“Chống dịch như chống giặc”

06/06/2019 16:12

Dịch tả lợn Châu Phi đang có diễn biến ngày càng phức tạp, với khả năng lây lan nhanh, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi nói riêng và nền kinh tế nói chung. Để ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn Châu Phi, hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành và toàn dân cần xác lập quyết tâm “chống dịch như chống giặc” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu.

Người chăn nuôi phải biết "cứu mình" trước

Ia H'Drai là huyện đầu tiên của tỉnh xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Ổ dịch được phát hiện tại khu chăn nuôi của Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15). Đến nay, trên địa bàn có 72 con lợn đã bị tiêu hủy.

Cả hệ thống chính trị và người dân địa phương cùng xắn tay vào dập dịch. Và, có tới huyện biên giới Ia H'Drai vào những ngày này chúng ta mới hiểu thế nào là "chống dịch như chống giặc", bởi tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc chặn đứng sự lây lan của dịch tả lợn Châu Phi nhằm bảo vệ đàn lợn trên địa bàn.

Ngay khi vượt qua cầu Sê San, đặt chân vào địa phận huyện Ia H'Drai, chúng tôi đã nhận thấy không khí phòng chống dịch tích cực, khẩn trương tại đây.

Ngay đầu cầu, barie của Chốt kiểm soát liên ngành luôn trong trạng thái đóng; các lực lượng công an, kiểm lâm, thú y, dân quân xã túc trực 24/24 giờ. Tất cả các phương tiện vào huyện đều được kiểm tra kỹ lưỡng, được phun hóa chất khử trùng, tiêu độc.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là khóa chặt cửa ngõ này; người và phương tiện ra vào đều được kiểm tra kỹ lưỡng nhằm đề phòng cao độ nguy cơ phát tán, lây lan dịch bệnh" - Chủ tịch UBND xã Ia Tơi - Chế Hồng Quyền đang có mặt tại Chốt nói.

“Từ khi xuất hiện dịch đến nay, chúng tôi chia ca túc trực ở chốt 24/24 giờ, thực hiện kiểm soát và tiêu độc khử trùng 100% người và phương tiện ra vào vùng dịch. Cán bộ làm nhiệm vụ cũng nhận được sự hợp tác đầy đủ của nhân dân, bởi ai cũng nhận thức được sự nguy hiểm của dịch tả lợn Châu Phi” - một cán bộ thú y tỉnh được tăng cường làm nhiệm vụ tại Chốt kiểm soát liên ngành góp chuyện.

Có thể thấy, huyện Ia H'Drai, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng tỉnh, đã huy động tổng lực cho công tác phòng chống dịch.

Song song với công tác kiểm soát vùng dịch, UBND huyện Ia H'Drai chỉ đạo ngành chức năng tập trung rà soát kiểm tra toàn bộ đàn lợn và xây dựng phương án tiêu hủy khi có dịch xảy ra; chỉ đạo các xã thực hiện nghiêm túc việc tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc theo qui định. Tại xã Ia Tơi, nơi xuất hiện dịch bệnh, vôi bột được rắc phủ trắng đường đi, chuồng trại...

Khá yên lòng với công tác chống dịch mà chính quyền địa phương đang triển khai, điều tôi còn băn khoăn là người dân đối mặt với dịch bệnh như thế nào?

Tôi tìm được câu trả lời ngay sau đó, khi gặp một người đàn ông tên Hùng đang tất tả đi mua vôi bột về khử trùng tiêu độc chuồng trại. Nhà Hùng có đàn lợn 7 con, đang ở độ lớn. Ngay khi nghe tin trên địa bàn xã xuất hiện dịch bệnh, không đợi cán bộ xã, thôn đi vận động, Hùng lập tức tìm cán bộ thú y xã xin hóa chất về phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại. Giờ thì anh đi tìm mua vôi bột về để rắc xung quanh.

Theo lời kể của Hùng, được cán bộ xã tuyên truyền nên người dân Ia Tơi nắm rất rõ sự nguy hiểm và cách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Bà con đang nghiêm túc thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý).

"Trước khi Nhà nước cứu, người chăn nuôi như mình phải biết tự "cứu mình" trước" - Hùng thủng thẳng nói. 

Lực lượng chức năng huyện Ia H'Drai phun hóa chất tiêu trùng khử độc phương tiện ra vào địa bàn tại Chốt kiểm dịch Sê San. Ảnh: TH

 

"Chống dịch như chống giặc"

Rõ ràng yêu cầu "chống dịch như chống giặc" của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải có quyết tâm cao nhất trong việc đối phó với dịch bệnh nguy hiểm nhất trên đàn lợn từ trước đến nay (do virus dịch tả lợn Châu Phi chưa có thuốc đặc trị, loại virus này lại có độc lực cao, tốc độ lây lan nhanh, 100% lợn nhiễm bệnh chết).

"Đây không phải đơn thuần là việc của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay là của cán bộ thú y, mà mỗi ngành, mỗi địa phương đều phải tham gia tích cực và trách nhiệm thì mới hiệu quả" - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Chương chia sẻ.

Theo đó, các cấp, các ngành cần thực hiện đúng chức năng được phân công, không chỉ ra văn bản chỉ đạo mà có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời, từ phân công lực lượng, cung cấp phương tiện, dự trù kinh phí, đến đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về vấn đề này nhằm không gây tâm lý hoang mang và quay lưng với thịt lợn sạch, không để vì dịch bệnh mà ngành chăn nuôi bị ứ đọng, đình trệ.

Dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh rất nguy hiểm, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, có khả năng gây tổn thất lớn về kinh tế. Từ khi dịch bệnh xuất hiện tại nước ta (ở tỉnh Hưng Yên, tháng 2/2019) đến nay, UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa, chỉ khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là cấp cơ sở, thì công tác phòng chống dịch mới thực sự hiệu quả, hạn chế được tình trạng lây lan mạnh của dịch bệnh, từ đó giảm thiểu thiệt hại do dịch gây ra khi.

"Điều đó đòi hỏi phải tổ chức giám sát chặt chẽ, nắm bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh chính xác, kịp thời; tuyệt đối không được chủ quan, coi nhẹ việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; không giấu dịch" - đồng chí Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.

Một vấn đề rất quan trọng đang được đặt ra cho các ngành, các địa phương là phải tính toán các giải pháp phù hợp để vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa bảo vệ sản xuất.

Theo các chuyên gia, trong điều kiện hiện nay, không thể đóng cửa, mà phải bảo đảm vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện sản xuất sạch, phân phối, vận chuyển tốt.

Để ngăn chặn dịch lây lan, một mặt phải siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và sẵn sàng ứng phó, xử lý ổ dịch nhanh gọn, triệt để theo đúng quy định.

Mặt khác, chính quyền địa phương và ngành chức năng chỉ đạo, hướng dẫn việc giết mổ lợn trong vùng dịch; cơ sở giết mổ đạt yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm được phép nhập lợn từ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trong và ngoài tỉnh để giết mổ và xuất bán các sản phẩm lợn sau khi giết mổ ra ngoài vùng dịch dưới sự giám sát của cơ quan thú y.

Đồng thời xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy; nghiên cứu tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm...

Làm được như vậy, tôi tin rằng, với sự nỗ lực, quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được hiệu quả như mong muốn.

         Thành Hưng

 

Chuyên mục khác