Chặn Covid-19 trước khi tái bùng phát

25/04/2023 06:13

Trong bối cảnh số ca Covid-19 gia tăng, Bộ Y tế cảnh báo về nguy cơ dịch chồng dịch, yêu cầu các địa phương chuẩn bị kịch bản ứng phó, thì việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đông người vẫn là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng, chống Covid-19.

Ngày 19/4, Bản tin phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế cho biết cả nước có 2.159 ca mắc mới, tiếp tục đà tăng của các ngày trước đó. Đây là ngày có số ca mắc cao nhất trong hơn nửa năm qua.

Trong một công văn mới đây, Bộ Y tế  đề nghị các tỉnh thành theo dõi sát tình hình, đánh giá cấp độ dịch, lên kịch bản ứng phó kịp thời. Khuyến cáo người đeo khẩu trang, khử khuẩn khi đến cơ sở y tế, trên phương tiện giao thông công cộng và tại địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ sắp tới.

Như vậy, sau nhiều tháng dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, hàng loạt quy định về phòng dịch được dỡ bỏ, mọi hoạt động kinh tế-xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân trở lại bình thường, thì “tiếng chuông” cảnh báo lại được gióng lên trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em và các đối tượng có nguy cơ cao. Ảnh: H.L

 

Ở tỉnh ta, theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tốt, trong tháng 3/2023, không ghi nhận ca mắc mới, giảm 1 ca so với tháng trước, giảm 19.936 ca so với tháng 3/2022.

Lũy tích từ đầu năm đến ngày 31/3/2023, không có tử vong, ghi nhận 1 ca mắc, giảm 26.478 ca so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, 102/102 xã, phường, thị trấn thuộc vùng xanh (cấp độ I); trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc biến thể mới của SARS-CoV-2.

Về chủng vắc xin phòng Covid-19, báo cáo của Sở Y tế cho hay tỷ lệ tiêm đủ liều vắc xin cơ bản trên tổng dân số 82,91%. Trong đó, đối tượng ≥ 18 tuổi tiêm mũi 1 đạt 99,59%, mũi 2 đạt 98,62%, tiêm liều bổ sung đạt 96,68%, tiêm liều nhắc lại lần 1 đạt 92,35%, lần 2 đạt 100%.

Đối tượng 12 tuổi - 17 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 99,89%, mũi 2 đạt 97,23%, tiêm liều nhắc lại đạt 94,02%; đối tượng 5 - dưới 12 tuổi, đã tiêm mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 96,89%.

Dù vậy, trong xu hướng chung, dịch Covid-19 vẫn còn trong cộng đồng và nguy cơ tái bùng phát là rất cao, nhất là dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới đây. Thực hiện nghiêm túc thông điệp 2K (khẩu trang và khử khuẩn) là cách tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ này- Sở Y tế khuyến cáo.  

Đáng lo ngại là nhiều người, thậm chí là rất nhiều người, lại không cho là như vậy!

Tôi nhìn thấy tâm lý “xả hơi”, chủ quan sau thời gian dài chống dịch căng thẳng đang hiện diện khắp nơi xung quanh mình.

Tại siêu thị Co.opmart Kon Tum, một thanh niên đã tỏ ra ngạc nhiên và khó chịu khi tôi hỏi về chuyện không đeo khẩu trang.

Chú không thấy tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hay sao mà lại bắt người ta cứ phải đeo khẩu trang khi ra ngoài đường? Phiền muốn chết- cậu ta nói.

Cuộc sống đã và đang dần trở lại bình thường. Thật vui khi được đi làm, đi học, đi chơi, đi mua sắm với tâm thái nhẹ nhàng, thoải mái. Nhưng điều đó không có nghĩa là đã  không còn nỗi lo dịch bệnh.

Trong suốt thời gian dài chống dịch, chiếc khẩu trang luôn là vật bất ly thân của tôi. Đến bệnh viện, tham gia giao thông công cộng, đi tác nghiệp, hay xuống cơ quan làm việc, tôi luôn tuân thủ nguyên tắc “đeo khẩu trang”.

Vì vậy, tôi đã “thoát” khỏi Covid-19 rất nhiều lần, dù tiếp xúc gần với F0. Chỉ đến khi dự đám cưới con trai đồng nghiệp, tất nhiên là không thể đeo khẩu trang ngồi bàn tiệc được, tôi mới lây bệnh.

Hiện tại, dù đã đi qua thời kỳ căng thẳng của đại dịch, cuộc sống trở lại bình thường, nhưng khi làm việc ở cơ quan, hay đi làm ở bất cứ đâu, tôi vẫn đeo khẩu trang.

Không chỉ có tác dụng với phòng Covid-19, việc đeo khẩu trang là có lợi, khi giúp tôi bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm môi trường, khói bụi và các tác nhân gây hại khác.

Kể lại chuyện này để tiếp tục khẳng định rằng, tác dụng bảo vệ của khẩu trang là rất lớn.

Đeo khẩu trang khi ra đường để phòng dịch. Ảnh: H.L

 

Cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đánh giá Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, sự biến đổi và xuất hiện của các chủng virus mới.

Ở nước ta, Bộ Y tế vẫn chưa công bố hết dịch Covid-19, nghĩa là bệnh Covid-19 vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng.

Hơn nữa, nhiều người lơ là không đeo khẩu trang, kèm theo thời tiết giao mùa là “môi trường” thuận lợi để vi rút SARS-CoV-2 phát triển, diễn biến phức tạp và bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào, đe dọa sức khỏe, tính mạng con người và tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống.

Hẳn là chưa ai trong chúng ta có thể quên những ngày tháng gian nan chống dịch, không chỉ tốn kém công sức, tiền của mà còn gây thiệt hại nặng nề đến mọi lĩnh vực.

Vì vậy, triển khai kịp thời, quyết liệt các biện pháp phòng, chống không để dịch bùng phát trở lại chính là mệnh lệnh cần được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Trong đó, các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19, theo dõi sát tình hình dịch để kịp thời ứng phó, tránh tái bùng phát. Các đơn vị tổ chức giám sát tại cửa khẩu, phát hiện sớm người nhiễm, nghi nhiễm để cách ly điều trị.

Đẩy mạnh tiêm chủng phòng Covid-19, nhất là trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, những người có nguy cơ mắc bệnh cao, đảm bảo người dân được tiêm chủng đúng lịch, đầy đủ, an toàn. Cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng hậu cần, thuốc men, kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất ca tử vong.

Trường học là nơi nguy cơ cao lây nhiễm và tạo thành chùm ca bệnh. Do đó, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục; khử khuẩn trường lớp; có phương án phòng, chống dịch linh hoạt, hiệu quả, dạy học hợp lý, đồng thời rà soát tiến độ tiêm vắc xin cho học sinh.

Đặc biệt, người dân cần đeo khẩu trang trong các cơ sở y tế, trên phương tiện giao thông công cộng và tại những địa điểm, sự kiện tập trung đông người, nhất là trong dịp nghỉ lễ sắp tới.

Trước hết là vì mình, sau là vì mọi người!

Hồng Lam

Chuyên mục khác