Chiến thắng Đăk Pék - 50 năm với người trong cuộc

15/05/2024 05:40

Trong lần đi lên huyện Đăk Glei, chúng tôi gặp một đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, được biết họ là những chiến sĩ đã trực tiếp tham gia trận đánh Đăk Pék cách đây 50 năm. Thật may mắn, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một số thành viên trong đoàn.

Nói về cụm cứ điểm Đăk Pék, Đại tá, Lương y Hồ Hữu Lạn, nguyên Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 anh hùng kể: Khi được Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên (B3) giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Đăk Pék và giải phóng quận lỵ Đăk Pék, chúng tôi cũng có trăn trở, tại sao năm 1972 chúng ta đã giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh và các vùng phụ cận, cứ điểm Đăk Pék đã hoàn toàn bị cô lập nhưng sao vẫn chưa bị tiêu diệt? Câu hỏi này chỉ được trả lời chính xác khi chúng tôi tổ chức nhiều lần trinh sát thực địa, nắm tình hình để lên sa bàn chuẩn bị cho trận đánh.

Quả thật, đây là cụm cứ điểm được xây dựng kiên cố, vững chắc, với 22 mục tiêu, 35 lô cốt liên hoàn nối thông nhau bằng hệ thống hầm hào, phía trên được bao phủ các bao cát dày đến 2m; hệ thống công sự được xây dựng nhiều tầng, hầm ngầm bằng bê tông cốt thép; có hệ thống hàng rào kẽm gai, bùng nhùng 7 lớp,  rộng 70m, cọc sắt được đóng ken dày, giữa các hàng rào là hào sâu gần 2m được cắm chông độc và các loại mìn để chống đặc công ta thâm nhập; lương thực, thực phẩm, vũ khí được trang bị đầy đủ, hiện đại đủ để chống trả, cầm cự lâu dài; lực lượng địch khoảng 1.400 tên gồm biệt động quân, cảnh sát, dân vệ, phòng vệ, bảo an… hầu hết đã có thời gian sống và chiến đấu nhiều năm ở đây nên rất kinh nghiệm, hết sức ngoan cố.

Khai mạc triển lãm 50 năm chiến thắng Đăk Pék - Lịch sử và phát triển. Ảnh: NNS

 

Ngoài ra chúng còn được sự chi viện và yểm trợ nhân lực và vũ khí từ sân bay Cù Hanh, sân bay Chu Lai, sân bay Nước Mặn khi bị tấn công. Đặc biệt trong cụm cứ điểm rất đông phụ nữ, trẻ em và dân sống cùng với lính; còn phía ngoài chúng dồn dân lập nhiều ấp chiến lược để che chắn và làm tai mắt cho chúng. Qua trinh sát có thể khẳng định đây là một trong những cụm cứ điểm kiên cố bậc nhất của Mỹ ngụy lúc bấy giờ tại Tây Nguyên, không dễ gì bị tiêu diệt.

Trung tướng, Tiến sĩ Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn xe tăng 273 tiếp lời: Khi được giao nhiệm vụ, lực lượng tăng rất vinh dự và phấn khởi. Tuy nhiên, cụm Đăk Pék là cụm cứ điểm mạnh của địch nên để bảo đảm cho trận đánh thắng lợi thì từ tháng 12/1973 - 4/1974, ngoài trinh sát của Đoàn 260, lực lượng tăng đã trực tiếp tổ chức 4 đợt trinh sát để xác định đường hành tiến, vị trí tập kết xe, đường xuất kích, hướng tiến công, mục tiêu tấn công… đảm bảo chính xác. Sau khi hoàn thành công tác trinh sát, lên sa bàn thì vấn đề đặt ra là làm sao đưa 10 xe tăng vào đúng vị trí chiến đấu cách địch khoảng 2 đến 3km mà không bị lộ.

Xe tăng T54 có tiếng ồn rất lớn khi hành tiến, đây là bài toán khó. Sau khi bàn bạc, chỉ huy đã đi đến thống nhất: thời gian hành quân vào buổi tối, xe không bật đèn; khi xe tăng di chuyển, đề nghị đơn vị pháo bắn cấp tập gây tiếng nổ át tiếng xe cho đến khi xe tăng vào vị trí. Trước tài trí sáng tạo của chỉ huy và các kíp lái, đúng 2h30 ngày 16/4/1974, toàn bộ đội hình đã vào đúng vị trí chiến đấu bảo đảm bí mật, an toàn và đúng thời gian quy định.

Khi được hỏi về ấn tượng trong trận đánh, ông Nguyễn Duy Hệ, chiến sĩ Trung đoàn 3 nói: Lần đó, khi chúng tôi đang ở chiến trường Thừa Thiên thì được lệnh hành quân vào B3 cách xa hơn 200km, ai nấy đều nghĩ phải mất 10-15 ngày hành quân mới đến nơi tập kết. Nhưng thật bất ngờ cả Trung đoàn, cùng với lương thực, vũ khí được Binh đoàn Trường Sơn tổ chức hành quân bằng xe vận tải. Lần đầu tiên ngồi lên xe ô tô, nhìn nét mặt ai ai cũng rạng ngời tự hào và sung sướng. Chỉ hơn 1 ngày, đoàn xe hơn 160 chiếc đã đưa chúng tôi đến nơi tập kết an toàn. Cuộc hành quân này cho thấy cách mạng miền Nam đã lớn mạnh. Nó củng cố niềm tin và sức mạnh cho chúng tôi giành thắng lợi vào trận đánh ngày sau. Kỷ niệm về cuộc hành quân này đã theo suốt cuộc đời tôi và chắc đồng đội tôi cũng không bao giờ quên.

Còn theo Tiến sĩ, Luật sư Phạm Huỳnh Công, nguyên trợ tá cho Trung đoàn phó Trung đoàn 3 Nguyễn Văn Rinh, chiến thắng Đăk Pék không chỉ chiến thắng về quân sự mà nó còn mang đậm nét nhân văn, nhân đạo và hết mình vì nhân dân. Ông Công kể: Trước khi vào trận đánh, chúng tôi được đồng chí Chính ủy Trung đoàn Lê Hồng Hải quán triệt: Trước nòng súng của các đồng chí không chỉ có địch mà còn vì nhân dân đang sống trong tay địch, vì thế khi nổ súng không được để đạn lạc vào nhân dân, bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giúp đỡ, cứu dân, phải luôn luôn coi trọng tình quân dân. Còn đối với tù binh, hành binh khi đã bị bắt cũng phải xem họ là dân và đối xử đúng với chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta. Tư tưởng này đã thấm sâu vào mỗi chiến sĩ, vì vậy trong cuộc chiến đấu ác liệt này nhân dân trong cụm cứ điểm đã được bảo đảm an toàn; còn các tù binh đều được đối xử vô cùng nhân đạo. Thêm một dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời tôi, đó là trong khi tiến công bộ đội ta phát hiện có 3 người phụ nữ đang chuyển dạ sinh con, mặc cho tiếng nổ chát chúa và bàn tay còn đen ngòm thuốc súng, các chiến sĩ quân y đã ra tay làm bà đỡ, cả 3 cháu đã được sinh ra an toàn. Trong tiếng khóc trẻ thơ và nét mặt bình thản của những người mẹ, một chiến sĩ vừa cười vừa nói: Hãy đặt tên cho các cháu là Giải Phóng nhé.

50 năm đã trôi qua, dẫu biết trong chiến đấu thì hy sinh mất mát là điều không tránh khỏi, song Đại tá Hồ Hữu Lạn vẫn luôn day dứt bởi sau chiến tranh, ông cùng các đồng đội đã 3 lần vào Đăk Pék để tìm hài cốt những đồng chí đã hy sinh nhưng đến nay vẫn còn nhiều liệt sĩ đang nằm trong lòng đất mẹ chưa đưa về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ Đăk Glei.

“Mỗi lần vào viếng nghĩa trang, đứng trước những ngôi mộ chưa có tên, lòng chúng tôi xao xuyến bồi hồi, chan chứa niềm tiếc thương. Trước khi tạm biệt, gửi theo làn khói hương chúng tôi thầm xin các anh tha lỗi khi trách nhiệm của chúng tôi với các anh, các mẹ chưa thành” - Đại tá Hồ Hữu Lạn bày tỏ.

 Nguyễn Ngọc Sơn

Chuyên mục khác