11/05/2018 07:11
Một buổi chiều đầu tháng 5/2018, có hai người lính già tình cờ ghé thăm phòng làm việc của chúng tôi. Từ ngoài cửa, các ông đã nở nụ cười rất thân thiện và chủ động: Bọn mình là cựu chiến binh Trung đoàn 64, thuộc Sư đoàn 320A trực tiếp tham gia các trận đánh cách đây 46 năm trên dãy Charlie...
Từ lâu đã nghe về trận đánh nổi tiếng này, về những người lính Cụ Hồ, bằng tinh thần quả cảm, ý chí quyết chiến quyết thắng, đã xóa sổ tiểu đoàn dù thiện chiến của Mỹ - Ngụy. Vì vậy dẫu bất ngờ, nhưng chúng tôi vô cùng mừng rỡ.
Sau tách trà nóng khẩn khoản mời khách, chúng tôi tranh thủ “khai thác”: Các bác vào đây thăm lại chiến trường xưa hay có công việc gì hệ trọng không?
- Anh đoán đúng rồi! Chúng tôi về đây xem vùng đất bazan ấy bây giờ đổi thay ra sao, và cái chính là thắp nén tâm hương cho những đồng đội nằm lại.
Nói đến đây hình như có gì lắng đọng trong ký ức, trầm ngâm đôi chút rồi cựu chiến binh Nguyễn Trọng Luân bắt đầu kể về những trận đánh năm xưa. Sức hút từ mỗi chi tiết về quá trình vây ép, tấn công tiêu diệt địch trên dãy Charlie, đưa chúng tôi về một thời binh lửa của cuộc trường chinh giải phóng đất nước.
|
Điểm cao 1015 - Charlie là một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ dày đặc phía tây sông Pô Kô. Nơi đây được Tiểu đoàn dù 11, thuộc lực lượng dự bị chiến lược của Ngụy quyền Sài Gòn chốt giữ. Chúng bố trí công sự dày đặc, nhiều tầng binh, hỏa lực mạnh, hình thành các cụm chốt vòng cung, hỗ trợ cho nhau, lại được pháo và máy bay chi viện ở mức độ cao.
Trận đánh tại điểm cao này bắt đầu vào lúc 10h ngày 12/4/1972. Trung đoàn Bộ binh 64 thuộc Sư đoàn 320A của ta, do Trung tá Khuất Duy Tiến - Trung đoàn trưởng chỉ huy đã nổ súng tấn công.
Ta tập trung hỏa lực dồn dập bắn vào Sở chỉ huy và công sự địch. Quân Ngụy phản kích quyết liệt, thế trận giằng co.
Liên tiếp các ngày sau đó ta bao vây, mở các đợt đột phá dũng mãnh, với quyết tâm tiêu diệt cao điểm này. Địch tử thủ rồi liên tục gọi máy bay oanh tạc dữ dội vào đội hình chiến đấu của ta. Lực lượng phòng không của ta đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay làm cho địch hoảng loạn.
Sau 4 ngày vây ráp, địch thất thủ tháo chạy bị ta chặn các ngả đường truy kích. Đến 13h ngày 15/4/1972, ta đã làm chủ hoàn toàn Điểm cao 1015; diệt gọn Tiểu đoàn 11 Lữ đoàn dù III của địch, bắn rơi 20 máy bay các loại, thu 160 súng và nhiều phương tiện thông tin, quân trang, quân dụng.
Tại Điểm cao 1049 - Detta do Tiểu đoàn dù số 2 (thuộc Lữ đoàn dù II) Quân lực Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ, từ ngày 30/3/1972, Trung đoàn Bộ binh 52 và Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 48), Tiểu đoàn 19 Đặc công thuộc Sư đoàn 320A, do Thiếu tá Hồ Hải Nam - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 52 chỉ huy, cùng với quân và dân địa phương đã tiến hành vây lấn, siết chặt ép địch co cụm.
|
Với tinh thần chiến đấu dũng cảm không quản gian khổ hy sinh, ta đã đánh chiếm Sở chỉ huy địch, làm chủ cao điểm 1049 trong nhiều giờ, tiêu diệt phần lớn Tiểu đoàn dù 2. Nhưng địch tăng cường chi viện từ các điểm cao lân cận, đồng thời dùng máy bay, phi pháo đánh phá dữ dội, nhiều lần phản kích chiếm lại trận địa.
Trận đánh tại cao điểm này diễn ra giằng co và vô cùng khốc liệt. Có 12 máy bay các loại của địch đến chi viện bị ta bắn hạ. Đến ngày 21/4/1972, Tiểu đoàn dù 2 bị tiêu hao phần lớn sinh lực, thất thủ tháo chạy. Trung đoàn Bộ binh 52 của ta đã làm chủ Điểm cao 1049.
Thi thoảng, người lính già Phạm Huy Tưởng ngồi bên cạnh lại bổ sung thêm các chi tiết vào câu chuyện của đồng đội. Ông nói rằng đây là những trận đánh then chốt, mở màn cho chiến dịch Xuân- Hè năm 1972 trên mặt trận Tây Nguyên, nên chiến thắng trong các trận đánh này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đặc biệt là hạ uy thế của cái gọi là “lực lượng tin cậy nhất trong các lực lượng dự bị quốc gia chiến lược” của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Phá vỡ tuyến phòng thủ phía tây sông Pô Kô của địch, đánh bại âm mưu ngăn chặn của chúng, góp phần quan trọng tạo thế phát triển cho toàn chiến dịch. Tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị bạn tiến công giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh.
Ngoài sân, cơn mưa đầu mùa bất chợt ào đến, hình như muốn tạo điều kiện để chúng tôi được gần lâu hơn những người lính già thần tượng.
Còn nhiều lắm những chi tiết, những tình huống hiểm nguy, sự khốc liệt và cả những khoảng lặng khi hai người lính già nhắc tên đồng đội hy sinh. Rồi chuyện những cựu chiến binh Ban Liên lạc Đại đoàn Đồng bằng - Sư đoàn 320 tự nguyện quyên góp, trực tiếp thi công xây nhà bia tưởng niệm đồng đội trên các điểm cao 1015 và 1049 hiểm trở. Đến nay công trình đã xong, nhưng do thời tiết không thuận lợi, vì vậy lễ khánh thành sẽ được tổ chức ngay dưới chân dãy Charlie một thời hoa lửa.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng các thế hệ người Việt Nam sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, để chúng ta có được một đất nước hoà bình, độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.
Trần Văn Tiên