26/02/2019 13:02
1. Như một duyên nợ, nhiều năm nay, cứ đến áp Tết, tôi lại lên biên giới, đến với những chiến sĩ Biên phòng. Hết Sa Thầy đến Ngọc Hồi, Ia H'Drai. Và năm nay là Đăk Glei...
Cuối Đông, đầu Xuân, bướm vàng bay rập rờn trên những đoạn đường núi quanh co uốn lượn. Cậu chiến sĩ Biên phòng A Khiêu ngồi bên cứ ngọ nguậy mấy đầu ngón tay. Đẹp quá anh ạ, em muốn vẽ một cái gì đó. Từ nhỏ đến giờ em mê vẽ, mọi người cũng nói em vẽ được. Mùa này, cứ như suy nghĩ của nhiều người thì Tây Nguyên đẹp nhất trong năm đấy- cậu háo hức nói.
Tôi cũng đi trong nỗi hớn hở háo hức ấy. Biên giới, trong cảm hứng của tôi, gian khó mà tự hào, luôn ngọt ngào tha thiết và quyến rũ, mời gọi lạ kỳ.
Đến là chịu với cánh nhà văn, nhà báo các cậu - ngồi ghế trên, Trung tá Hoàng Ngọc Thắm - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đăk Long quay xuống nói: Bọn mình ngày đêm bám trụ ở đó, chỉ thấy đặc sản là nắng đỏ góc trời. Ngày bận tối tăm mặt mũi, tối đặt lưng xuống, có mơ cũng chỉ mơ về công việc. Thế mà ông nào lên cũng thấy đẹp, thấy hấp dẫn...
Còn tôi, lên biên giới vào những ngày xuân này, tôi thấy gì?
"Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" - câu khẩu hiệu quen thuộc ấy được treo ở bất cứ đồn Biên phòng nào. Nhưng phải lên cùng ăn cùng ở với các chiến sĩ Biên phòng mới hiểu hết ý nghĩa của nó.
|
Ông ạ, đọc thuộc lòng, hô khẩu hiệu thì ai cũng làm được, có điều làm thế nào để đồn là nhà, biên giới là quê hương? Làm thế nào để tạo dựng mối quan hệ thân tình, khăng khít, ruột thịt với bà con? Đây lại là một quá trình rèn luyện, không phải cứ cho anh em chiến sĩ học thuộc lòng, rồi hô vang như khẩu hiệu là có - Đồn trưởng Thắm cởi mở.
Đã từng đi nhiều đồn Biên phòng, tôi hiểu đó cũng là mục tiêu chung, là quyết tâm lớn của các anh. Với người lính Biên phòng, cắm chốt, bám làng, sống với dân là công việc thường ngày.
“Lính Biên phòng cũng lạ lắm - Trung tá, Chính trị viên Nguyễn Văn Ngự chia sẻ - đôi khi cầm giấy về phép với vợ con nhưng còn canh cánh trong lòng, liệu đơn vị, địa bàn có vấn đề gì xảy ra không, lãnh đạo có cần mình việc gì không? Hơn nữa, một phần cũng bởi cuộc sống nơi biên giới xa dường như đã ngấm vào máu thịt, nên đôi khi trở về nhà có mấy ngày với vợ con, lại thấy nhớ biên giới đến da diết”.
Hay như cậu chiến sĩ A Khiêu đây, do có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ nên được thưởng mấy ngày phép, về ăn Tết với gia đình. Vui vẻ, tung tẩy lắm, hát hò suốt. Thế mà về hôm trước, hôm sau gọi điện lên nói "em nhớ đơn vị quá. Với lại, ngày Tết, đồng đội vẫn đang vất vả làm thay nhiệm vụ của mình, trong khi mình lại được nhởn nhơ đi chơi, thấy có lỗi lắm", rồi báo cáo xin được trở lại đơn vị...
"Đồn là nhà" là vậy, còn "đồng bào các dân tộc là anh em" cũng thế, phải trải qua quá trình bồi đắp, vun trồng. Người lính biên phòng, bằng sự từng trải của mình rất thấm thía điều đó. Có lẽ chính vì thế, chẳng ai hiểu dân, thương dân ở biên giới bằng họ. Tôi nói ra điều này bằng những gì mắt thấy, tai nghe. Nhân dân coi cán bộ, chiến sĩ Biên phòng là người nhà; đồn, trạm biên phòng là địa chỉ tin cậy để tìm đến giãi bày những nỗi vui buồn, khúc mắc đời thường.
Ở Mô Rai (huyện Sa Thầy), tôi được tận mắt chứng kiến mấy cặp trai gái người Rơ Măm lên hỏi ý kiến Bộ đội Biên phòng trước khi kết hôn. Thỉnh thoảng, có gia đình bất hòa cũng tìm đến cán bộ Biên phòng nhờ giải quyết; trong làng, ai xích mích, giận hờn nhau không phân xử được cũng nhờ bộ đội.
Đó là những việc nhỏ, còn việc lớn như triển khai các dự án, mô hình trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng đời sống mới, phòng chống tệ nạn xã hội... thì Bộ đội Biên phòng vừa là người tham mưu cho địa phương, vừa là người cầm tay chỉ việc cho dân. Không ít cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thành "kỹ sư nông nghiệp", hướng dẫn bà con trồng lúa nước, cây ăn quả; làm thầy giáo dạy chữ.
Cũng chẳng có gì lạ, khi nhân dân trở thành tai mắt của Bộ đội Biên phòng; dân quân vùng biên sát cánh tuần tra cột mốc với bộ đội, người dân tự giác thông báo với bộ đội khi có người lạ vào khu vực biên giới...thì nhất cử nhất động ở vành đai biên giới, người lính Biên phòng đều nắm trong lòng bàn tay mình.
2. Chúng tôi đến Đồn Biên phòng Đăk Long vào buổi trưa. Giữa cái quầng nắng hừng hực như thiêu như đốt vùng biên giới, Đồn Biên phòng Đăk Long nổi lên như một ốc đảo xanh, bởi cây cối và khu tăng gia.
Áp Tết, ngoài một chút chộn rộn ở nhà bếp, nơi chiến sĩ nuôi quân, cán bộ hậu cần đang tất bật với lá dong, gạo nếp, các loại nhu yếu phẩm, còn lại ở đây nếp sống vẫn như cũ. Các tổ tuần tra vẫn đều đặn lên đường, tổ công tác địa bàn vẫn bám cơ sở, khu tăng gia vẫn cần bàn tay chăm sóc của chiến sĩ...
Chuyện Tết nhất đã có các thủ trưởng lo rồi, bọn em ấy à, chỉ có nhiệm vụ bám cơ sở, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu thôi- mấy cậu lính trẻ tếu táo nói. "Với lại tăng gia nữa"- một cậu rụt rè nói thêm.
|
Đồn phó Nguyễn Minh Hùng cười cười: Lính Biên phòng thường không có khái niệm nghỉ Tết. Quân số trực Tết phải đảm bảo theo yêu cầu nhiệm vụ, trừ những trường hợp đặc biệt có cha mẹ già, vợ mới cưới mới được về quê ăn Tết…
"Ở lại”, đó là một mệnh lệnh từ trái tim của những người “lính quân hàm xanh” trong những ngày Tết. Nói như A Khiêu, có về nhà ăn Tết cũng không yên lòng khi đồng đội đang ngày đêm canh giữ biên giới.
Ở lại, họ không chỉ đón một mùa Xuân cho riêng mình mà canh giữ vùng biên giới thiêng liêng của đất nước cho nhân dân được “vui Xuân, đón Tết” trong sự bình yên, hoan hỷ.
Từ cổng Đồn Biên phòng Đăk Long, chỉ cách một con đường rộng chừng 6 mét là đến nhà dân. Đồn trưởng Hoàng Ngọc Thắm rủ tôi xuống thôn Vai Trang mừng A Nghi có nhà mới. Mặc cho nắng rát, chạm tới mùa Xuân, cây rừng như bừng tỉnh, hoa nở dọc đường, lá non như những chùm nến sáng bừng lên, làm lòng người thêm háo hức.
Trong nhà A Nghi, chúng tôi quây quần bên chén rượu đầu Xuân cùng chủ nhà. A Nghi là hộ nghèo, trong đợt mưa bão cuối tháng 8/2018, ngôi nhà xập xệ của gia đình bị nước lũ cuốn trôi trong đêm, từ sự vận động của Đồn Biên phòng Đăk Long và Văn phòng UBND tỉnh (đơn vị đỡ đầu xã), Công ty Cổ phần Đường Kon Tum đã hỗ trợ anh xây nhà mới. Vậy là Tết năm nay, nhà A Nghi vui, cả làng Vai Trang đều vui.
Chúng tôi nâng cần rượu do vợ A Nghi tự ủ lấy, chúc mừng năm mới gia chủ và nghe kể chuyện bà con đón Tết. Đồn trưởng Thắm và Chủ tịch UBND xã- A Thai tranh thủ bàn về việc người dân cùng tham gia phát quang đường tuần tra, giúp cho quân và dân cùng đi lại dễ dàng hơn. Hương rượu ủ khéo thơm nồng nàn kéo câu chuyện rôm rả dài ra mãi, chẳng còn khoảng cách nào giữa nhiệm vụ của người lính và tình yêu của đồng bào với cột mốc, đường biên.
Ngồi bên cạnh tôi, Thiếu tá A Tỉnh - được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy xã - đang ghi ghi chép chép trong cuốn sổ tay. Có lẽ anh đang bận rộn với cả núi công việc, từ chống rét cho trâu bò, bố trí lực lượng đi tuần tra đường biên với bộ đội, đến lo Tết cho hộ nghèo, chuẩn bị ra quân đầu năm...
Ngoài sân, anh em chiến sĩ trẻ xúm xít hướng dẫn mấy cô gái trong làng gói bánh chưng. Họ vừa làm vừa hát nghêu ngao “như hoa phong lan chờ đợi, mưa gió không phai tàn”…
Tết này A Nghi mổ heo to nhé khao làng nhé. Có tiếng ai đó oang oang ngoài sân. Câu chuyện của mọi người lại xoay quanh 3 ngày Tết.
Tôi thấy mình đã chạm tay vào mùa Xuân mới nơi biên giới!
Bài và ảnh: Thành Hưng