Cho lớp con cháu đi sau, tiếp nối

10/12/2018 12:46

Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), ngôi làng nhỏ bình thường, giản dị, tự bao giờ đã trở thành cái tên gọi mời. Người bạn gần, du khách ở xa... có ai biết, ở làng du lịch cộng đồng bên dòng Đăk Bla hiền hoà, thơ mộng đang từng bước trở thành “thương hiệu”, luôn có những con người chân chất và nhiệt thành, những người thầy không danh xưng “đưa đò” miệt mài và lặng lẽ truyền trao những nét đẹp truyền thống; tuy giản dị, đơn sơ, nhưng vô cùng quý yêu cho lớp con cháu đi sau, tiếp nối.

Hẹn đúng 7h tối, nhưng còn đến hơn một tiếng đồng hồ, trời bỗng đổ mưa tầm tã. Tưởng đành hoãn lại, nhưng mới chờ một chốc, đã thấy mọi người che ô, đội áo tơi lần lượt tới nơi. Lòng nhà rông rộng dần ấm hơi người, càng ấm áp hơn nhờ tiếng nói cười râm ran. Chẳng cần soi rõ mặt người, bóng điện nhỏ treo cao chỉ cần sáng lên vóc dáng. 

Chưa đến 70 tuổi, già A Nhách nhỏ người nhưng nhanh nhẹn. Ông chậm rãi lấy 3 chiếc cồng lớn xếp sẵn và nhẩn nha cầm từng chiếc chiêng gõ nhẹ, “lên dây” thử tiếng, trong lúc chờ mọi người.

Những chiếc cồng cổ xưa, những cái chiêng có tự lâu đời được mang đến góp mặt từ các gia đình người làng, phần nhiều là của anh em nhà A Bút, A Ben, A Banh biết chăm lo gìn giữ. Trải bao thăng trầm, mỗi chiếc cồng, chiếc chiêng giờ đã thành cổ vật. Chiếc ấm trầm lan tỏa, chiếc nhẹ nhàng thanh trong, chiếc khỏe khoắn vang vọng... Từng âm thanh riêng lẻ khô khốc, rạc rời khi đã cùng hòa vào với nhau bỗng trở nên giai điệu sắc màu...

Ngày hội của làng Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum). Ành: T.N

 

Tối nay, lễ hội mừng lúa mới được các già làng tập lại, để chuẩn bị tham gia biểu diễn, mà cũng là sẵn sàng đón du khách nơi xa. Kể từ khi Kon Ktu được xác định mục tiêu xây dựng làng du lịch cộng đồng, những vị cao niên ở đây đã đi đầu bảo tồn, gìn giữ. Lớp cháu con hào hứng theo sau.

Theo ông A Ben, cồng chiêng đủ bộ người Ba Na phổ biến vẫn dùng được tập hợp từ 11 chiếc, gồm 3 chiếc cồng, 8 chiếc chiêng. Dàn cồng chiêng còn thêm trống cái, trống con, và nhiều khi phụ họa thêm vào một số nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

Ngày trước, trong số các “cây đa cây đề” được xem là “kho tàng” văn hóa dân gian của cộng đồng, dân làng không thể không nhắc đến thế hệ “vàng” của những người già như ông A Khẻo. Giỏi cồng chiêng và có uy tín, “nói một tiếng, cả làng đều theo” là “tiếng thơm” lưu truyền. Buồn vì già A Khẻo đã theo ông bà, sớm về với đất; nhưng Kon Ktu vẫn yên lòng khi thế hệ kế cận với A Bút, A Banh, A Nhách, A Nhứ, A Chun... “tiếp lửa” truyền trao. Không trường dạy, lớp lang, nhưng tự làm nhà sàn, nhà rông... đều một tay những người con của làng đảm nhận. Cồng chiêng và lễ hội, múa xoang và thổ cẩm, hoa văn... tất cả do người làng làm nên.

Ông A Banh bảo, cồng chiêng 11 chiếc, một người có thể sử dụng được nhiều chiếc. Nhưng diễn xướng trong một “dàn”, mỗi người lớn chỉ cần thành thạo một chiếc. Vì vậy, chỉ dạy cho bọn trẻ, mỗi đứa cũng cần thuần thục một chiếc. Đánh cái cồng, cái chiêng không khó; nhưng để chơi giỏi, chơi hay và hòa quyện với mọi người, quan trọng nhất là phải “để tâm” và thực sự có chút khiếu thẩm âm, chuyển tải....

 Nhờ “lớp cha trước, lớp con sau” chăm lo giữ gìn và say sưa luyện tập, nên ở Kon Ktu bây giờ, đã hình thành ba thế hệ cùng đánh cồng chiêng. Bên cạnh những người lớn tuổi như A Ben, A Banh, A Nhach, A Nhưm... là những cái tên A Gâm, A Nun, A Cưnh, A Tuys... nhiệt thành sức trẻ.

Y Thủy là học sinh lớp cuối cấp của Trường THPT Trường Chinh ở thành phố Kon Tum. Từ lúc 12, 13 tuổi, em và các bạn gái cùng trang lứa đã được cô Y Djer tập cho điệu xoang.

Không phải là duy nhất, nhưng bà Y Djer là người múa xoang giỏi nhất và dạy xoang hay nhất ở làng. Chỉ còn 2 năm nữa tròn 60 tuổi, nhưng nét duyên của “Mẹ” xoang Y Djer vẫn được trầm trồ. Từ điệu xoang truyền thống theo nhịp 1-2-3 cơ bản (một chân thẳng, một chân nhón, bàn tay nắm hờ, cánh tay đưa ngang từ trước ra sau), bà đã sáng tạo ra nhiều bài xoang uyển chuyển, nhịp nhàng theo điệu nhạc...

Ở Kon Ktu bây giờ, từ các chị Y Ben, Y Nhem... tuổi trên dưới 30 vốn chỉ quen rẫy nương, vườn tược đến Y Thủy, Y Xong... đang học phổ thông và lứa các cháu bé hơn như Y Na, Y May... ở các lớp tiểu học cũng giỏi múa, thạo xoang.

Theo cùng đội chiêng, đội xoang của các bà, các chị, các em cũng đi xa, giới thiệu nét đẹp truyền thống ở một số nơi và biểu diễn phục vụ khách du lịch mong muốn được về làng trải nghiệm.

Anh A Đưn - người làng Kon Ktu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Rơ Wa cho hay, được đi tham quan nhiều nơi, chứng kiến đồng bào các dân tộc anh em làm du lịch cộng đồng với bao điều hay, nét đẹp; càng thấy yêu thương và tự hào về mảnh đất và con người thuần hậu Kon Ktu. Làng còn nghèo, không thể “hoành tráng”, “khang trang” như đó như kia mà dân làng không ít người đã được tham quan, đã gặp; song phải cố gắng giữ cho được nét riêng chân chất của mình chính là điều ai cũng nhận ra.

Mang nét xưa cũ, hoang sơ, gần gũi với nước non, cây cỏ... Kon Ktu chân chất, hiền hòa đang ngày càng khẳng định sự lôi cuốn lặng lẽ và sức hút không ồn ào của chính mình.

Bằng những nỗ lực tự thân âm thầm, các nghệ nhân cao niên, những người tâm huyết và giàu kinh nghiệm ở làng nhỏ bên sông gần trăm năm tuổi vẫn miệt mài chỉ bảo, chăm chút; tạo thành dòng chảy tiếp nối tình yêu đối với văn hóa dân gian, bản sắc dân tộc- cội nguồn của sự thu hút, sức hấp dẫn với du khách gần xa trong hành trình khám phá và trải nghiệm cuộc sống trong trẻo quanh ta.

 Làm thế nào để ngôi làng nhỏ không chỉ là nơi dừng lại, ghé qua; mà còn trở thành chốn khám phá, trải nghiệm thú vị trong hành trình đến với vùng Bắc Tây Nguyên của du khách cũng chính là tâm tư, ý nguyện của mọi người.

Thanh Như

Chuyên mục khác