăn bán trú. Sở Giáo dục- Đào tạo thường xuyên chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo của các huyện, thành phố yêu cầu các trường có bếp ăn tập thể trên địa bàn phải có giấy chứng nhận hoặc cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện nghiêm việc ký kết hợp đồng với các cơ sở cung ứng thực phẩm, nước uống đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, các trường cũng thường xuyên kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, giá bán thực phẩm của các nhà cung ứng, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn trường học.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Sở Y tế tăng cường truyền thông, giáo dục và phổ biến các quy định về việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bếp ăn trường học; hướng dẫn các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức và trách nhiệm của các nhà trường trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong tổng số 207 trường có bếp ăn tập thể hiện có, có 113 bếp đảm bảo bếp ăn 1 chiều. Qua công tác kiểm tra của ngành Giáo dục - Đào tạo và các lực lượng chức năng cho thấy, hầu hết các trường học tổ chức bán trú đều thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn thực phẩm, các quy định về lưu mẫu thức ăn, số kiểm thực 3 bước; các trường công khai, niêm yết đơn giá, thực đơn hằng ngày và thường xuyên thay đổi thực đơn để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh…

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực trên, việc đảm bảo an toàn thực phẩm của các bếp ăn bán trú hiện vẫn còn những điều mà Sở Giáo dục - Đào tạo luôn trăn trở. Đó là toàn tỉnh hiện vẫn còn 94 bếp ăn trường học chưa đảm bảo quy định 1 chiều, nhưng vẫn phải tổ chức bán trú cho học sinh để duy trì sĩ số, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của các trường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Ia H’Drai. Việc giải quyết vấn đề này không thể trong một sớm một chiều được, bởi để xây dựng được các bếp ăn tập thể một cách bài bản đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn; trong khi đó, các địa phương và cả ngành Giáo dục- Đào tạo còn nhiều khó khăn. Mặt khác, ở nhiều trường học vùng khó khăn chưa tiếp cận với nguồn thực phẩm đa dạng và đảm bảo chất lượng, do thiếu các cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn và khó khăn trong quá trình vận chuyển, bảo quản thực phẩm... Một số trường vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc lưu mẫu thức ăn và kiểm thực 3 bước, người tham gia chế biến thực phẩm chưa tuân thủ nghiêm các quy định về bảo hộ lao động, nơi chế biến có lúc còn chưa đảm bảo vệ sinh.

Có một thực tế lâu nay đang tồn tại ở các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú, đó là việc kiểm tra thực phẩm các bếp ăn trường học chỉ được thực hiện bằng mắt thường; đây là vấn đề khiến không ít phụ huynh học sinh tỏ ra lo ngại.

Một năm học mới lại bắt đầu, việc đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi ở trường, nhất là bữa ăn học đường là một trong những vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó khăn, trở ngại trong công tác tổ chức bán trú và đảm bảo an toàn thực phẩm, ngoài trách nhiệm của các trường và ngành Giáo dục- Đào tạo thì rất cần sự chung tay của các địa phương và sự chia sẻ của cả xã hội.     

Thiên Hương

Chuyên mục khác