09/10/2019 13:03
Trao đổi với chúng tôi, chị Y Chon tâm sự: Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất biên giới Ngọc Hồi, nhìn cuộc sống của bà con DTTS ở đây, đặc biệt là chị em phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn cả về tinh thần và vật chất, nên tôi có nhiều trăn trở. Ngay từ những ngày còn đi học, tôi đã mong mỏi sau này lớn lên phải làm gì đó giúp đỡ chị em phụ nữ dân tộc mình bớt khổ...
Mong mỏi là thế, chị luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ các cấp giao phó. Đặc biệt, trong những năm gần đây, chị đã cùng với Ban Chấp hành Hội LHPN xã chủ động nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, đồng thời có các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Cụ thể, chị Y Chon là đại biểu HĐND xã, là thành viên của các tổ chức như: Hội đồng Tư vấn về đất đai, Ban Dự án giảm nghèo Tây Nguyên, Ban Phòng chống lụt bão xã…, nên chị có điều kiện tham gia các cuộc giám sát, phản biện về các chính sách của Nhà nước ưu tiên cho phụ nữ. Trong đó, đại diện cho tiếng nói về giới, chị đã tham gia 3 cuộc hội thảo chuyên đề và đột xuất liên quan đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, công tác giảm nghèo, khám chữa bệnh cho trẻ em từ 0-6 tuổi, bạo hành gia đình, xâm hại tình dục trẻ em. Chị cũng đã trực tiếp tham gia hòa giải thành 8 vụ mâu thuẫn tại thôn, 3 vụ mâu thuẫn gia đình, 6 vụ hôn nhân gia đình, đồng thời đề nghị ngành chức năng xử lý kịp thời 2 vụ liên quan đến bạo lực gia đình…
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, chị Y Chon đã mạnh dạn tổ chức các mô hình vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho chị em, vừa làm sạch môi trường và tạo cảnh quan làng xóm. Cụ thể, chị đã triển khai thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền” tại Chi hội Phụ nữ thôn Chả Nội I có 15 thành viên tham gia. Sau gần 4 năm hoạt động, mô hình này đã phát triển lên 11 chi hội với 714 thành viên tham gia và thu được trên 46 triệu đồng.
|
Với mô hình “Con đường hoa”, từ năm 2016, chị Y Chon đã vận động được 64 chị em phụ nữ thôn Dục Nhầy I tham gia và trồng được 1km đường hoa các loại. Đến nay, mô hình này đã nhân rộng ra 11 chi hội với 714 thành viên tham gia trồng được trên 11km đường hoa với các loại cây cỏ màu, hoa mười giờ và một số loại hoa khác phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của địa phương.
Mô hình “Phụ nữ nuôi heo sọc dưa” mới triển khai được gần 10 tháng tại thôn Nông Nhầy I có 15 thành viên tham gia, trong đó có 8 thành viên được chọn hỗ trợ vốn trước để xây dựng chuồng trại kiên cố và mua 40 con heo giống. Đến nay, đàn heo phát triển tốt, trong đó đã có 8 con heo giống sinh sản được 98 con và bán được 27,5 triệu đồng.
Nhận xét về chị Y Chon, chị Y Lát - Tổ trưởng Tổ liên kết “Phụ nữ nuôi heo sọc dưa” thôn Nông Nhầy 1 của xã cho biết: Trong quá trình triển khai mô hình này, chị Y Chon luôn lo lắng với công việc nên thường xuyên xuống cơ sở để cùng với chị em hướng dẫn cách chăm sóc sao cho đàn heo phát triển tốt. Dù mới chỉ là bước đầu, nhưng mô hình này đã được chị em trong tổ phấn khởi và đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của chị Y Chon trong việc nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ DTTS trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để từng bước giảm nghèo bền vững.
Với sự năng động, sáng tạo trong công tác Hội ở địa phương, từ năm 2016 đến nay, chị Y Chon thường xuyên được các cấp khen thưởng; được Hội LHPN Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của Phụ nữ Việt Nam”.
Có thể nói, mặc dù tuổi đời còn trẻ, nhưng với những ý tưởng và việc làm đầy năng động, sáng tạo trong quá trình triển khai công tác Hội, chị Y Chon đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của mình đối với chị em phụ nữ, qua đó góp phần giúp các gia đình trên địa bàn xã được ấm no, hạnh phúc.
Trần Văn Phúc