Chống kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS

01/12/2017 06:58

​Thời gian qua, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức tuyên truyền về công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền toàn dân chống kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS.

Ông Lương Xuân Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết: Trung tâm hiện có 24 công chức, viên chức và người lao động; mỗi huyện, thành phố và mỗi trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh đều có 1 cán bộ chuyên trách về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên Báo Kon Tum, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh...; phân phối  1.032 cuốn Tạp chí “AIDS và cộng đồng”, 600 cuốn “Sổ tay hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng” và 600 cuốn tranh lật cho các đơn vị.

Trung tâm còn tổ chức 1 lớp tập huấn cho cán bộ y tế của 2 huyện Đak Hà và Ngọc Hồi liên quan đến công tác điều trị Methadone; 1 lớp tập huấn về giám sát, đánh giá và lập kế hoạch hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ y tế tuyến huyện, thành phố; cung cấp cho nhóm đối tượng nguy cơ cao 2.000 bao cao su và điều trị nghiện ma túy cho 197 người tại Cơ sở điều trị Methadone của tỉnh; giám sát hoạt động dịch HIV/AIDS tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với 67 người nhiễm HIV/AIDS, đồng thời tư vấn và chuyển các bệnh nhân đến Phòng Khám chuyên khoa HIV/AIDS của Trung tâm để đăng ký điều trị.

Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cấp bao su và tuyên truyền về HIV- AIDS cho chị em. Ảnh: T.H.N

 

Nhờ tuyên truyền tốt công tác chống kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS, nên tại khoa xét nghiệm của các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh, như: Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi, trung tâm y tế các huyện, thành phố tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện được 4.957 mẫu. Qua xét nghiệm, phát hiện 28 người dương tính với HIV và đã chuyển toàn bộ số người này qua Phòng Khám chuyên khoa HIV/AIDS của Trung tâm để đăng ký điều trị ARV, đạt 100%.

Hiện nay, tổng số bệnh nhân đang điều trị ARV tại Phòng Khám chuyên khoa HIV/AIDS của Trung tâm là 116 người, trong đó có 22 bệnh nhân HIV bắt đầu điều trị ARV lần đầu, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 4 bệnh nhân. Trung tâm tổ chức khám bệnh, lấy 48 mẫu xét nghiệm đo tải lượng vi rút và đã có 10 mẫu thất bại vi rút học chiếm 20,8%. Đối với hoạt động Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, toàn tỉnh hiện có 2 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV, trong đó điều trị ARV trong thời kỳ mang thai 1 người, điều trị trong lúc chuyển dạ và đẻ 1 người. Số trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV là 2 trẻ và tất cả các trẻ đều được dự phòng ARV.

Như vậy, trong 10 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã phát hiện được 28 người nhiễm HIV mới, 20 người nhiễm HIV chuyển sang bệnh AIDS, 9 người tử vong do HIV/AIDS, so với cùng kỳ năm 2016 thì số người nhiễm HIV tăng 3 người, số người nhiễm HIV chuyển sang bệnh AIDS giảm 1 người và số người tử vong do HIV/AIDS giảm 8 người. Nếu tính từ khi tỉnh ta phát hiện người nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1994 cho đến ngày 31/10/2017 là 23 năm, Trung tâm phát hiện trên địa bàn tỉnh có 456 người nhiễm HIV, trong đó chuyển sang bệnh AIDS 263 người và đã có 163 người tử vong do AIDS.

Trong số 28 người phát hiện mới này, thì có 18 người nam chiếm tỷ lệ 64,2% và 10 người nữ chiếm tỷ lệ 35,7%. Về đường lây, chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn chiếm trên 39,2%, lây truyền HIV từ mẹ truyền sang con chiếm trên 7,1%, đường máu chiếm trên 17,8% và không rõ nguyên nhân chiếm trên 35,7%. Nhóm tuổi nhiễm HIV tập trung ở nhóm tuổi từ 20-39, trong đó độ tuổi từ 20-29 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là 50 %.

Ông Lương Xuân Vũ cho biết thêm, tổng số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống trong tỉnh là 286 người và số bệnh nhân AIDS hiện còn sống là 113 người; tỷ lệ hiện nhiễm trong cộng đồng dân cư là 0,085%. Trong 10 huyện/thành phố thì thành phố Kon Tum có số người nhiễm HIV còn sống cao nhất với 104 người chiếm tỉ lệ 36,3% .

Mặc dù tình hình dịch HIV/AIDS ở tỉnh ta so với các tỉnh trong nước và các nước trong khu vực vẫn ở mức thấp, nhưng năm nay có xu hướng tăng hơn so với năm 2016. Đối tượng nguy cơ thấp đang có xu hướng bị nhiễm HIV ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn và độ tuổi nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở nhóm từ 20-39 tuổi...Đây không những là nỗi lo của ngành Y tế tỉnh mà còn là nỗi lo của toàn xã hội.

Vì vậy, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục triển khai các dự án mang tính cộng đồng, trong đó tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS là chính và có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt, mọi người dân không được kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS, vì như thế, người có nguy cơ cao nhiễm HIV sẽ không dám đi xét nghiệm để tìm ra “căn bệnh thế kỷ” của mình. Điều này sẽ bất lợi cho bạn tình cũng như người thân của người bị nhiễm HIV/AIDS, và tất nhiên, dịch HIV/AIDS sẽ có cơ hội, điều kiện để phát sinh, lây truyền trong cộng đồng dân cư.

                                Trần Hồng Nhung

Chuyên mục khác