Chăm lo xây dựng khu vực biên giới tỉnh Kon Tum vững mạnh

28/02/2019 06:12

Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, có đường biên giới Quốc gia dài 292,522km; trong đó, tiếp giáp với Lào 154,222km, Campuchia 138,3km; có cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, 1 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu phụ. Khu vực biên giới có 106 thôn thuộc 13 xã của 4 huyện với 15.342 hộ/55.948 khẩu, gồm 21 thành phần dân tộc, trong đó, đồng bào DTTS chiếm trên 78,28%.

Trong những năm qua, nhất là từ năm 2009-2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiện quả Quyết định số 16/HĐBT, ngày 22/2/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), 5 nội dung ngày Biên phòng toàn dân theo Chỉ thị số 394/CT-TTg, ngày 2/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh; bám sát tình hình thực tế từng địa bàn, xác định chủ trương và cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với đặc thù của tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là các huyện biên giới… Quan tâm đầu tư triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội kết hợp củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh.

Đồng chí Đại tá A Miên- Chính ủy BĐBP tỉnh trao thưởng cho các tập thể đạt Danh hiệu đơn vị Quyết thắng năm 2018

 

Triển khai Quyết định của Chính phủ về việc thành lập huyện Ia H’Drai và 3 xã: Ia Dom, Ia Đal, Ia Tơi; Đề án di dân tái định cư dọc hai tuyến biên giới; quy hoạch chi tiết trung tâm hành chính các huyện biên giới, các điểm dân cư, làng nghề và các khu chức năng dọc hành lang Quốc lộ 14 và 14C gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, lãnh đạo, chỉ đạo các ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang của tỉnh kết nghĩa, đỡ đầu, giúp các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo trên khu vực biên giới với đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau. Chỉ đạo lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ; xây dựng kế hoạch hiệp đồng, phối hợp trao đổi thông tin, tình hình về biên giới, địa bàn; thống nhất chủ trương, phương án xử lý các tình huống xảy ra, bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực phòng thủ; giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm...; Phát huy tốt vai trò của nhân dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phát hiện, cung cấp thông tin và tham gia cùng các lực lượng chức năng đấu tranh với các loại tội phạm trong khu vực biên giới.

Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và chỉ đạo của UBND tỉnh, các ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang đã phối hợp xây dựng nhiều công trình, mô hình, phần việc giúp chính quyền và nhân dân các xã biên giới phát triển kinh tế, xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín và nhân dân tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Hiện nay, 13/13 xã có đường giao thông đến được trung tâm xã và kết nối đến các thôn làng; 100% trường, lớp học được xây dựng cơ bản; có 13 trạm y tế với 11 bác sĩ, 24 y sĩ, 29 y tá; có hệ thống loa truyền thanh, sóng truyền hình và sóng điện thoại di động; 100% thôn làng đều có chi bộ; 61/106 thôn làng đạt danh hiệu thôn (làng) văn hóa, 2 khu dân cư tiên tiến, 7.525 gia đình văn hóa; có 46 thôn làng, 193 hộ gia đình, 154 cá nhân thuộc 13 xã biên giới đăng ký tham gia tự quản 288,922km đường biên giới, 84 mốc quốc giới; 90 tổ/685 hộ gia đình đăng ký tham gia tự quản an ninh trật tự thôn làng.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác quan hệ đối ngoại với chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới phía đối diện của Lào, Campuchia. Tổ chức kết nghĩa 4 cụm thôn-bản dân cư hai bên biên giới; kết nghĩa giữa các đồn Biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới của Lào; đề nghị Chủ tịch nước ký Quyết định nhập Quốc tịch cho 1.066 người Lào trên khu vực biên giới huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei; chủ động triển khai thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia; tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới biên giới Việt Nam-Lào.

Quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về ‘‘Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia’’; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ liên hoàn vững chắc với xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân các xã biên giới; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động phát hiện, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Theo đó, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới trước mắt và lâu dài; quy hoạch ổn định các vùng chuyên canh sản xuất, khu định canh, định cư cho nhân dân tại chỗ và người dân từ nơi khác được chuyển đến, gắn với chủ trương phát triển các vùng kinh tế trọng điểm trên biên giới, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh. Tăng cường quan hệ đối ngoại với chính quyền, nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới của Lào, Campuchia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển.

 A Miên

 

Chuyên mục khác