Chăm lo phát triển vùng đồng bào DTTS

19/04/2021 06:05

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chăm lo phát triển vùng đồng bào DTTS và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương bền vững.

Già làng A Vơng ở thôn Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) vui mừng kể: Từ ngày thành lập huyện đến nay, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đường sá từ thôn làng ra đến trung tâm huyện lỵ được bê tông hóa, đi lại rất thuận tiện. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp làm ra không còn khó khăn như trước, đời sống người dân ngày càng khấm khá hơn.

Già làng U Ả, trú tại xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy phấn khởi: Ruộng đồng của thôn nước về quanh năm nên cây lúa phát triển tốt, bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa cao, không ai còn bị đói nữa. Nước sinh hoạt được Nhà nước đầu tư bể chứa và lấy nước từ trên cao đưa về khu dân cư nên nước trong và sạch, bảo đảm an toàn cho dân sử dụng.         

Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh tâm sự: Từ khi thành lập lại tỉnh (năm 1991) cho đến nay, đã có nhiều chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào DTTS ở tỉnh ta. Nhờ vậy, đến nay, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS thay da đổi thịt, đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào các DTTS được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Nhà nước tăng cường đầu tư, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS ngày càng bền vững.

Phụ nữ dân tộc Giẻ- Triêng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) truyền dạy cho nhau nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: T.V.P

 

Cụ thể, Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ tỉnh ta trên 74 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, làng đặc biệt khó khăn.

Đảng, Nhà nước quan tâm đến người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, năm 2020, Nhà nước đã đầu tư 2,86 tỷ đồng để động viên người có uy tín bằng vật chất, cấp báo để đọc, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và học tập kinh nghiệm. Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức thăm hỏi 1.082 người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; thăm viếng người có uy tín, thân nhân người có uy tín qua đời và người có uy tín ốm đau, gặp khó khăn do ảnh hưởng thiên tai...

Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020, tỉnh ta được Nhà nước hỗ trợ trên 2,1 tỷ đồng. Bằng nguồn kinh phí đó, Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 729 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 37 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 114 hộ.

Đối với việc Nhà nước hỗ trợ 1,61 tỷ đồng theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với UBND xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi) và xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) tổ chức truyền dạy nhạc cụ dân gian cho 74 đại biểu là dân tộc Rơ Măm, Brâu; đồng thời chuyển giao kiến thức, kỹ năng trồng và chăm sóc cây ăn quả, chăm sóc bò sinh sản cho các thành viên tổ hợp tác và hỗ trợ các nhạc cụ truyền thống, trang phục cho các đội văn nghệ trong tỉnh.

Đối với việc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 -2020” có số vốn đầu tư 328 triệu đồng, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại xã Kroong (thành phố Kon Tum), Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông), Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô), Ngọc Linh (huyện Đăk Glei); đồng thời, tổng kết 2 mô hình không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) và xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) rất có hiệu quả.

Dự án Care cấp kinh phí hỗ trợ tỉnh ta gần 568,6 triệu đồng, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với Hội LHPN tỉnh triển khai mô hình nuôi bò vỗ béo cho hộ nghèo DTTS tại xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) và hỗ trợ Tổ hợp tác sản xuất của phụ nữ dân tộc trồng hồng đẳng sâm tại xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông).

Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum” giai đoạn 2017-2020 hỗ trợ tỉnh ta 445 triệu đồng, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại các xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi), Đăk Man (huyện Đăk Glei), Ngọc Wang (huyện Đăk Hà), Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) và Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum); hỗ trợ 142 bộ khung dệt cho các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ vùng đồng bào DTTS ở tỉnh ta thiết thực và hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

“Nhờ đó, tính đến đầu năm 2021, toàn tỉnh chỉ còn 13.688 hộ nghèo DTTS, chiếm tỷ lệ 18,75% và chỉ còn 2.034 hộ nghèo đa chiều theo từng chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản là người DTTS, chiếm tỷ lệ 2,79% so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh chỉ còn 7.569 hộ cận nghèo DTTS, chiếm tỷ lệ 10,37% so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh. Đây thực sự là một bước tiến quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh”- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Quốc Tuấn khẳng định.

Hà Nguyên

Chuyên mục khác