Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

04/10/2023 12:58

Thời gian gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng. Dù chưa có trường hợp tử vong, nhưng với sự nguy hiểm của bệnh, bác sĩ khuyến cáo người dân cần theo dõi sát sức khỏe khi có dấu hiệu sốt, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nặng nếu đã được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết tránh biến chứng.
Khám, tư vấn bệnh nhi sốt xuất huyết. Ảnh: PH

 

Trong tháng 9/2023, Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã có hơn 110 ca mắc sốt xuất huyết đến khám. Trong đó, có nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị do mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo nặng.

Đưa con xuống khám tại Khoa Y học nhiệt đới, chị Trần Thị Tâm (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) cho biết: “Ở nhà cháu sốt xuất huyết nhẹ. Nhưng sau ngày thứ 4 thì sốt nặng hơn, tôi đưa cháu xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị sốt xuất huyết nặng, máu hơi đông, có tràn dịch màng bụng, phải nhập viện. Sau khi điều trị, truyền dịch, hiện tại cháu đã khỏe hơn nhiều”.

Hầu hết các trường hợp mắc sốt xuất huyết có thể được chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cần nhận biết dấu hiệu bệnh tăng nặng để đưa người bệnh đến bệnh viện, như: Giảm thân nhiệt mạnh; đau bụng dữ dội; nôn mửa; chảy máu lợi; nôn ra máu; thở gấp; mệt mỏi, ly bì chán chường; đau đầu, chóng mặt.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viên Đa khoa tỉnh. Ảnh: PH

 

Bác sĩ CKI Lê Thị Chi - Phó Trưởng Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Bệnh nhân sốt xuất huyết đa phần là điều trị triệu chứng; bù dịch, hạ nhiệt, vitamin, nghỉ ngơi. Đặc biệt, những ca có dấu hiệu cảnh báo nặng như có cô đặc máu, giảm tiểu cầu, cần được điều trị tích cực tại Khoa theo phác đồ của Bộ Y tế. Còn những ca bệnh đã nặng rồi, có thể đi vào sốc, sẽ được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực  - Chống độc để điều trị tích cực cho bệnh nhân”.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, dự báo số ca có thể tăng trong thời gian tới vì tỉnh Kon Tum đang vào mùa mưa. BS CKII Phùng Mạnh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Ngành Y tế đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai các biện pháp như giám sát ca bệnh; giám sát chỉ số muỗi, bọ gậy. Giám sát chủ động nhằm để kịp thời xử lý các ổ dịch và diệt muỗi một cách chủ động bằng hóa chất nếu cần thiết; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trọng điểm của dịch sốt xuất huyết trong thời gian qua; tổ chức các đợt, các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy tại cơ sở. Quán triệt cho người dân trong toàn tỉnh phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết với phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời với các tình huống dịch bệnh xảy ra”.

Để phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả, khuyến cáo người dân nâng cao ý thức, chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết theo hướng dẫn của ngành Y tế. Đặc biệt, khi nghi ngờ sốt xuất huyết, người dân cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị và phát hiện kịp thời các dấu hiệu cảnh báo nặng nếu có.     

Phúc Hạnh

Chuyên mục khác