Cho ngày Tết thêm rực rỡ sắc hoa

26/01/2020 06:39

Đã từ lâu, nhiều người con ở khắp các vùng quê trong cả nước chọn Kon Tum làm nơi lập nghiệp, sinh sống và họ coi nơi đây là quê hương thứ hai. Sự hội tụ này góp phần đem đến sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa của người dân Kon Tum, trong đó có cả phong tục ngày Tết và “chơi hoa Tết”.

Ở Kon Tum, không chỉ người gốc miền Bắc mới chơi hoa đào hay người gốc miền Trung hoặc miền Nam mới chơi hoa mai, có rất nhiều gia đình chọn cả 2 loại hoa này để chưng trong nhà vào mỗi dịp Tết, đó là sự giao thoa đầy thú vị của văn hóa vùng miền.

Cô Nguyễn Thị Hương - chủ vườn đào ở địa chỉ 108 Lạc Long Quân, phường Quang Trung (thành phố Kon Tum) cho biết: Các gia đình thường chọn đào bích và đào phai để chưng trong nhà vào dịp Tết. Đào bích có tán rộng, cánh hoa cứng cáp màu đỏ đậm rải đều các cành. Đào phai cánh hoa mỏng manh, thanh nhã, màu phớt hồng. Người chơi đào bích thường là những người lớn tuổi, bởi ý nghĩa tượng trưng cây đào này là “kính lão đắc thọ”. Những người trẻ tuổi lại chọn đào phai.

Thời tiết thuận lợi giúp hoa đào năm nay nở đúng dịp Tết. Ảnh: ĐT

 

Cô Hương trồng và nhận chăm sóc hoa đào được gần 20 năm nay. Vườn của cô có hơn 300 cây đào các loại, với nhiều độ tuổi cùng nhiều thế: long bàn hổ phục, rồng bay phượng múa, ngũ phúc, long giáng.

Cô Hương cho hay, người trồng và chăm sóc hoa đào đòi hỏi phải yêu nghề, còn đối với người chơi hoa phải có sự thấu hiểu và yêu quý thì mới thấy được vẻ đẹp của hoa đào.

Trồng và chăm sóc hoa đào phải nắm rõ quy trình kỹ thuật và tùy theo giai đoạn mà chăm sóc phù hợp. Theo cô Hương thì thời gian từ tháng 11 đến tháng 12 (âm lịch) là lúc người trồng đào bận rộn và vất vả nhất, vì phải theo dõi hàng ngày, canh đúng thời điểm để khống chế việc chảy nhựa, chủ động trong việc vặt lá, chăm nụ, tưới nước, bón phân.

Nghề trồng và chăm sóc hoa đào có nhiều rủi ro, vì phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Nếu thời tiết thất thường, cây sẽ ra hoa sớm hoặc ra hoa muộn. Lúc đó công sức của những người thợ vườn như cô Hương sẽ đổ sông, đổ bể. Tuy nhiên, giống như các năm trước, năm nay thời tiết ở thành phố Kon Tum ổn định, thuận lợi cho hoa đào nở đúng dịp Tết.

Ở Kon Tum ngoài chơi đào cây, phong trào chơi đào cành hay còn gọi là đào dăm vào dịp Tết cũng bắt đầu được hình thành. Đào cành thường được cắm trong bình, trưng trên tủ phòng khách hoặc trên bàn thờ tổ tiên. Đào cành tuy nhỏ, nhưng mang lại hơi thở ấm cúng, giúp những người con xa quê hương vơi bớt nỗi nhớ nhà vào mỗi dịp Tết.

Ngoài hoa đào và hoa mai, hoa cúc được nhiều gia đình ở Kon Tum chọn để chưng trong nhà vào dịp Tết. Chính vì nhu cầu chơi hoa cúc nhiều nên hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum có rất nhiều nhà vườn trồng hoa cúc với nhiều loài giống khác nhau.

Vườn hoa cúc của anh Hồ Đức Chính. Ảnh: ĐT

 

Anh Hồ Đức Chính - chủ vườn hoa cúc đường Thi Sách, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum), người có gần 30 năm kinh nghiệm trồng hoa cho biết, để cung cấp cho khách hàng chơi Tết năm nay, ngoài trồng 290 chậu cúc pha lê, cúc đại đóa và cúc Calibero, 15 chậu hoa ly, anh còn trồng thêm 130 chậu cúc Nhật đại đóa, đây là giống cúc có hoa đường kính hơn 20cm, lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường hoa Tết của Kon Tum.

Anh Chính chia sẻ, thông thường việc trồng và chăm sóc các loại hoa cúc không khó, nhưng đối với giống cúc Nhật đại đóa, khi đem về Việt Nam thời tiết khác biệt nên sức đề kháng yếu, dễ bị sâu bệnh. Để có được vườn hoa cúc Nhật đại đóa phát triển thành công như hiện tại, anh phải trồng thử nghiệm và bỏ rất nhiều công sức để chăm sóc cho giống cúc này.

Sau khi cây hoàn thành giai đoạn sinh trưởng và bước vào giai đoạn tạo nụ, mỗi chậu hoa sẽ được cắm cọc tre, vây lưới (để giữ thân cây không bị ngã đổ) và tỉa nụ. Với việc tỉa nụ, anh Chính tỉa theo nguyên tắc “1 cây 1 nụ”. Việc làm này cần sự tỉ mỉ và cẩn thận, vì trung bình 1 chậu cúc lớn (đường kính 80cm) có đến 500 cây và chậu cúc nhỏ (đường kính 40cm) có đến 200 cây.

Địa lan, loài hoa được nhiều người mua về chơi Tết. Ảnh: MT

 

Thời điểm đầu tháng 11 âm lịch, thành phố Kon Tum đón nhận nhiều đợt không khí lạnh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cây hoa cúc. Không khí lạnh và độ ẩm cao khiến cây bị nấm cóc và bã trầu, ngoài ra còn khiến cây nở hoa muộn. Tuy nhiên với nhiều năm kinh nghiệm của mình, anh Chính đã xử lý thành công các trường hợp này.

Nhờ gây dựng được uy tín trong nghề và sản phẩm có chất lượng nên hàng năm, từ ngày 26 tháng Chạp, vườn cúc của anh Chính tấp nập người đến xem và chọn mua.

Nhắc tới các địa chỉ mua hoa chơi Tết ở thành phố Kon Tum, không thể không nhắc đến Cơ sở cây giống Thanh Nga (12 Phạm Văn Đồng, phường Lê Lợi) của cô Nguyễn Thị Thanh Nga, nơi mà mỗi năm, từ ngày 20 tháng Chạp trở đi đã nhộn nhịp người đến mua hoa và cây cảnh về chơi Tết.

Các nhà vườn tất bật chăm sóc cây hoa để cung cấp cho thị trường Tết. Ảnh: ĐT

 

Gần 20 năm trong nghề, cô Nga hiểu rõ xu thế và tâm lý chơi hoa Tết của người Kon Tum. Vì vậy, cách Tết Nguyên đán hơn 1 tháng, cô Nga lại nhập về hàng trăm loại hoa, cây cảnh đẹp và chất lượng như: mai Sài Gòn, lan hồ điệp, lan vũ nữ, địa lan, hải đường, hoa hồng ngoại, cúc ngoại, kim ngân lượng… để phục vụ nhu cầu chơi hoa ngày Tết của mọi người.

Không riêng gì cô Nga, cô Trần Thị Sợi (thường được mọi người gọi tên thân mật là cô Tư), người trồng hoa và cây cảnh tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông cũng là người thấu hiểu về việc trồng, chăm sóc các loại hoa và cả “cách chơi hoa” của người dân Kon Tum.

“Thời điểm cách Tết Nguyên đán hơn 1 tháng, thời tiết ở thị trấn Măng Đen mưa lạnh trái mùa nhiều, hàng ngày, nếu không dậy từ lúc 4h sáng để tưới nước rửa trôi nước mưa và sương muối, phun thuốc, bón phân thì cây hoa sẽ bị đốm lá và nở bông muộn”. Cô Trần Thị Sợi bộc bạch về sự “đỏng đảnh” của các loại hoa với thời tiết Măng Đen đòi hỏi người trồng phải chịu khó, cần mẫn.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống trồng hoa và cây cảnh từ lâu đời ở tỉnh An Giang, năm 2012, cô Trần Thị Sợi khăn gói lên Măng Đen lập nghiệp với việc lựa chọn nghề truyền thống của gia đình mình làm hướng đi. Kinh nghiệm là vậy, nhưng mọi việc không phải suôn sẻ ngay từ đầu mà cô Sợi cũng phải “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” khi lập nghiệp ở nơi đây.

Hoa phục vụ Tết của nhà vườn Kon Tum. Ảnh: XB

 

Trải qua nhiều năm ở Măng Đen, cô Sợi rút ra được nhiều kinh nghiệm trồng hoa và cây cảnh tại vùng đất mới. Đến nay, vườn của cô đang trồng hàng vạn cây gồm: hoa ly, hải đường, mai địa thảo, dạ yến thảo, ngọc thảo, cẩm tú cầu, hướng dương, mào gà, quất (tắc)…  được nhập giống từ thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) và thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).

Hàng năm, không chỉ riêng dịp Tết, vườn của cô Sợi còn trồng và cung cấp số lượng lớn hoa và cây cảnh cho các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trồng tại các tuyến đường, công viên, khách sạn, khu du lịch ở thị trấn Măng Đen. Vườn hoa tại hồ Đăk Ke tạo vẻ đẹp cho khu du lịch này, là sản phẩm do chính cô Trần Thị Sợi tạo ra.

Có thể nhận ra rằng, đằng sau vẻ đẹp kiều diễm của những bông hoa vào mỗi dịp Tết Nguyên đán là nỗi vất vả “một nắng hai sương” của những người gắn với nghề trồng và chăm sóc hoa. Đối với họ, hoa nở đẹp và tỏa hương thơm đúng thời khắc giao thừa chính là thước đo cho sự cần cù, chịu khó và lòng yêu nghề của mỗi người.        

Đức Thành

Chuyên mục khác