09/09/2019 06:08
Vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, thì đến ngày 3/5/1946, Chính phủ đã thành lập Nha DTTS với chức năng, nhiệm vụ “Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các DTTS trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam”.
Đối với tỉnh ta, vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai rất kịp thời và có hiệu quả thông qua các chủ trương, đường lối của Đảng và chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ nhằm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho đồng bào DTTS.
Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2018 đầu tư cho tỉnh 719,11 tỷ đồng đã góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 71,6% số xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% số xã có trạm y tế, có đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% số xã, phường, thị trấn có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; có 153 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 36,1% trong tổng số trường mầm non, phổ thông trên toàn tỉnh. 100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác...
|
Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm trên địa bàn. 98% đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. 57% đường thôn xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tính từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh huy động được 747,966 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương đầu tư 343,161 tỷ đồng, ngân sách địa phương đầu tư 34,133 tỷ đồng, vốn lồng ghép 246,62 tỷ đồng, vốn tín dụng 87,999 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 13,282 tỷ đồng, vốn huy động nhân dân tham gia 26,771 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện các chương trình, chính sách của Trung ương đầu tư, hỗ trợ cho vùng DTTS, miền núi ở tỉnh ta 472,42 tỷ đồng, đạt 81,6% kế hoạch giao. Kết quả, đã đầu tư mới 331 công trình; duy tu bảo dưỡng 214 công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt; triển khai 20 mô hình giảm nghèo; hỗ trợ các nội dung về phát triển sản xuất, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề cho 298.992 lượt người; tập huấn năng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức cho 6.057 lượt người; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm, học tập các mô hình sản xuất giỏi trong và ngoài tỉnh cho 1.019 lượt người; thăm ốm, đau, tết cổ truyền, tết của đồng bào DTTS cho 5.292 lượt người có uy tín; xây dựng 2 mô hình điểm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại xã Đăk Nên và Ngọc Tem (huyện Kon Plông); hỗ trợ khung dệt cho 102 hộ đồng bào DTTS; đầu tư 1 điểm trưng bày sản phẩm nghề truyền thống tại cơ quan Ban Dân tộc tỉnh...
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh trên địa bàn các huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông với tổng kinh phí của ngân sách tỉnh đầu tư gần 35 tỷ đồng. Kết quả, hỗ trợ trồng mới 1.453ha cà phê chè, có 5.939 hộ tham gia, đạt 90,8%; hỗ trợ cây giống trồng mới là 7.638.805 cây; tổ chức 474 lớp tập huấn trồng cây cà phê cho 12.878 lượt người tham gia. Đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông đã thành lập các tổ hợp tác ở các thôn liên kết hợp tác xã và các doanh nghiệp hỗ trợ hộ dân trong sản xuất góp phần đẩy mạnh công tác liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất cây cà phê, từng bước xây dựng thương hiệu Cà phê xứ lạnh Măng Đen.
|
Bên cạnh đó, tỉnh đã chi ngân sách địa phương đầu tư 43,741 tỷ đồng để triển khai Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền. Kết quả, giai đoạn từ 2012-2015, tỉnh đã hỗ trợ 2.457 hộ với 1.227.623 cây để trồng mới 2.105,7ha cao su, đạt 36% kế hoạch Đề án và 79,83% kế hoạch được duyệt. Đến nay, các vườn cao su sinh trưởng phát triển từ trung bình đến tốt, góp phần che phủ bề mặt, hạn chế xói mòn rửa trôi, bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2019, mặc dù giá cao su có giảm, nhưng các hộ trồng cao su từ năm 2013 trở về trước bắt đầu có thu nhập từ 4- 4,5 triệu đồng/ha, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 99,03% số hộ được sử dụng điện lưới, 99,44% số thôn có điện lưới quốc gia, 96% số hộ xem Đài Truyền hình Việt Nam, 98% số hộ nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, 87,5% số dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 69% số người nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 33,8% số dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia, 100% hộ nghèo và hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,79%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39,94 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập bình quân của hộ nghèo là 644 ngàn đồng/người/tháng, dự kiến đạt 122% so với mục tiêu tăng thu nhập bình quân hàng năm của hộ nghèo theo Đề án giảm nghèo của tỉnh. Toàn tỉnh hiện còn 22.851 hộ nghèo, chiếm 17,29% tổng số hộ dân toàn tỉnh, giảm bình quân 3,58%/năm, đạt 119,3% so với mục tiêu Đề án giảm nghèo đề ra. Trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 6,05%/năm, đạt 129,1% so với mục tiêu Đề án giảm nghèo đề ra.
Có thể khẳng định, đạt được kết quả trên trước hết là nhờ chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta nhất quán ngay từ những ngày đầu thành lập nước với phương châm “Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”... Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, coi vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm có tính chiến lược để phát triển kinh tế-xã hội; theo đó, đã triển khai rất kịp thời và có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ, đặc biệt là các chính sách dân tộc, đưa đời sống tinh thần và vật chất của bà con ngày một nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của cả nước và trong khu vực.
Trần Văn Phúc