Chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên

15/11/2023 13:02

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

Xác định việc đổi mới dạy học có ý nghĩa then chốt trong nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong 10 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh  tăng cường hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; từng bước khắc phục lối truyền thụ kiến thức cho học sinh theo hình thức áp đặt một chiều, “lý thuyết khô cứng”. Thay vào đó, các cơ sở giáo dục triển khai, vận dụng phù hợp các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến, tăng cường tổ chức thực hành trải nghiệm, tích hợp liên môn. Đồng thời, tổ chức có hiệu quả nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; hàng năm tăng cường triển khai dự án tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.

Tăng cường áp dụng giáo dục STEM trong các trường học. Ảnh: T.L

 

Việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh chú trọng đầu tư; nhiều phần mềm ứng dụng trong quản lý và dạy học được triển khai trong trường học. Theo đó, các cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning, xây dựng thiết bị số, diễn đàn giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin đã tạo nên phong trào đổi mới sáng tạo gắn với ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi; các cuộc thi tin học trẻ không chuyên, sáng tạo khoa học kỹ thuật đã thật sự là sân chơi bổ ích, lý thú trong đông đảo học sinh.

Công tác dạy ngoại ngữ và tin học trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả nhất định. Các cuộc thi hùng biện tiếng Anh, Olympic tiếng Anh các cấp, cuộc thi “Tài năng tiếng Anh” góp phần tạo môi trường dạy và học tiếng Anh thân thiện, hỗ trợ giáo viên và học sinh nâng cao năng lực ngoại ngữ, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng dạy và học. Các trường học đã tổ chức dạy học môn tin học bắt buộc cho học sinh lớp 3 và học sinh trung học, bảo đảm các yêu cầu được quy định trong Chương trình GDPT 2018.

Chất lượng giáo dục học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật. Các trường học trên địa bàn thành phố Kon Tum, huyện Sa Thầy và huyện Kon Rẫy đã đưa tiếng Ba Na, Gia Rai vào dạy trong chương trình tự chọn cho học sinh DTTS tiểu học lớp 3, lớp 4 và lớp 5 từ năm học 2008-2009 đến nay. Việc thực hiện công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS mang lại hiệu quả thiết thực đối với học sinh.

Các trường học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Ảnh: TL 

 

Nhờ thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật ở tất cả các bậc học. Ở bậc mầm non, tỷ lệ trẻ mẫu giáo suy dinh dưỡng nhẹ cân hiện còn 4,74% (giảm 5,19% so với năm 2013), tỷ lệ trẻ mẫu giáo suy dinh dưỡng thấp còi hiện còn 6,92% (giảm 1,85% so với năm 2013).

So với 10 năm trước, tỷ lệ học sinh lên lớp và hoàn thành tốt nghiệp các cấp học có sự chuyển biến tích cực, tăng dần theo từng năm. Cụ thể: Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,78%, tăng 0,97%; tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS đạt 99,36%, tăng 1,19%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,78%, tăng 16,09%. Số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia được cải thiện qua từng năm, trung bình đạt 11 giải mỗi năm.

Bà Phạm Thị Trung- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm học 2023-2024, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục chú trọng thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học; trọng tâm là triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10 và lớp 11. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non; thực hiện tốt chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; nhân rộng các mô hình giáo dục hiệu quả trong các trường học như sơ đồ tư duy, gắn dạy học với thực tiễn, dạy học liên môn (giáo dục STEM)                                       

Tấn Lộc

Chuyên mục khác