Chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi

02/10/2023 13:08

Tháng 10 hằng năm, được biết đến là Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam. Thông điệp “Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ” của Tháng hành động năm nay như lời nhắc nhở về bổn phận, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội trong việc quan tâm, chăm lo đối với những “cây cao bóng cả”.

Theo quy luật của cuộc sống, mọi người sinh ra, lớn lên rồi cũng sẽ già đi và tất yếu hầu hết đều phải trải qua giai đoạn cao tuổi. Dù sức khỏe, trí tuệ đều giảm sút, song trong gia đình và ngoài xã hội, người cao tuổi vẫn có vai trò và vị trí hết sức quan trọng. Họ không những là người chỉ đường, dẫn dắt thế hệ sau mà còn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức và luôn nỗ lực đóng góp tích cực cho hoạt động của cộng đồng.

 
Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi luôn được quan tâm. Ảnh: TH

 

Suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn dành nhiều sự quan tâm, chăm lo và có nhiều chính sách giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho người cao tuổi. Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định lấy tháng 10 hằng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, toàn xã hội trong việc chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò, đóng góp tích cực của người cao tuổi trong gia đình, xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có hơn 43.900 người cao tuổi, chiếm khoảng 7,33% dân số. Thời gian qua, cùng với việc triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều chương trình, hoạt động chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy vai trò, kinh nghiệm của mình trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Đặc biệt, năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 788/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 (ngày 21/3/2022) nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia đầy đủ vào các hoạt động của xã hội, tiếp tục phát huy truyền thống chăm lo và kính trọng người cao tuổi, phát huy đầy đủ vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ đó, người cao tuổi luôn nêu cao tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”, thể hiện được vai trò, vị thế là chỗ dựa vững chắc, động lực góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều người đã trở thành những điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi, tham gia giữ gìn an ninh trật tự và các hoạt động ở địa phương.

 Chỉ tính riêng trong lĩnh vực kinh tế, toàn tỉnh có hơn 15.000 hội viên người cao tuổi đang tham gia sản xuất, làm kinh tế; trong đó, có 868 người đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi các cấp (giai đoạn 2018 - 2023). Điều này không chỉ giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích mà còn góp phần lan tỏa tinh thần hăng say trong lao động, thi đua phát triển kinh tế, dám nghĩ dám làm cho thế hệ sau.

Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc sống của một bộ phận người cao tuổi, nhất là người già ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn khó khăn. Nguồn lực thực hiện công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ở nhiều nơi còn hạn chế. Nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm chăm lo đến vật chất và tinh thần cho người cao tuổi, thậm chí có người còn bị bạo hành, ngược đãi.

Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam chính là dịp cao điểm để các cấp, ngành, các đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, thể hiện sự quan tâm nhiều hơn với người cao tuổi, nhất là các trường hợp có đời sống khó khăn, không nơi nương tựa để tất cả người cao tuổi được chăm sóc tốt nhất; phát huy vai trò, có thêm nhiều đóng góp cho xã hội.

Có thể nói, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi là bổn phận, trách nhiệm và đạo lý của cả xã hội. Đồng thời, điều này thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc là “Kính già, trọng thọ”.

Thiên Hương

Chuyên mục khác