Chiến thắng Điện Biên Phủ: Gặp những nhân chứng lịch sử

07/05/2020 06:12

Sau những lần lỗi hẹn, cuối cùng tôi cũng tổ chức được buổi gặp mặt của những “chiến sĩ Điện Biên” năm xưa. Họ tuổi đã cao, số người còn lại không nhiều, nhưng họ chính là những nhân chứng lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Gọi là buổi gặp mặt, nhưng thật ra chỉ là người lính Điện Biên năm xưa đến thăm một đồng đội đã tuổi cao sức yếu. Cũng bởi tuổi đã cao, nên họ ít có điều kiện thường xuyên đến thăm hỏi nhau, dù cùng sống trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Số người là cựu binh Điện Biên năm xưa hiện cư trú trên địa bàn thành phố không nhiều, và tôi cũng chỉ liên lạc được với hai cụ để tổ chức buổi gặp mặt tuy ngắn ngủi nhưng thật ý nghĩa này.

Chiếc xe máy đưa tôi và ông Hoàng Xuân Cải (sinh năm 1937)- trú tại 208 đường Võ Nguyên Giáp, thôn 9, xã Đăk Cấm (thành phố Kon Tum) dừng trước ngôi nhà số nhà 109 Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum), nơi ông Đỗ Trọng Hòa (sinh năm 1937) sinh sống. Hai người đều là những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, tuy cùng năm sinh nhưng qua mấy lần đổ bệnh, sức khỏe của ông Đỗ Trọng Hòa đã yếu nhiều so với người đồng đội của ông.

Gặp nhau tay bắt mặt mừng, hai ông ôm lấy nhau, bàn tay cứ vỗ nhè nhẹ vào vai nhau. Ông Hoàng Xuân Cải xúc động: “Sao dạo này ông yếu hẳn thế. Chỉ có vài năm không gặp mà nay đã khác trước nhiều”.

Ông Hoàng Xuân Cải cho biết: Trước đây còn khỏe mạnh, hai ông thường xuyên gặp nhau vào những ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên hoặc những ngày hội họp khác. Nhưng từ ngày tuổi cao sức yếu, hai người ít gặp và cũng ít có điều kiện để đến thăm nhau.

Người con gái ông Đỗ Trọng Hòa đem trái cây, rót nước mời bố và khách. Hai bạn già bên nhau, những ký ức của chiến dịch Điện Biên Phủ lần lượt tái hiện trong câu chuyện.

Ông Hoàng Xuân Cải và ông Đỗ Trọng Hòa gặp lại nhau. Ảnh: Q.Đ

 

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hoàng Xuân Cải làm chiến sĩ liên lạc ở Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Đại đội của ông đánh vào đồi Him Lam. Còn ông Đỗ Trọng Hòa là Tiểu đội phó của Đại đội công binh 34 thuộc Tiểu đoàn 16, Sư đoàn 316 đánh vào cứ điểm đồi A1. Ông Hòa là người trực tiếp ôm bộc phá đánh vào cứ điểm được thực dân Pháp huênh hoang, cho là “mắt xích” quan trọng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ông Hoàng Xuân Cải nhớ lại: Quê tôi ở xã Quý Lộc, huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa). Tôi đi bộ đội từ năm 15 tuổi (thiếu sinh quân) và khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ mới 17 tuổi. Được đơn vị giao nhiệm vụ làm liên lạc, ở cùng đại đội của Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót, tôi được chứng kiến những trận đánh “nảy lửa” tại đồi Him Lam.

Trong dòng hồi ức, ông Hoàng Xuân Cải kể: Ngày 13/3/1954, ta nổ súng tấn công Him Lam - một trung tâm đề kháng mạnh gồm 3 cứ điểm nằm trên 3 quả đồi sát kề nhau bên đường số 41, do Tiểu đoàn 3 thuộc bán Lữ đoàn lê dương thứ 13 phòng giữ.

Sau trận pháo kích mở màn chiến dịch làm cho các trận địa pháo của địch đặt ở trung tâm bị tê liệt hoàn toàn, từ 18h30, bộ binh ta bắt đầu mở cửa. Trung đoàn 209 sử dụng Tiểu đoàn 130 đột phá từ hướng Bắc tiêu diệt cứ điểm 3. Trên hướng chủ yếu của trận đánh tấn công, Trung đoàn 141 sử dụng Tiểu đoàn 11 đánh chiếm và Tiểu đoàn 428 đột phá từ hướng đông - nam tiêu diệt cứ điểm 2. Trong trận đánh này, Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót đã nêu cao khí tiết anh hùng lấy thân mình chèn lỗ châu mai khiến cho bọn địch ở trong không bắn ra được. Hành động của Phan Đình Giót tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sỹ Tiểu đoàn 428 xông lên tiêu diệt địch. Đến 22h30, Tiểu đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 2.

Tại cứ điểm 3, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt hơn. Đây là điểm phòng ngự chính của trung tâm đề kháng Him Lam và là mục tiêu cuối cùng tại khu vực chưa bị đánh chiếm nên địch dồn hết lực lượng đánh trả quyết liệt… Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu quả cảm, đến 23h30 phút ngày 13/3, Trung tâm đề kháng Him Lam của địch hoàn toàn bị quân ta tiêu diệt.

Còn ông Đỗ Trọng Hòa nhớ lại: Từ đêm ngày  1/4 đến trưa ngày 3/4 bộ đội ta tiến đánh cứ điểm Đồi A1 đợt 2. Đại đội 34 công binh được giao nhiệm vụ mở cửa để bộ đội tiến lên chiếm lĩnh trận địa. Yêu cầu của nhiệm vụ lần này là lực lượng công binh phải dùng bộc phá đánh sập 5 lớp hàng rào kẽm gai bao quanh mỏm đồi A1. Đúng 16 giờ chiều, hàng loạt tiếng nổ của những khối bộc phá TNT làm rung chuyển trận địa, 5 lớp rào kẽm gai bị bộ đội ta quét sạch, cùng lúc pháo binh ta rót bão lửa vào cứ điểm, mở đường cho bộ đội ta xung phong. Lúc này, toàn bộ hỏa lực địch đã bị đè bẹp… Qua khai thác tù binh địch, quân ta biết được địch có hầm ngầm kiên cố và dưới hầm là kho đạn mà trinh sát ta chưa phát hiện được nên Bộ Chỉ huy chiến dịch thay đổi cách đánh.

 Suốt hơn nửa tháng trời ròng rã, quân ta đào hoàn thành con đường giao thông hào ngầm dưới lòng đất sâu 1,5m, rộng 2m, dài 50m xuyên vào lòng cứ điểm. Đại đội 34 được lệnh bí mật chuyển hơn 1 tấn thuốc nổ TNT vào ém bên trong con đường hầm, phía dưới lô cốt ngầm của địch, chờ ngày tổng công kích cứ điểm Đồi A1 lần thứ 3…

20 giờ 30 phút ngày 6/5, giờ quyết định của cứ điểm A1 bắt đầu. Sau tiếng nổ long trời của hơn 1 tấn bộc phá làm đồi A1 như chao đảo, các đơn vị của ta đồng loạt xung phong, quân địch tại đây đã hoàn toàn bị bất ngờ và hoang mang. 4 giờ 30 phút ngày 7/5, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm Đồi A1. Mất đồi A1, quân Pháp ở cứ điểm Điện Biên Phủ vô cùng hoảng hốt, mọi kháng cự của quân địch hầu như bị tê liệt…17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, quân ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa, bắt sống toàn bộ tướng lĩnh quân địch tại Điên Biên Phủ, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam bay phấp phới trên nắp hầm của tướng Đờ Cát…

Sau trận đánh đi vào lịch sử đó, ông Hòa bị sức ép thuốc nổ thủng dạ dày. Và di chứng ấy để lại đến ngày hôm nay, ông qua bao lần phẫu thuật, sức khỏe giảm sút.

Chiến tranh đã đi qua 66 năm, nhưng đồng đội của hai ông giờ người còn người mất. Nỗi nhớ những đồng đội thân yêu cứ canh cánh, day dứt hàng đêm đối với hai ông. Có những đêm họ mất ngủ, gọi thầm tên những đồng đội của mình…!

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác