21/06/2019 06:40
Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại của Đảng và của dân tộc, là người thầy của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đó là sự thật lịch sử của trên 9 thập niên, xuyên qua hai thế kỷ. Điều này được khẳng định qua sản phẩm báo chí của Người.
Nếu không tính những đoạn tin Người viết từ rất sớm đăng trên báo Pháp “Đời sống thợ thuyền” thì bài báo đầu tiên với đúng nghĩa của nó là bài “Vấn đề người bản xứ” đăng trên báo Nhân Đạo của Đảng Xã hội Pháp cách đây đúng 100 năm (ngày 2/8/1919) và bài cuối cùng là “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục Thiếu niên Nhi đồng”, đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 1/6/1969, tức ba tháng trước khi Bác về cõi người hiền.
Với khoảng 2.000 bài báo, 53 bút danh, một nhà báo cách mạng, một lãnh tụ chính trị bận rộn, lo toan bao việc lớn trong hoàn cảnh cực kỳ gian khổ, khó khăn, Bác tỏ rõ một tài năng lỗi lạc, một nghị lực phi thường hiếm có.
Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ yêu cầu bức xúc của người chiến sĩ cách mạng và vũ khí sắc bén là ngòi bút chiến đấu cho lý tưởng, cho chân lý. Với Bác, lý tưởng tha thiết, cao đẹp nhất là độc lập cho dân tộc; tự do, hạnh phúc cho nhân dân; mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành; cuộc sống không bị áp bức, bóc lột, không phải chịu đựng những bất công; tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người; xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị.
Cũng có ý kiến cho rằng bài đầu tiên “Yêu sách của nhân dân An - Nam” ký tên Nguyễn Ái Quốc đăng trên 2 tờ báo lớn ở Paris (L’Humanité và tờ Le Populaire) ngày 18/6/1919 là hoa trái đầu mùa của người chiến sĩ yêu nước, của nhà báo cách mạng, trái tim sục sôi bầu nhiệt huyết đấu tranh cho lẽ sống còn của dân tộc, hiên ngang đối mặt với kẻ thù của Tổ quốc ngay tại sào huyệt đầu não của thế lực khổng lồ, một đế quốc hùng mạnh và tàn bạo. Nhà báo Hồ Chí Minh nổi tiếng với các bài báo chính luận đanh thép, những tiểu phẩm sắc nhọn và nhiều khi hàm chứa chất trào lộng đầy ấn tượng. Trong những năm kháng chiến, những tiểu phẩm của Người nhằm thẳng kẻ thù, giáng những đòn đả kích sâu cay, lột trần bộ mặt, tâm địa của bọn trùm sỏ thực dân, đế quốc, gợi cho người đọc hiểu được bản chất thâm độc của kẻ thù để quyết tâm chiến đấu.
Trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài, Bác nói đôi nét về nghề báo của mình: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi tôi là người tuyên truyền, tôi cũng không tranh cãi, gọi là nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất”. Rõ ràng Người khẳng định nghề báo, ngòi bút của mình chỉ nhằm phục vụ lợi ích nhân dân, lợi ích của người lao động, lợi ích của cách mạng. Thật trong sáng và cao cả thay.
Bác không chỉ là người viết báo mà còn là người sáng lập, xây dựng, chỉ đạo những tờ báo có vai trò cực kỳ quan trọng trong lịch sử nhân dân ta và các dân tộc bị áp bức. Bác đã viết, vẽ, phát hành báo.
Ngày 1/4/1922, giữa Paris - thủ đô nước Pháp với một hệ thống thuộc địa Á, Phi, tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) ra mắt bạn đọc. Bác và các đồng chí của mình đã sáng lập, tổ chức và phát hành tờ báo, gây một chấn động lớn cho thế lực cầm quyền và thu hút kiều dân các dân tộc bị áp bức có mặt ở Pháp.
Người cùng khổ - tên của tờ báo phản ánh tình cảnh của các dân tộc bị áp bức, bóc lột giữa đô thành Paris tráng lệ. Người thanh niên Việt Nam dáng mảnh khảnh, cao gầy, đôi mắt thông minh đã sáng lập tờ báo, cũng là cây bút chủ lực và tự mình phát hành, quảng cáo cho tờ báo còn trứng nước, ra đời trong hoàn cảnh thiếu thốn, nghèo cực. Bác đứng trước đám đông và nói:
- Tờ báo này kể cho các bạn biết về việc bọn thực dân áp bức chúng tôi như thế nào. Báo phát không, nhưng chúng tôi sẽ vô cùng biết ơn nếu các bạn tình nguyện giúp cho tờ báo ít nhiều, dù chỉ một xu thôi cũng được.
Tuy phải tránh né sự dòm ngó của mật thám, lính thực dân, nhưng những người lao động, trí thức Pháp có lương tri, kiều dân các nước, nhất là các dân tộc nhỏ bị thống trị đã đến với tờ báo, nhiệt thành ủng hộ tờ báo.
Như “cánh chim báo bão”, tờ báo Người cùng khổ đã khơi dậy trong trái tim người bị áp bức những tia lửa đấu tranh. Người cùng khổ cũng theo bước chân các thủy thủ Việt Nam, vượt đại dương về Tổ quốc Việt Nam. Nhà báo, nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Ái Quốc yêu nước như một ngọn cờ vẫy gọi, một huyền thoại giữa đời thường.
Ngày 21/6/1925, Bác sáng lập tờ báo Thanh Niên. Chỉ tồn tại từ năm 1925 tới năm 1927 với 88 số. Báo Thanh Niên là tờ báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam, góp phần to lớn vào việc chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức để thành lập Đảng tiên phong. Ngày 21/6 hàng năm trở thành truyền thống vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam.
|
Có thể nói, từ ngày bôn ba tìm đường cứu nước hoặc trên cương vị Chủ tịch nước cho đến khi Bác về cõi vĩnh hằng, luôn gắn bó máu thịt với báo chí và không buông lơi ngòi bút chiến đấu, ngòi bút nhân văn của một nhà báo tài năng, tâm huyết. Biết bao lời răn dạy của Người với nghề viết báo, làm báo rất thiết thực, cụ thể. Nhưng điều mà Bác đặc biệt quan tâm là cái tâm, đạo đức và bản lĩnh của người làm báo. Bác dạy :“Cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí của họ”. Người còn nói: “Đối với người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”, “Ngòi bút của nhà báo là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.
Những người làm báo Việt Nam, các thế hệ con cháu của Người luôn vâng lời Người, luôn rèn luyện để trở thành những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng và văn hóa nhiều thập niên qua. Nhiều nhà báo chân chính như những con ong mật cần cù, chắt chiu từng chút phấn hoa góp mật cho đời, được nhân dân yêu mến và tin cậy.
Võ Năng Nhẫn