“Chặt ngoài, kỹ trong” để chặn dịch

22/07/2021 06:05

Để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, cần tiếp tục thực hiện tốt phương châm “chặt ngoài, kỹ trong”; hình thành hệ thống phòng thủ nhiều lớp, từ khu dân cư đến xã, huyện, tỉnh. Trong đó, huy động được sự tham gia chủ động và tích cực của mỗi người dân.

Chủ động “phòng thủ”

Những gì mà tỉnh ta đã và đang triển khai cho thấy sự chủ động trong “phòng thủ” trước “giặc” Covid-19. Và phải khẳng định rằng, sự chủ động ấy đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc chặn đứng dịch bệnh Covid-19 bên ngoài, không để lây lan vào địa bàn tỉnh trong suốt thời gian qua.

Trước hết, sự chủ động thể hiện rất rõ ở chiến thuật “đánh giặc từ vòng ngoài”, bằng việc giám sát chặt người vào tỉnh từ các địa phương khác. Tiếp đó là chiến thuật “cắt đứt chuỗi lây truyền” bằng truy vết quyết liệt và kiên quyết áp dụng cách ly tập trung. 

Không tính các đợt dịch trước, chỉ riêng trong đợt dịch thứ tư này, ngay từ khi có dấu hiệu bùng phát, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo hết sức quyết liệt về việc kiểm soát chặt chẽ những người ở các vùng dịch đến địa bàn tỉnh học tập, công tác, làm việc; người của tỉnh trở về từ các vùng dịch.

Nỗ lực không để lọt các trường hợp có yếu tố nguy cơ vào địa bàn tỉnh mà không được kiểm soát. Ảnh: HL

 

Ngày 27/4, đợt dịch thứ tư bùng phát với ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở Yên Bái, thì ngày 2/5, UBND tỉnh yêu cầu dừng các hoạt động lễ hội, áp dụng bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường và ở nơi công cộng. Ngày 6/5, dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ không cần thiết. Ngày 9/5, tái khởi động các chốt kiểm soát và tổ liên ngành tại các cửa ngõ ra vào tỉnh…

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh, đến ngày 14/7, các  chốt kiểm soát của tỉnh đã phát hiện, giám sát, cách ly tập trung 3.727 ca có yếu tố dịch tễ (nhập cảnh/đến/ở/về từ vùng dịch).

Tiếp đó, với diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của dịch bệnh, UBND tỉnh liên tục chỉ đạo nâng mức cảnh báo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh lên mức cao nhất.  Hiện nay, tất cả các trường hợp về địa bàn tỉnh từ 19 tỉnh, thành phố phía Nam, thành phố Hà Nội, Đà Năng và các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi đều phải cách ly tập trung 14 ngày + tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày + lấy mẫu xét nghiệm 5 lần. Nhiều tuyến vận tải hành khách đi các tỉnh, thành phố có dịch tạm dừng hoạt động.

Những người tỉnh ngoài ở vùng có dịch đến tỉnh phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày gần nhất (kể từ ngày trả kết quả). Các quy định phòng dịch trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa đến địa bàn tỉnh cũng được siết chặt.

Quán triệt quyết tâm “khóa chặt” biên giới để phòng, chống Covid-19, lực lượng Biên Phòng tỉnh đã thiết lập và duy trì 66 chốt chặn, với trên 400 cán bộ, chiến sĩ được điều động nhằm kiểm soát các đường mòn lối mở; phát hiện và cách ly kịp thời các đối tượng nhập cảnh trái phép. Tính từ đầu năm đến ngày 14/7, đã có 143 trường hợp được phát hiện và cách ly kịp thời.

Vì vậy, hiện nay, một trong những yêu cầu hàng đầu đặt ra với công tác phòng dịch của tỉnh là tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các chốt liên ngành kiểm soát dịch Covid-19, kiên quyết không để các trường hợp có yếu tố nguy cơ vào địa bàn tỉnh mà không được kiểm soát phòng, chống dịch, nhất là những người từ các tỉnh, thành phố đang có dịch về địa phương bằng phương tiện cá nhân. Đảm bảo không để lọt các trường hợp thuộc diện phải cách ly theo quy định.

Đảm bảo việc rà soát, phân luồng đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách; thắt chặt công tác khai báo y tế đối với lái xe, phụ xe, công dân từ các địa phương về địa bàn tỉnh, nhất là từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; tăng cường công tác kiểm tra các đường mòn, lối mở, chốt chặn trên địa bàn quản lý…

Không để “chặt ngoài, lỏng trong”

Từ những chỉ đạo rất quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong những ngày gần đây, nhất là Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 14/7 và Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 18/7 của Chủ tịch UBND tỉnh cho thấy quyết tâm của tỉnh trong thời gian này là tiếp tục kiên trì với mục tiêu củng cố hệ thống phòng thủ nhiều lớp, “chặt vòng ngoài, kỹ vòng trong”.

Theo báo cáo nhanh ngày 20/7 của Sở Y tế, đã ghi nhận 2 trường hợp dương tính với Covid-19 (từ nơi khác đến Kon Tum), và 1 ca nghi ngờ dương tính (ở Đăk Glei). Các trường hợp này đều được cách ly, điều trị, hiện sức khỏe ổn định, không có triệu chứng. Công tác điều tra, truy vết đang được tiến hành khẩn trương.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh, hiện nay phải tiếp tục thực hiện rất quyết liệt cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, từ các cấp chính quyền, đến mọi tổ chức, đoàn thể, và phải huy động được sự tham gia của mỗi người dân.

“Không thể để ngoài chặt trong lỏng. Vòng ngoài làm chặt rồi, mà bên trong lỏng lẻo thì vẫn rất nguy hiểm”- Chủ tịch Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Lái xe, phụ xe điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa vào tỉnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Ảnh: H.L

 

Để thực hiện được quyết tâm này, theo ông Võ Anh Tuấn- Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai, UBND cấp huyện cần bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, nắm chắc diễn biến dịch bệnh, căn cứ vào tình hình thực tế để chủ động và linh hoạt đưa ra các quyết định triển khai biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Như ở Ia H’Drai, do đặc thù huyện biên giới, lại tiếp giáp với tỉnh đang có ca Covid-29 cộng đồng (Gia Lai), nên huyện đã triển khai ngay việc test nhanh kháng nguyên tại chốt kiểm soát; đặt hòm thư tố giác xuất, nhập cảnh trái phép… Tăng cường công tác kiểm tra phòng, chống dịch tại những nơi có nguy cơ cao, như: Nhà hàng, quán ăn, chợ…kiên quyết dừng hoạt động những trường hợp không đảm bảo yêu cầu về phòng dịch- ông Võ Anh Tuấn chia sẻ.

Về lĩnh vực chuyên môn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và ngành Y tế cần chỉ đạo, hướng dẫn Ban Chỉ đạo các cấp, lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, tập trung toàn bộ lực lượng, cấp tốc truy vết các F xuất hiện trên địa bàn với phương châm "phát hiện đến đâu cách ly đến đó", nếu “lọt sàng” sẽ “còn nia”; đẩy nhanh phân loại, lấy mẫu, có kết quả xét nghiệm nhanh nhất.

Một trong những việc cần làm là tiếp tục củng cố, duy trì và tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ công tác cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở.

Có thể nói, trong thời gian qua, tổ công tác cộng đồng đã phát huy tốt vai trò “cánh tay nối dài” của chính quyền, nắm chắc thông tin của từng người có đến/ở/về từ các vùng dịch để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Đơn cử như tại huyện Ngọc Hồi, 336 tổ công tác cộng đồng ở 68 thôn, tổ dân phố đã góp phần kiểm soát chặt chẽ các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng; kiểm soát chặt chẽ lượng người đi, đến, tạm trú, tạm vắng; tuyên truyền để các hộ gia đình tự giám sát lẫn nhau về việc thực hiện khai báo tạm trú, tạm vắng và thực hiện 5K.

Đặc biệt, với sự thông thạo địa hình, “bám làng, sát hộ”, các thành viên tổ cộng đồng có đóng góp hết sức quan trọng trong công tác điều tra, truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh đi qua địa bàn.

Vì vậy, trong thời gian này, các tổ cộng đồng cần tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao trách nhiệm trong việc giám sát địa bàn. Cần đảm bảo rằng, bất cứ người nào về/đến/ở địa bàn đều được phát hiện, nắm thông tin ngay, báo lên chính quyền; tuyên truyền, vận động người dân nâng cáo ý thức phòng dịch…

Và cuối cùng, nếu mỗi gia đình, mỗi khu dân cư là một pháo đài chống dịch, thì toàn tỉnh cũng sẽ là pháo đài kiên cường. Để làm được điều này, cần sự đồng lòng, chung sức của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần cao nhất.

Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ!   

HỒNG LAM

Chuyên mục khác