“Chiến binh” áo trắng trên tuyến đầu chống Covid-19

27/02/2021 06:05

Bền bỉ, dũng cảm, tận tụy, tâm huyết là những gì mà đội ngũ bác sĩ, y tá, nhân viên y tế đã thể hiện trong suốt hơn 1 năm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Họ chính là những “chiến binh” áo trắng trong trận chiến chống lại “giặc Covid-19”.

Trong chiếc áo blu trắng, bác sĩ Nguyễn Văn Thái – Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Hồi) cặm cụi lật dở, xem kỹ hồ sơ điều tra dịch tễ và bệnh tình của ca nghi nhiễm đang được cách ly, điều trị tại Khoa. Thấy tôi bước vào chào, sau một thoáng bất ngờ, anh Thái liền phân trần: Đặc thù của Khoa chỉ có bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm vào điều trị nên cả bệnh nhân và người nhà anh đều nhớ mặt, thuộc tên. Bình thường Khoa đã vắng vẻ, hơn một năm nay, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân nghi nhiễm hoặc có yếu tố dịch tễ về Covid-19 và mắc các bệnh lý khác nên Khoa càng biệt lập. Ngoài bệnh nhân và các y, bác sĩ, điều dưỡng trong khoa thì chỉ có Ban giám đốc xuống kiểm tra hoặc lực lượng được phân công mới vào chứ gần như không có người lạ.

Bác sỹ Nguyễn Văn Thái thăm khám cho bệnh nhân nghi nhiễm đang cách ly, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm 1. Ảnh: T.H

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái trải lòng: Là người tiếp xúc gần nhất, trực tiếp thăm khám, theo dõi sức khỏe cho các đối tượng nghi nhiễm Covid-19, nói không lo lắng là dối lòng, nhất là thời gian đầu khi dịch bệnh mới lây lan vào nước ta. Khi ấy, thông tin về dịch bệnh chưa nhiều nhưng hỏi sợ không, ái ngại không thì tôi khẳng định là tuyệt đối không bởi hơn ai hết mình phải vững vàng đề làm chỗ dựa cho bệnh nhân. Nói thật, mỗi lần đón nhận các ca nghi nhiễm Covid-19 vào cách ly, điều trị, chờ kết quả xét nghiệm, tôi luôn rất hồi hộp, lo lắng chỉ sợ bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 thì lúc đó cả Bệnh viện, hệ thống chống dịch sẽ vất vả, còn bản thân thì xác định mình sẽ “cắm chốt” trong này để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Bản thân tôi thời gian qua, nhiều lúc cũng tự cách ly gia đình, bạn bè, đồng nghiệp; thậm chí, còn không tham gia giao ban trực tiếp mà xin Ban giám đốc cho giao ban trực tuyến vì tôi nghĩ thôi thì “cẩn tắc vô áy náy”.

Tính đến nay, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Ngọc Hồi đã tiếp nhận 82 đối tượng nghi nhiễm, có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid-19 bị bệnh vào cách ly, điều trị, trong đó, có 21 người được chuyển tuyến. Tất cả bệnh nhân đều được y, bác sĩ chăm sóc, điều trị chu đáo, đảm bảo an toàn và nhanh chóng hồi phục. Hơn 1 năm qua, cùng với việc thực hiện tốt những nhiệm vụ khám, điều trị cho bệnh nhân như thường lệ, thì trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các y, bác sĩ của Bệnh viện luôn trong tinh thần “trực chiến”, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Những bộ đồ bảo hộ dường như gắn bó với lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19 suốt hơn 1 năm qua. Ảnh: TH

 

Đồng hành với những y, bác sĩ trực tiếp thăm khám, chữa trị cho người bệnh, những y bác sĩ làm công tác dự phòng cũng vô cùng vất vả khi luôn phải xông thẳng vào những nơi nguy hiểm nhất, tiếp xúc đầu tiên và gần nhất với các đối tượng có nguy cơ cao. Họ được gọi là những người “đi trước về sau”. Chỉ cần nhận được thông tin về trường hợp nghi ngờ hoặc đi về từ vùng dịch thì dù ở bất cứ đâu, ngày hay đêm, họ đều phải lập tức lên đường, có mặt sớm nhất để nắm bắt tình hình, điều tra dịch tễ, khoanh vùng, thực hiện cách ly các đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, lấy mẫu bệnh phẩm, khử khuẩn môi trường... Chưa hết, họ còn thường xuyên phải đến từng thôn, làng, tổ dân phố, rà từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh… 

Bác sĩ Hoàng Thái Hùng- Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi cho biết: Hơn 1 năm nay, tôi cũng như các anh em trong đơn vị gần như chưa có được một ngày nghỉ đúng nghĩa, vì lúc nào cũng phải trong tâm thế “trực chiến”. Dịch bệnh có lúc căng thẳng, có lúc hạ nhiệt, nhưng với những người làm công tác dự phòng tuyến trước như chúng tôi thì không được phép mất cảnh giác vì chỉ cần một chút sơ sẩy cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Không chỉ có Covid-19 các hoạt động phòng, chống dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, bạch hầu…cũng cần phải triển khai đảm bảo.

Là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng của tỉnh nên hơn 1 năm qua, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế của thành phố Kon Tum luôn tập trung cao độ để ngăn ngừa, ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh.176 cán bộ, nhân viên của Trung tâm Y tế và các trạm y tế thuộc 21 xã, phường căng mình giữ vững phòng tuyến chống dịch địa bàn trung tâm của tỉnh, tạo thành “lá chắn thép” trong cuộc chiến chống Covid-19.

Những nhân viên y tế của Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum luôn căng mình để thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: TH

 

Bác sĩ Bùi Trọng Trí - Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm y tế thành phố Kon Tum chia sẻ: Do tính chất dịch bệnh, công việc khiến tôi và đồng nghiệp “bận tối mặt mày”. Ví như đợt dịch này, cả tháng nay, anh em phải căng mình, hoạt động hết công suất từ việc tham gia các chốt chống dịch của tỉnh, thành phố và tại các khu cách ly tập trung của tỉnh, khi có thông báo về ca F1, F2 thì phải triển khai truy vết thần tốc, cách ly kịp thời, vệ sinh môi trường…Việc thường xuyên tiếp xúc với dịch bệnh, nói không lo thì không phải, nhưng chúng tôi hiểu rõ về bệnh nên biết cách dự phòng cho bản thân. Nói vậy, nhưng rủi ro thì không ai có thể lường hết được, song chúng tôi luôn xác định sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng là trên hết.

Có thể nói, ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc, điều trị, theo dõi sức khỏe cho người bệnh và các đối tượng có nguy cơ, các bác sĩ, nhân viên y tế luôn phải đối diện với nhiều áp lực và rủi ro bị lây nhiễm bệnh. Nhưng vượt lên trên những khó khăn, sợ hãi của bản thân, họ lặng lẽ cống hiến, hy sinh góp phần thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thùy Hương

Chuyên mục khác