07/01/2019 06:24
Ở trong nước, chúng tước đoạt quyền tự do, dân chủ của nhân dân, biến họ thành những người nô lệ; thi hành chính sách diệt chủng đối với trí thức, tôn giáo, người dân tộc thiểu số, Việt kiều và đảng viên, công chức, binh lính không đi theo đường lối phản động của chúng... Không chỉ thi hành chính sách diệt chủng dã man, tàn bạo đối với đồng bào mình, được các thế lực phản động quốc tế giật dây, giúp sức, tập đoàn Pôn Pốt đã thay đổi thái độ với Việt Nam, ra sức xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, kích động hằn thù dân tộc, đòi hoạch định lại biên giới, coi Việt Nam là "kẻ thù số một", "kẻ thù truyền kiếp".
Từ năm 1975 đến 1978, chúng trắng trợn mở nhiều cuộc tiến công xâm lấn, đánh chiếm các đảo, biên giới nước ta với quy mô, tần suất ngày một gia tăng, gây nên hàng loạt cuộc thảm sát đẫm máu đối với nhân dân ta dọc biên giới Việt Nam-Campuchia.
Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, Đảng, Nhà nước ta một mặt chỉ đạo các quân khu, địa phương, đơn vị tăng cường chuẩn bị lực lượng và thế trận, kiên quyết đập tan các cuộc tiến công xâm lược của địch; mặt khác, kiên trì chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, tìm cách cứu vãn hòa bình, nhiều lần đề nghị đàm phán với Chính phủ Campuchia Dân chủ nhằm giải quyết những bất đồng.
Tập đoàn Pôn Pốt-Ieng Sary không những cự tuyệt, khước từ mọi thiện chí của ta mà còn đẩy mạnh hoạt động chống phá, xâm lược Việt Nam. Cuối năm 1978, chúng huy động 10 sư đoàn cùng vũ khí, trang bị, kỹ thuật về biên giới Tây Nam Việt Nam, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công xâm lược nước ta.
Đầu tháng 12/1978, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm mở cuộc tổng phản công-tiến công chiến lược trên tuyến biên giới Tây Nam và sẵn sàng phương án hỗ trợ các lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia đánh đổ tập đoàn Pôn Pốt-Ieng Sary, giành chính quyền về tay nhân dân.
Từ ngày 23/12/1978, bằng các đòn phản công, tiến công quyết liệt, quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh đuổi quân Pôn Pốt ra khỏi lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời, đáp lại đề nghị của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và trên tinh thần quốc tế trong sáng "giúp bạn là mình tự giúp mình", Quân tình nguyện Việt Nam đã bất chấp mọi hy sinh, gian khổ, phối hợp với lực lượng vũ trang Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng tiến công giải phóng thủ đô Phnôm Pênh (7/1/1979) và toàn bộ đất nước Campuchia (17/1/1979).
Đối với Việt Nam, thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, một lần nữa khẳng định, nhân dân Việt Nam với ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; khẳng định tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ gắn bó thủy chung, lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia.
Đối với nhân dân Campuchia, chiến thắng ngày 7/1/1979 có ý nghĩa lịch sử đặc biệt to lớn đối với vận mệnh đất nước Campuchia, đã xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt, cứu nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, hồi sinh đất nước và dân tộc.
Đối với quốc tế, thắng lợi vĩ đại ngày 7/1/1979 là thắng lợi chung của nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia, thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế, sự thủy chung, trọn vẹn nghĩa tình giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia. Với thắng lợi này, quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia chuyển sang thời kỳ mới-thời kỳ khôi phục, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của nhau vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước.
Chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; đấu tranh vạch trần bản chất của chế độ phân biệt chủng tộc, sắc tộc, chế độ độc tài; cảnh báo nhân loại cảnh giác trước nguy cơ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa phát xít mới.
Phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa hai đất nước, sau khi giành được độc lập, Việt Nam và Campuchia tiếp tục tăng cường mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” và đã đạt nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Ngày 7/1 năm nay vừa tròn 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Kỷ niệm sự kiện ý nghĩa này, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành, các địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động ghi nhớ công ơn và sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam và cán bộ, chiến sĩ của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã góp phần to lớn mang lại cho người dân Việt Nam và Campuchia có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay; qua đây giúp cho các thế hệ trẻ hiểu biết hơn về tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị và phát triển giữa hai nước Việt Nam-Campuchia.
Tú Quyên (Tổng hợp)