Chiến thắng sợ hãi

22/03/2020 13:01

Khi mà những thông tin về dịch bệnh Covid- 19 luôn là chủ đề chính trên báo chí và mạng xã hội, tôi muốn nói về điều đã học được: Không di chuyển nhiều nơi, tự bảo vệ mình để tránh gây phiền toái cho người khác, không tung tin đồn, trung thực khai báo y tế, đặc biệt là không mua lương thực, nhu yếu phẩm để tích trữ đầy nhà. Đây là lúc không có chỗ cho sự hoảng loạn và sợ hãi.

1.Mỗi sáng thức giấc, việc đầu tiên chị Nguyễn Thị Minh (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) làm là lên các trang báo mạng uy tín tìm kiếm thông tin cập nhật về dịch bệnh Covid-19.

Thói quen ấy hình thành từ hơn một tháng trước, và được duy trì cho đến nay. Có khác chăng là bây giờ, chị tìm kiếm trong tâm thế bình tĩnh, thay vì hoang mang, sợ hãi như những ngày đầu.

Chị Minh vẫn nhớ như in buổi sáng đầu tháng 2/2020, cô em gái hớt hải gọi điện thoại cho chị: Người ta đang tranh nhau mua khẩu trang y tế kia kìa, chị không nhanh chân là hết, khi có dịch bệnh lây lan là… chết chắc đấy. Choáng váng là cảm giác của chị cả ngày hôm ấy.

Sau đó, mỗi ngày, việc đầu tiên chị làm sau khi thức giấc là lên mạng đọc các thông tin liên quan đến dịch bệnh. Càng đọc, chị càng hoang mang và sợ hãi. Chị hối hả đi săn lùng mua khẩu trang y tế, nước sát khuẩn với giá cao. Rồi tích trữ lương thực, thực phẩm; kiên quyết không cho con đến trường; hối chồng mua hóa chất cloramin B về phun khử trùng nhà cửa.

Lúc nào tôi cũng bị bủa vây trong cảm giác mất an toàn. Cuộc sống thật ngột ngạt. Tôi ý thức được những thay đổi ấy cũng như tác động tiêu cực của chúng đối với bản thân và các thành viên trong gia đình. Nhưng tôi lại không biết làm thế nào để vượt qua- chị Minh nhớ lại.

Nghe tin đồn, nhiều người dân đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ. Ảnh: Đắc Vinh 

 

Tôi tin chắc rằng, không chỉ riêng chị Minh, trong thời gian qua có rất nhiều người vào mạng xã hội hàng ngày, thậm chí hàng giờ để đọc và lựa chọn thái độ sống, làm việc cho những ngày kế tiếp.

Rõ ràng mạng xã hội đã trở thành một thứ quyền lực ngầm, và tin giả, tin câu like trở thành một hiện tượng xã hội phổ biến. Nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền và ngành chức năng triển khai các biện pháp cần thiết, trẻ em phải nghỉ học dài ngày thì mạng xã hội đã và đang tạo ra một cuộc khủng hoảng thông tin, trong đó đa phần là những lời bịa đặt vô lý, hoặc "bẻ lái dư luận".

Điều nguy hiểm nhất bây giờ là từ già đến trẻ em, ở nông thôn hay thành thị, hầu như ai cũng dùng smartphone và tiếp cận với đủ loại thông tin một cách dễ dàng. Nhưng rất nhiều trong số đó thiếu- hay đúng hơn là chưa có- một "bộ lọc thông tin" cho mình. Và vì vậy, không chỉ vô tình chia sẻ "tin bẩn", mà chính bản thân họ cũng sống trong sự hoang mang, sợ hãi.

Và như một hệ quả tất yếu, những "thông tin bẩn" ấy khiến nhiều người trở nên hốt hoảng, không ít quán xá đóng cửa. Đầu tháng 3, chúng ta phải chứng kiến những hành vi khó giải thích, như người dân thành phố Kon Tum đổ xô vào các siêu thị, cửa hàng tạp hóa mua gạo, mì tôm, bột ngọt, thịt, cá; hay người dân huyện Đăk Hà vội vàng tích trữ đủ thứ chỉ vì nghe tin đồn thất thiệt về dịch bệnh.

Thực hiện đúng các chỉ dẫn của Bộ Y tế về vệ sinh phòng dịch là thiết thực góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: HL

 

2.Trở lại câu chuyện của chị Nguyễn Thị Minh. Điều khiến tôi tò mò là, khi trò chuyện với tôi, trông chị rất ổn, không có vẻ mệt mỏi, căng thẳng, nói gì đến sợ hãi. "Đừng ngạc nhiên. Tôi đã chiến đấu và vượt qua nỗi sợ hãi với sự giúp đỡ của người thông thái hơn mình"- chị tiết lộ.

Ấy là một ngày, chị tình cờ đọc được chia sẻ của một bà mẹ trẻ về những ngày chiến đấu và chiến thắng nỗi sợ hãi.

“Khi thấy căng thẳng, hãy trò chuyện với những người bạn tin cậy, như bạn bè và người thân; duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn ngủ, tập thể dục hợp lý; hãy nghĩ đến chuyện gặp gỡ nhân viên y tế, nếu cần; hạn chế lo lắng, bực bội bằng cách đọc những cuốn sách có nội dung nhẹ nhàng, xem những chương trình tivi giải trí thú vị”- bà mẹ trẻ này viết.

Và quan trọng nhất là, theo cô ấy, tiếp tục làm tốt việc của mình. Hãy trở thành người sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, bắt đầu từ việc chỉ tiếp cận thông tin đúng đắn, chọn xem những nguồn thông tin đáng tin cậy. Tôi đã quyết định làm theo. May mắn thay, hay đúng hơn là vui thay, tôi dần dần thoát khỏi nỗi ám ảnh dịch bệnh, những thông tin nhiễu loạn. Cuộc sống gia đình tôi trở về “quỹ đạo” bình thường- chị Minh vui vẻ nói.

Bây giờ, mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên chị Minh làm vẫn là tìm kiếm các thông tin về dịch bệnh, nhưng là để biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh cần thiết theo hướng dẫn của ngành chức năng. Đồng thời chia sẻ những  tin tốt, tin đúng trên trang cá nhân của mình, và kêu gọi bạn bè, người thân cùng làm.

Theo chị, trước đây, 16/16 bệnh nhân nhiễm Covid- 19 được chữa khỏi, gần đây nhất, ngày 19/3, bệnh nhân số 18 được xuất viện; Đảng, Nhà nước, các ngành, địa phương và cộng đồng đã, đang và sẽ luôn có sự gắn kết, nỗ lực mạnh mẽ trong chống dịch, quá nhiều tin tốt, sao ta không chia sẻ, sao ta vẫn để các thông tin bẩn gây nên nỗi sợ hãi và chi phối các hành vi?

Bên cạnh đó, chị còn kể về những trải ngiệm của bản thân mình và chia sẻ cách đã chiến thắng nỗi sợ hãi với mọi người, như là cách thiết thực nhất để chung tay phòng chống dịch bệnh.

Câu chuyện của chị Minh đã truyền cho tôi cảm hứng để viết bài này. Do nghề nghiệp, tôi không cho phép mình sợ hãi trước dịch bệnh, và luôn tỉnh táo trước mọi thông tin. Cũng từ nghề nghiệp mà tôi hiểu rằng, bản thân dịch bệnh không đáng sợ bằng tin giả.

Đây là lúc không có chỗ cho sự hoảng loạn và sợ hãi! Giống như khi xuất hiện đám cháy nhỏ trong một khu chợ, nếu mọi người bình tĩnh xử lý, rất có thể không để lại hậu quả nặng nề, nhưng khi mọi người hoảng loạn, dẫm đạp lên nhau thì sẽ không nói trước được điều gì.

Mỗi người chỉ cần làm tốt việc của mình. Ai đi làm vẫn đi làm, ai đi học cứ đi học, ai phải cách ly thì tuân thủ các quy định cách ly, không di chuyển nhiều nơi, tự bảo vệ mình để tránh gây phiền toái cho người khác, không tung tin đồn, trung thực khai báo y tế.

Đừng đi mua và lôi kéo người khác mua hàng hóa về chất đầy nhà, chỉ mua đủ dùng như mọi khi, bởi chắc chắn rằng, đất nước chúng ta không thiếu gạo, không thiếu thịt, cá, rau. Ở Kon Tum cũng vậy. Bằng chứng là những ngày đầu tháng 3, sau khi người dân nghe tin đồn, đổ xô đi mua hàng tích trữ gây ra tình trạng khan hiếm giả tạo, ngay lập tức hệ thống cung ứng "ra tay", hàng lại chất đầy kệ ở bất cứ siêu thị, cửa hàng nào, không những thế, còn được bán giảm giá.

"Chúng ta không thiếu thực phẩm cho toàn dân trong một quãng thời gian tới vài tháng, nếu không nói rất dồi dào" là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng như doanh nghiệp.

Với trẻ em, do nghỉ học ở nhà thời gian dài nên các em sẽ thấy buồn chán. Các bậc cha mẹ nên tìm cho trẻ những trò chơi, hoạt động ở nhà, học online; tranh thủ dành thêm thời gian chơi với trẻ, nói chuyện, chia sẻ với trẻ về ý thức và các biện pháp giữ gìn vệ sinh để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt lưu ý trông coi trẻ cẩn thận để tránh những tai nạn đáng tiếc, mà những vụ việc trẻ em đuối nước thương tâm ở xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà) hay xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) là những bài học đắt giá.

Và cuối cùng, hãy cẩn trọng, đừng vội vã hay vì bất cứ lý do nào khác mà bịa đặt hoặc "cóp" và chia sẻ những thông tin sai, gây hoang mang, lo sợ trên mạng xã hội.

Khi chúng ta chiến thắng nỗi sợ hãi, có nhận thức đúng và hành động đúng là chúng ta đã góp phần để đất nước vượt qua thử thách.       

Hồng Lam

Chuyên mục khác