Chăm lo gia đình chính sách, người có công

27/07/2017 05:59

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, phóng viên Báo Kon Tum đã phỏng vấn ông A Kang – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội về công tác thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.

- Với vai trò lãnh đạo đầu ngành Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, ông đánh giá như thế nào về công tác chăm lo, thực hiện các chính sách ưu đãi người có công cách mạng trên địa bàn trong thời quan qua?  

Ông A Kang: Số liệu thống kê đến đầu năm nay, dân số toàn tỉnh có khoảng 510 ngàn người, trong đó có trên 40 ngàn đối tượng là người có công tiếp tục được các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm, chăm lo chu đáo, chi trả kịp thời về chế độ chính sách trợ cấp hàng tháng, với tổng kinh phí thực hiện mỗi năm 160 tỷ đồng, chưa kể các chế độ ưu đãi khác. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với các địa phương rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hỗ trợ người có công cải thiện, xây dựng mới 1.959 căn nhà, theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2014 đến nay.

Những việc làm ý nghĩa trên, ngành đã góp phần cùng các cấp, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh hỗ trợ cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho khoảng 97% số gia đình chính sách. Hộ người có công đã có mức sống ngang bằng, hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 92/102 xã, phường, thị trấn được đánh giá làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Lãnh đạo tỉnh, huyện Đăk Glei thăm, tặng quà gia đình thương binh A Tim (thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei). Ảnh: M.T

 

Đối với 7.078 liệt sĩ đã hy sinh và có phần mộ ở 10 nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh (gồm 1 nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh, 9 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện) và 35 nhà bia, đài tưởng niệm ghi công liệt sĩ được chăm sóc chu đáo thời gian qua. Từ năm 2012 đến nay, ngân sách trung ương và địa phương dành hơn 46,6 tỷ đồng để tu bổ, chỉnh trang, xây dựng mới các nơi thờ cúng liệt sĩ, đảm bảo trang trọng, nhằm ghi công các anh hùng liệt sĩ và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau; thực hiện quy tập 575 hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn.

- Thưa ông, bên cạnh công tác chuyên môn của ngành về thực hiện chính sách ưu đãi người có công, đơn vị đã tiếp nhận sự hỗ trợ của các cấp, ngành, người dân trong và ngoài tỉnh chung sức chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn như thế nào?

Ông A Kang: Sở đã phối hợp thường xuyên, tích cực với Ủy ban MTTQVN các cấp thực hiện tích cực công tác “đền ơn đáp nghĩa”. Hàng năm, từ nguồn vận động của các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, trung ương chuyển về, vào các dịp lễ, tết hay kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ, đơn vị đều tham mưu tỉnh phân bổ về cơ sở tặng quà đến người có công; cũng như tham mưu đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND - UBND - UBMTTQVN tổ chức thăm, tặng quà người có công tiêu biểu với tổng trị giá hơn 19,6 tỷ đồng.

Ở các địa phương, ngành phối hợp chính quyền đẩy mạnh các phong trào vận động xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, đã tiếp nhận nguồn ủng hộ hơn 11,85 tỷ đồng từ cán bộ đảng viên, công nhân viên chức, người lao động, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân. Tất cả nguồn kinh phí có được đều sử dụng tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách, thăm hỏi khi ốm đau, hỗ trợ khám chữa bệnh; trao 188 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng số tiền hơn 146 triệu đồng tặng cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn…

Hàng năm, đơn vị thường xuyên tham mưu tỉnh, phối hợp với chính quyền 10 huyện, thành phố Kon Tum, các sở, ngành tổ chức cho người có công đi tham quan, chăm sóc điều dưỡng tập trung trong tỉnh và ngoài tỉnh, hoặc chi trả chế độ điều dưỡng tại nhà theo quy định đối với các trường hợp vì lý do sức khỏe không đi xa được; xét chọn và đưa người có công tiêu biểu của tỉnh tham dự hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu cấp tỉnh, toàn quốc.

- Quá trình thực hiện từng phần việc, khoản chi trợ cấp có được thanh kiểm tra đảm bảo đúng đối tượng và kịp thời không, thưa ông? 

Ông A Kang: Trên cương vị giám đốc Sở, tôi đảm bảo các mặt công tác, quy trình thực hiện công tác chi trả, ưu đãi người có công thời gian gần đây được theo dõi, kiểm tra sát sao. Đến nay, không có sự thắc mắc, hoặc phàn nàn từ phía thân nhân, người trực tiếp hưởng lợi chính sách về sự chậm trễ, hoặc chi trả không đúng quy định. Đối với cán bộ thực hiện các nhiệm vụ trên, chưa có cá nhân nào vi phạm liên quan.

Giai đoạn 2012-2017, toàn ngành đã tổ chức 8 đợt tập huấn về chính sách cho cán bộ chính sách cấp cơ sở, có 720 lượt cán bộ thực hiện chính sách liên quan được tập huấn, phổ biến, hướng dẫn cụ thể hóa chủ trương, pháp luật về người có công vào thực tế.

Thời gian qua, ngành đã tiến hành tiếp nhận, hướng dẫn trên 40 ngàn đối tượng lập thủ tục hồ sơ để tham mưu cấp có thẩm quyền công nhận là người có công với cách mạng để hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Trong đó, 5.958 người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng, 112 mẹ đã được Đảng và Nhà nước công nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, 342 người là thân nhân liệt sĩ đang hưởng chế độ tuất liệt sĩ, 931 người có công giúp đỡ cách mạng, 1.158 thương binh, 1.834 bệnh binh, 504 người là thân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp tuất thương bệnh binh, 19 người hưởng chế độ cán bộ tiền khởi nghĩa, anh hùng lực lượng vũ trang, thân nhân hưởng tuất tiền khởi nghĩa, 995 người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ dị dạng, dị tật; 139 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày, 52 người là cựu thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hàng tháng… và trên 30 ngàn đối tượng hưởng trợ cấp một lần theo các chính sách người có công.

Tuy nhiên, tôi cũng nhìn nhận, quá trình theo dõi thực hiện công tác chi trả, thực hiện chính sách ưu đãi người có công vẫn có lúc cán bộ nhân viên chưa kiểm soát hết nhiệm vụ được giao. Đó là việc anh chị em chưa chịu khó nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin, chưa cập nhật các phần mềm quản lý thông tin kịp thời đối với các trường hợp đang hưởng chế độ chính sách đã qua đời, hoặc chuyển đi tỉnh khác sinh sống. Do đó, số liệu báo cáo hàng tháng chưa điều chỉnh mới, dẫn đến kinh phí chi trả các trường hợp trên vẫn phân bổ về cơ sở.

Qua các đợt thanh tra, kiểm tra thực tế, đơn vị đã chỉ đạo thu hồi 305 triệu đồng, nhắc nhở hoàn tất các thủ tục chấm dứt chi trả, trên hệ thống quản lý phần mềm của ngành. Công tác này cần được rút kinh nghiệm, thường xuyên chấn chỉnh kịp thời trong hiện tại, đến các năm sau này.

- Xin cảm ơn ông!

Mai Trâm (thực hiện)

Chuyên mục khác