24/10/2018 13:05
Ghé thăm Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, Trường Trung học cơ sở Bế Văn Đàn ở thôn 4 (xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai) vào một buổi trưa nắng, chúng tôi gặp anh Nông Văn Kế trú tại thôn 8 (xã Ia Đal). Anh Kế đang ngồi đợi 2 đứa con gái tan học để đón về.
Anh Kế tâm sự: Cứ đều đặn sáng sớm thứ 2 hằng tuần, tôi lại chở các con vượt quãng đường đồi núi hơn 30km để đi học, đến thứ 6, lại ra trường đón các con về. Hiện tại, mùa khô nên việc đi lại dễ dàng, không như mùa mưa rất khó khăn, phải đi mất mấy tiếng mới ra đến nơi.
“Mấy ngày không gặp nhớ chúng nó lắm! Hai con của tôi, một cháu học lớp 1, một cháu học lớp 3, tuy các cháu còn nhỏ, đi học nội trú xa gia đình, nhưng tôi rất yên tâm vì đã có các thầy cô luôn quan tâm, ân cần và chăm sóc các cháu” - anh Kế nói.
|
Anh Kế quê ở xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Năm 2012, anh cùng vợ và 2 con vào xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai lập nghiệp.
Cũng giống như anh Kế, hầu hết các phụ huynh đang có con em học tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện và Trường Trung học cơ sở Bế Văn Đàn đều ở các tỉnh miền Bắc vào lập nghiệp. Họ đều là cán bộ, nhân viên, người lao động của Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) - đơn vị trồng và khai thác mủ cao su trên địa bàn xã Ia Đal.
Ở xã Ia Đal, Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện và Trường Trung học cơ sở Bế Văn Đàn đang phải dùng chung một cơ sở. Trường Trung học cơ sở Bế Văn Đàn được thành lập từ tháng 9/2017, tuy nhiên đến nay, cơ sở vật chất vẫn chưa được xây dựng, nên trường phải mượn tạm 6 phòng học của Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện để phục vụ cho công tác dạy và học.
Thầy giáo Trịnh Văn Huy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện cho biết: Hầu hết gia đình của các em đều ở các thôn rất xa so với trường. Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nguyện vọng của các phụ huynh, năm 2014, Ban giám hiệu nhà trường cùng Chi nhánh 716 đã phối hợp làm nhà ở nội trú cho các em.
Từ các nguồn xã hội hoá, ngôi nhà được dựng tạm bằng gỗ, có 4 phòng với tổng diện tích gần 100m2. Hiện nay, đang có 88 em cấp tiểu học và 32 em cấp trung học cơ sở ở nội trú tại đây.
Để chăm lo cho cuộc sống của các em, đơn vị 716 bố trí 3 “cô nuôi” và 1 cán bộ y tế phụ trách sức khoẻ. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu 2 trường cũng phân công các thầy cô thay phiên nhau theo dõi, chăm sóc việc ăn ở cho các em, nhất là các em lớp 1 và các em mới ở nội trú năm đầu.
Khu nội trú được xây dựng ngay sau lớp học, trước các phòng ở là dãy bàn ăn, một ngày các em học sinh ở đây được các cô nuôi nấu ăn 3 bữa với đầy đủ với các món, cá, thịt, canh rau…
Bên trong mỗi phòng ở của khu nội trú, những chiếc giường tầng cùng tủ đồ cá nhân được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Để tiện cho việc chăm sóc và quản lý học sinh, các cô nuôi, cán bộ y tế cũng chia nhau ở 4 phòng cùng các em.
Em Lô Văn Quyến học sinh lớp 7, nhà ở thôn 8 (xã Ia Đal) cho hay, em và 4 bạn nữa ở chung trên 2 chiếc giường tầng ghép lại. Đầu giường là kệ sách, chỗ treo quần áo, cuối giường là bàn học của các em. Ở đây, các em đều tự giác thức khuya dậy sớm để học bài, tự giặt giũ quần áo… Ngoài giờ lên lớp, buổi chiều các em còn tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao như đá bóng, đá cầu nên rất vui.
Bên cạnh việc học hành, giờ giấc sinh hoạt của các em cũng được đưa vào nề nếp. Buổi tối từ 19h đến 21h, là thời gian tự học trên lớp, kết thúc buổi tự học, hồi trống vang lên cũng là lúc các em quay trở lại phòng của mình để chuẩn bị đi ngủ.
Em Lương Thị Thanh Hương học sinh lớp 9, nhà ở thôn 2 (xã Ia Đal) cho biết, thời gian đầu ở nội trú, em nhớ nhà và chưa quen với nếp sinh hoạt. Được các thầy cô quan tâm, em nhanh chóng hoà nhập với môi trường mới, yên tâm học tập. Em sẽ cố gắng học tập, phấn đấu thi đậu Trường Dân tộc nội trú tỉnh.
Thầy giáo Trịnh Văn Huy cho biết thêm, ngoài nơi ở, giường, chăn mền, dụng cụ sinh hoạt…, các em ở nội trú còn được hỗ trợ gạo, tiền ăn và học phí theo Nghị định 116 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Nói về khó khăn, thầy Đỗ Việt Hưng – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bế Văn Đàn bộc bạch, không riêng gì nhà trường, các trường khác trên địa bàn xã Ia Đal đang bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hiện tại, nhà trường chỉ có 1 giếng đào và 1 giếng khoan, nhưng vẫn không đủ nước để sử dụng.
Ở Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện và Trường Trung học cơ sở Bế Văn Đàn, ngoài các em ở nội trú, số lượng em bán trú cũng nhiều. Hằng ngày, các em được gia đình chuẩn bị cơm mang theo, buổi trưa thì nghỉ tại lớp, đến chiều tan học có xe đến đón các em về.
“Phụ huynh nơi đây rất quan tâm đến việc học chữ của con em mình, do vậy các gia đình đã thống nhất cùng nhau hợp đồng thuê xe để đưa đón các em đi học hằng ngày được thuận lợi và an toàn” - thầy Đỗ Việt Hưng nói.
Dù phải sớm xa nhà khi tuổi đời còn nhỏ, nhưng các em học sinh ở nội trú nơi đây được rèn giũa lối sống kỷ luật, sớm hình thành thói quen tự giác và tự lập. Nhìn con em của mình ăn ở ổn định, say sưa học tập, các phụ huynh ở xã Ia Đal yên tâm tập trung phát triển kinh tế gia đình.
Bài, ảnh: Đức Thành