Chủ động phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

13/03/2019 13:00

Mặc dù bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa lây lan vào tỉnh ta, nhưng tình hình dịch bệnh lan ở nhiều tỉnh phía Bắc đòi hỏi các cấp, các ngành và người chăn nuôi trong tỉnh phải chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch.

Không còn là lời cảnh báo, dịch tả lợn Châu Phi đang lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Tại Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp cấp bách chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi ngày 4/3/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chống dịch như chống giặc, cần huy động mọi nguồn lực xử lý dịch xâm nhập vào các tỉnh ở Việt Nam. Nếu chúng ta làm tốt, kịp thời hơn, thì dịch không lan rộng ở Việt Nam.

Cũng tại hội nghị này, sau khi đánh giá những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh trên cạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, cơ quan thú y cấp huyện nhiều địa phương được sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật bị trì trệ, không hiệu quả, có nhiều tồn tại như: Không tổ chức chủ động giám sát, kịp thời nắm bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh; không tổ chức thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng; không thực hiện các biện pháp kiểm dịch xuất, nhập vào địa bàn cấp tỉnh; không xử lý các trường hợp vi phạm...

Theo dõi lợn nuôi. Ảnh: V.N

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu rõ, giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu huỷ theo quy định hiện nay là 38.000 đồng/kg lợn hơi, thấp hơn so với thị trường; nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg; thời gian hỗ trợ dài nhiều tháng; thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian, người dân “bán chạy” lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không báo cho chính quyền và cơ quan thú y...

Những vấn đề tồn tại được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu lên là vấn đề cần quan tâm, đòi hỏi các địa phương phải rà soát để có các biện pháp gỡ khó khăn và chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn Châu Phi kịp thời và hiệu quả hơn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, dịch bệnh lở mồm long móng ở tỉnh chưa được dập tắt hẳn, trong khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang có nguy cơ lây lan vào địa phương và đặt ra nhiều thách thức. Trước những vấn đề đặt ra, thực hiện những văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 1/3/2019, UBND tỉnh ban hành văn bản 447/UBND-NNNT về việc triển khai các biện pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ: Rà soát, tập trung các nguồn lực để xử lý các ổ dịch, không để phát sinh thêm ổ dịch mới; tiêu huỷ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hoá chất...); kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh.

UBND tỉnh yêu cầu tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối vào khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào tỉnh Kon Tum; tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn lậu, sản phẩm lợn qua biên giới; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; lấy mẫu xét nghiệm, tiêu huỷ lợn và các sản phẩm lợn nhập lậu; tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn theo quy định.  

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, các hộ chăn nuôi nghiêm túc thực hiện các quy định phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và dịch bệnh động vật, cúm gia cầm theo đúng chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh...

Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi là một trong những vấn đề cần được quan tâm và đòi hỏi cấp thiết hiện nay để ngăn chặn dịch bệnh lan vào địa phương, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và góp phần bảo đảm những điều kiện cho kinh tế tỉnh tiếp tục phát triển mạnh.        

            Văn Nhiên

 

Chuyên mục khác