Chỉ số hài lòng

24/11/2022 13:03

Để nâng cao chất lượng y tế công, cùng với đo lường mức độ hài lòng của người dân, đã đến lúc cũng cần đo lường sự hài lòng của nhân viên y tế.

1. Ngành Y tế vừa công bố Báo cáo kết quả đo lường sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ y tế công năm 2022 trên cơ sở dữ liệu được thu thập từ ngày 1-15/11/2022. Những con số đo lường cho thấy chỉ số hài lòng đối với y tế công đang được cải thiện.

Đây là kết quả từ một khảo sát xã hội học có sự tham gia của người dân. Trong quá trình khảo sát-thu thập thông tin có phỏng vấn sâu những người đã sử dụng ít nhất một trong 5 dịch vụ y tế .

Theo đó, việc đo lường sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ y tế công, như: Dịch vụ hành chính công liên quan đến các dịch vụ ATTP; khi sử dụng dịch vụ y tế công tại Văn phòng Sở Y tế; các dịch vụ y tế công (khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú tại bệnh viện, trung tâm y tế huyện và tại trạm y tế); dịch vụ tiêm chủng mở rộng tại các huyện, thành phố.

Chỉ 65% người dân hài lòng về cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ của y tế công. Ảnh: HL

 

Về sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ hành chính công liên quan đến các dịch vụ an toàn thực phẩm, kết quả khảo sát cho thấy, 91,61% người dân hài lòng với dịch vụ y tế công do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp; điểm hài lòng chung là 4,61/5 điểm.

Trong khi đó, chỉ có 81,07% người dân hài lòng khi sử dụng dịch vụ y tế công do Sở Y tế cung cấp, điểm hài lòng chung là 4,13/5 điểm. Đặc biệt, chỉ 65% người dân hài lòng về cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ.

Đối với dịch vụ tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ hài lòng chung là 87,19%, điểm hài lòng chung là 4,16/5 điểm. Trong các cấu phần, hài lòng thấp nhất là cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ, chỉ đạt 85,43%. 

Tín hiệu vui là điểm trung bình đối với cả 5 dịch vụ y tế công là 4,26/5. Trong đó, có tới 93,1% người dân được khảo sát hài lòng với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại bệnh viện, trung tâm y tế huyện, cao nhất trong nhóm 5 dịch vụ y tế công được khảo sát.

Bên cạnh đó, có 96,6% người được khảo sát bày tỏ hài lòng với thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế khám bệnh ngoại trú. Với khám bệnh nội trú, tỷ lệ này là 94,94%.

Chỉ số hài lòng này cho thấy những nỗ lực của ngành Y tế trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách hành chính, đặc biệt là thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số đã đem kết quả đáng ghi nhận.

Sự hài lòng của nhân viên y tế về công việc có ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh và mức độ hài lòng của người dân. Ảnh: HL

 

2. Trong khi chỉ số hài lòng của người dân đối với y tế công đang dần được cải thiện, cho thấy ngành Y tế đang dần lấy lại niềm tin, thì ở phía khác, tôi nhận thấy “chỉ số hài lòng” của nhân viên y tế đang sụt giảm.

Bạn bè tôi có nhiều người công tác trong ngành Y tế. Và hàng năm, vào ngày 27/2- Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi luôn nhắn tin cho họ: Xin chúc các bạn sống được bằng nghề và hạnh phúc với nghề.

Tất nhiên là ai cũng cảm ơn, và hầu hết trong số họ trả lời rằng, họ đang hạnh phúc với nghề.

Nhưng thực tiễn cuộc sống cho tôi thấy, sống được bằng nghề và hạnh phúc với nghề vẫn nằm ngoài tầm với của số đông bạn bè tôi và những người làm trong ngành Y.

Mới đây, tôi có tới 3 người bạn xin nghỉ việc ở cơ sở y tế công lập để ra ngoài làm. Trong đó, chỉ có một bác sĩ tiếp tục làm nghề ở phòng khám tư, còn 2 nhân viên điều dưỡng thì nghỉ hẳn, chuyển sang buôn bán.

Họ có chung một lý do là thu nhập từ nghề rất thấp, không đủ trang trải cuộc sống, với giá cả hàng hóa ngày càng đắt đỏ.

Theo thống kê của Sở Y tế, từ năm 2019 đến tháng 9/2022, toàn tỉnh có 96 cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc. Trong đó có 42 bác sĩ, 19 điều dưỡng, 4 dược sĩ,  còn lại là kỹ thuật và viên chức y tế khác.

Nhân viên y tế khó sống được bằng nghề không phải câu chuyện mới, tất nhiên là trừ một số có phòng khám tư. Nó đã kéo dài rất nhiều năm nay.

Thực tế đó không xuất phát từ việc các nhà quản lý thiếu năng lực, hay chính quyền thiếu quan tâm, mà ngành Y, như bất cứ ngành nào khác, cũng nằm trong diện hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Văn Thanh- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, nguyên nhân cán bộ y tế nghỉ việc đều thể hiện rõ trong đơn là vì hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên, qua quá trình tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, chỉ một số ít bác sĩ nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình, còn chủ yếu do thu nhập từ nghề thấp.

Để nhân viên y tế hài lòng với công việc cần có chế độ đãi ngộ phù hợp. Ảnh: HL

 

Bởi vậy, nhiều, rất nhiều người, dù không “bung” hẳn, nhưng cũng “chân trong chân ngoài”, tìm việc ở các phòng khám, cơ sở y tế tư nhân. Làm việc công nhưng luôn ngóng hết giờ để đến nơi làm tư, vì ở đó cho thu nhập cao hơn. Sức lao động, trí tuệ được trả tiệm cận hơn với giá trị thực, hoặc không lo lắng áp lực từ sự áp đặt ý chí của cấp trên.

“Không thực rất khó vực đạo”, một nhân viên y tế không thể “hài lòng” và toàn tâm toàn ý phục vụ người bệnh khi mà thu nhập không đảm bảo cuộc sống, buộc phải bươn chải, phải “chân trong chân ngoài”.

Và một khi “không hài lòng” với công việc thì nhất định sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng công việc, tinh thần phục vụ người bệnh. Đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng xấu đến chỉ số hài lòng của người dân về các dịch vụ y tế công.

Đã đến lúc, cần đo lường sự hài lòng của cả hai bên để có giải pháp phù hợp, từ đó cải thiện chỉ số hài lòng, nâng cao chất lượng y tế công.

Nghĩa là cần cải thiện, nâng cao thu nhập cho đội ngũ y, bác sĩ đang công tác trong cơ sở y tế công lập; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để tạo nơi làm việc tốt hơn; có chế độ đãi ngộ, chính sách đưa đi đào tạo và tăng quyền tự chủ rộng hơn cho các cơ sở y tế công lập.         

Hồng Lam

Chuyên mục khác