Cho đi và nhận lại

14/01/2023 06:39

Mỗi độ Xuân về, nhiều hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn được “ấm lòng” bởi những chuyến ghé thăm nghĩa tình của nhiều mạnh thường quân, tổ chức từ thiện khắp cả nước. Những món quà được trao tặng tuy không lớn về vật chất nhưng đầy ắp tình người.

Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của hai mẹ con nghèo bị bệnh nan y cách đây nhiều năm, cô Lê Thị Liêu (69 tuổi, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) đã “phát tâm” từ bi và theo đuổi những hoạt động thiện nguyện cho đến bây giờ. Với cô Liêu, khi giúp được một hoàn cảnh khó khăn nào đó, cô cảm thấy rất bình an, thư thái và như được trẻ lại.

Cô Liêu kể, những ngày đầu lên Kon Tum lập nghiệp, cô làm đủ nghề để mưu sinh như bán trái cây, rau, thức ăn... Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vào năm 2014, cô tình cờ gặp hoàn cảnh hai mẹ con nhà nghèo từ Quảng Ngãi lên Kon Tum tìm cách chữa bệnh cho người mẹ đã làm cô trăn trở về những mảnh đời khó khăn. Khi ấy, cô đi quyên góp từng đồng tiền lẻ từ người thân, bạn bè được 140 nghìn đồng. Dù không được nhiều nhưng khi đem số tiền ấy cho hai mẹ con, được nghe những lời cảm ơn và nụ cười hạnh phúc từ họ, cô thấy vui đến lạ.

Cô Lê Thị Liêu tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong các hoạt động thiện nguyện. Ảnh: HT

 

Cô Liêu chia sẻ: Ban đầu hoạt động thiện nguyện, tôi tham gia nhiều hội nhóm, đến năm 2016 thì tự lập nhóm thiện nguyện “Áo Xanh” cùng bạn của mình là chị Vi Năng (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum). Từ đó, chúng tôi kết nối nhiều mạnh thường quân để thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện lớn nhỏ. Bên cạnh đó, nhóm cũng duy trì nhiều hoạt động cố định hàng ngày, hàng tháng như: “Tủ bánh mì từ thiện” phát đều đặn 500 ổ bánh mì vào lúc 6 giờ sáng hằng ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hơn 2 năm nay; hỗ trợ nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật từ 1-2 triệu đồng/tháng như cháu A Nam (26 tuổi, làng Kon Tu 2, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) bị bại liệt, teo chân bẩm sinh mỗi tháng 1,15 triệu đồng (đã được 5 năm); hỗ trợ cụ Y Ban (75 tuổi, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) già yếu làm nghề nhặt phế liệu và nuôi đứa con bị tai biến nằm một chỗ mỗi tháng 1 triệu đồng cùng nhiều hoàn cảnh khó khăn khác tại các địa phương vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Gia Lai.

Cô Liêu hiện đang phối hợp cùng chính quyền địa phương xây căn nhà tình nghĩa cho hộ nghèo A Sôn ở xã Hiếu (huyện Kon Plông); chuẩn bị đi trao áo ấm, quần áo, chăn màn, dép cùng nhu yếu phẩm cho các em học sinh cấp 1 nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại xã Pờ Ê (huyện Kon Plông).

Anh Nguyễn Anh Dũng nhận Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” tỉnh Kon Tum năm 2022. Ảnh: HT

 

Cũng với tấm lòng thiện nguyện được nhiều người biết đến, anh Nguyễn Anh Dũng (sinh năm 1987) hiện là chủ nhiệm của rất nhiều câu lạc bộ thiện nguyện tại Kon Tum, được bạn bè gọi vui là “Ông bầu ít xuất đầu lộ diện”. Bởi khi có hoạt động cần kêu gọi, anh luôn chủ động lên kế hoạch từ “A đến Z”, từ việc kêu gọi nguồn lực cho đến lúc chuyến xe thiện nguyện “khởi hành” đến những mảnh đời khó khăn. Hiện anh đang quản lý các nhóm như: “Kết nối yêu thương Kon Tum”, “Từ thiện Minh Tâm”, “Thai nhi Hòa Tâm” với hoạt động tiếp nhận và chôn cất, xây mộ cho những thai nhi, những ngôi mộ vô danh, “Trung tâm Bảo trợ người già và trẻ em tàn tật”, “Thứ 3 nghĩa tình” phát bánh bao và sữa tại bệnh viện, “Hạt gạo yêu thương”, là thành viên của đội “Hồng Phúc – Cứu thương 0 đồng”.    

Theo anh Dũng chia sẻ, anh ước mơ làm thiện nguyện từ nhỏ. Bước ngoặt là vào năm 2012, khi bố anh không may bị bệnh nặng, anh đã bỏ hết việc trong Thành phố Hồ Chí Minh (là một kỹ sư công nghệ thông tin) để trở về Kon Tum chăm sóc cho bố. Sau khi bố mất, anh tìm việc làm tại Kon Tum và bắt đầu với những hoạt động thiện nguyện của mình. Anh bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất, không nề hà bất cứ việc gì, ai cần việc gì là anh giúp ngay.

Trong 10 năm gắn bó với các hoạt động thiện nguyện, anh Dũng đã trực tiếp kêu gọi nhiều chương trình lớn nhỏ, nhưng theo anh để lại ấn tượng nhất có lẽ là đợt dịch bệnh Covid-19 vừa rồi, đã thể hiện sâu đậm tình người của người dân Kon Tum đồng lòng chống dịch. Đợt ấy, anh đã tổ chức rất nhiều chuyến thiện nguyện ý nghĩa được cộng đồng ủng hộ như những chuyến xe đưa người dân về các tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế chạy liên tục không ngừng nghỉ; hoặc các hoạt động hỗ trợ người dân di cư từ phía Nam về đi qua tỉnh Kon Tum... Với những đóng góp của mình, nhiều tổ chức, ban ngành biết đến anh và thường xuyên động viên, khích lệ. Gần đây nhất, anh được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tặng Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2022.

Trong những tấm gương tích cực vì cộng đồng, anh Trương Thừa Kiếm hiện là chủ nhiệm Câu lạc bộ “Kết nối yêu thương Đăk Glei” cũng được nhiều người biết đến. Dù ở một huyện vùng xa của tỉnh, nhưng những việc làm của anh Kiếm đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, những mạnh thường quân ở trong và ngoài tỉnh.

Anh Trương Thừa Kiếm được nhiều người biết đến với tấm lòng nhân ái và sẻ chia. Ảnh: HT

 

Anh Kiếm chia sẻ: Nhóm đã hỗ trợ, kết nối rất nhiều hoạt động thiện nguyện, gần đây nhất là các hoạt động hỗ trợ xây cầu dân sinh, bảo trợ các em có hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo... Vừa rồi CLB cũng đã kết nối làm cầu treo dân sinh bắc qua khu kinh tế mới và khu sản xuất tại thôn Long Nang (thị trấn Đăk Glei) trị giá 300 triệu đồng; hỗ trợ đưa 2 em nhỏ là con của A Beo và Y Phiên ở xã Đăk Pét (huyện Đăk Glei) bị mất trong vụ tai nạn thương tâm về nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh, bàn giao sổ tiết kiệm cho 2 cháu trị giá trên 244 triệu đồng...Câu lạc bộ hiện cũng đang bận rộn với những hoạt động Xuân như bán hoa tết gây quỹ "Tết Vì Người Nghèo năm 2023"; kết nối và khảo sát để kêu gọi xây cầu tại thôn Chung Năng (thị trấn Đăk Glei), thôn Pêng Siêl, Đăk Đoát (xã Đăk Pék)...

Để tổ chức một chuyến thiện nguyện chu toàn đòi hỏi rất nhiều công sức, kỹ năng, cách thức tổ chức, lên kế hoạch và phân việc hợp lý. Vì thế, các hoạt động thiện nguyện cũng là môi trường để nhiều bạn trẻ rèn luyện bản thân và kỹ năng sống cho mình; trực tiếp “mắt thấy tai nghe” những điều không có trong sách vở, trường lớp, cảm nhận được cuộc sống một cách chân thật nhất.

Em Nguyễn Ngọc Tuấn (sinh viên năm 3) ngành Quản trị kinh doanh, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum chia sẻ: Dịp Xuân này, em tiếp tục với những chương trình thiện nguyện của mình như hỗ trợ sách vở, nhu yếu phẩm cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Từ nhiều năm nay, em đã tổ chức và tham gia nhiều chương trình thiện nguyện nên cảm nhận rất rõ những lợi ích mang lại cho sinh viên chúng em, có cơ hội hoàn thiện kỹ năng, nhân cách. Em cũng đang triển khai dự án thiện nguyện cho riêng mình mang tên “Du lịch tình nguyện”, triển khai tại 4 điểm là xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy), xã Đăk Rơ Wa, phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum), xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi). Đến với mô hình này, du khách sẽ được đi du lịch kết hợp với các hoạt động tình nguyện trải nghiệm hạnh phúc về các lĩnh vực giáo dục như dạy tiếng Anh, giáo dục giới tính, bảo vệ môi trường.”

Em Nguyễn Ngọc Tuấn đang ấp ủ nhiều dự án thiện nguyện ý nghĩa. Ảnh: HT

 

Tại Cuộc thi và Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kon Tum năm 2022, dự án “Du lịch tình nguyện” của em Tuấn đạt giải Nhì (Cuộc thi không có giải Nhất).

Với những hoạt động thiện nguyện, mỗi người sẽ có cách làm riêng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân. Nhưng điểm chung ở họ là chẳng ai tính toán thiệt hơn, xem việc làm của mình như một lẽ tự nhiên để giúp người, giúp đời. Điều họ mong muốn nhận lại chỉ đơn giản là nụ cười mừng vui, giọt nước mắt hạnh phúc của những hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là “hành trang” để họ thêm động lực, tiếp tục với những hành trình sẻ chia, trao yêu thương của mình./.

HOÀNG THANH

Chuyên mục khác