Chư Tan Kra mây trắng

25/07/2021 13:02

Ở Kon Tum có lẽ không mấy người không biết đến địa danh Chư Tan Kra - rặng núi xanh trùng điệp nơi vùng đệm Vườn quốc gia Chư Mom Ray, huyện Sa Thầy. Nơi ấy, ngày 26/3/1968 đã xảy ra trận chiến khốc liệt giữa quân Giải phóng với quân viễn chinh Mỹ. Cuộc chiến đấu anh dũng đã có gần 200 chiến sĩ Trung đoàn 209 hy sinh!

Dư âm trận đánh bi hùng và hình ảnh chí tình chí nghĩa của các cựu binh là tiền đề cảm xúc cho nữ thi sĩ trẻ Lữ Mai (tên thật Lữ Thị Mai, hiện công tác tại báo Nhân Dân) viết nên trường ca Chư Tan Kra mây trắng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành xong trong tháng 6/2021).

Tập trường ca dài gần 1.300 dòng thơ đã có mặt kịp thời vào thời điểm cả nước nói chung, Kon Tum nói riêng đang hướng tới ngày kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021).

Trong hoạt động văn học nghệ thuật xưa nay cũng đã có nhiều tác phẩm của các văn nghệ sĩ lấy chất liệu, cảm xúc từ một sự kiện lịch sử, một trận đánh cụ thể để hình thành. Tuy nhiên, trên địa bàn Kon Tum lâu nay rất ít khi có một sự kiện hoặc một địa danh cụ thể được đưa vào một sáng tác mang tính “dài hơi” như thế này. Do vậy, có thể nói đây là “món quà” đặc biệt của một cây bút trẻ gửi tặng riêng cho Kon Tum để dâng lên tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Chư Tan Kra.

Chiến sĩ Sư đoàn 320 kéo cờ Tổ quốc trên điểm cao 1015, ngày khánh thành Nhà bia tưởng niệm. Ảnh: XB

 

Ở lời đề từ vào sách, tác giả viết (lược trích): “Ngày 26/3/1968, trên dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, gần 200 người lính Hà Nội thuộc Trung đoàn 209 (…) đã chiến đấu quả cảm và anh dũng hy sinh trong cuộc giao tranh ác liệt với Mỹ tại điểm cao 995 (…). Thời điểm cuốn sách này đến với bạn đọc, các cựu chiến binh, thương binh cũng đang chuẩn bị … để đi tìm hài cốt đồng đội. Hành trình kéo dài hơn thập kỷ qua vẫn tiếp tục được nối dài…”.

Như vậy, đã trên 10 năm “đi tìm đồng đội”, đến nay các cựu binh vẫn tiếp tục cuộc hành trình tình nghĩa. Trường ca Chư Tan Kra mây trắng chính là trường đoạn phim phản ánh hình tượng thấm đẫm tính nhân văn cao cả này.

Những giấc mơ ám ảnh, ký ức bi tráng lẫn bi hùng ngồn ngộn ùa về theo bước đường tìm kiếm của các cựu binh. Sự pha trộn giữa quá khứ và hiện tại ấy được tác giả biểu đạt bằng một thủ pháp nghệ thuật vừa đồng hiện vừa tái hiện theo dòng thời gian và niềm hoài niệm của những người trong cuộc (các cựu binh Việt, và cả cựu binh Mỹ cùng từng tham chiến tại đấy năm xưa). Thông qua nghệ thuật sắp đặt giữa trần thuật và xúc cảm, những dòng thơ vừa hiện thực vừa huyền ảo phiêu linh, tạo nên một thế giới giao hòa giữa âm và dương, giữa người sống và người đã khuất làm lay động lòng người.

Trường ca mở đầu là những ám ảnh không rời và niềm hoài niệm khôn nguôi trong tâm trí những người còn sống trở về sau chiến tranh vẫn luôn canh cánh nhớ lại trận đánh khốc liệt và đồng đội năm xưa đã thôi thúc những “người lính già đầu bạc” ngày nay lên đường đi tìm đồng đội - một hình ảnh rất cảm động: “Miệng mũi tranh nhau thở/ Ngoài bảy mươi mỏi gối chồn chân/ Chư Bok Dak, Chư Rơ Ban, Chư Tan An…/ Điệp điệp trùng trùng”…

Trường ca cũng đã khéo léo đưa sự có mặt và cảm xúc của các cựu binh Mỹ cũng trở lại Chư Tan Kra vào đây càng làm tôn thêm tính chính nghĩa và uy linh của những anh hùng liệt sĩ Chư Tan Kra: “Chúng tôi thuộc cựu binh sư đoàn 4/ Cùng người thân về tới nơi đây/ Lần đầu tiên đặt vòng hoa dâng Đài tưởng niệm/ Danh sách quân nhân gửi trong lễ cầu siêu/ Nước mắt chảy trong ngày giỗ trận”…

Trường ca không chỉ tập trung vào chuyện cựu binh đi tìm đồng đội và chiêu hồn người đã khuất, mà còn thông qua hình ảnh nơi chiến địa năm xưa sau chiến tranh đang ngày một thay da đổi thịt thì tấm lòng bao người ngày nay vẫn luôn hướng về tưởng vọng người xưa: “Khi không còn đạn bom/ Lại vang bài ca nương rẫy/ …/ Trên lưng đồi hình yên ngựa/ Cứ ngửa mặt nhìn trời/ Sẽ gặp đoàn quân tỏa vào xanh thẳm”…

Chư Tan Kra mây trắng với những dòng thơ lúc khắc khoải đau thương, lúc đẹp mềm như lụa giúp bạn đọc ở Kon Tum hướng vọng lòng mình về với những con người hy sinh vì Tổ quốc ngay trên mảnh đất mình đang sinh sống.   

Tạ Văn Sỹ

Chuyên mục khác