Chăm lo đời sống người dân vùng biên

30/11/2023 06:36

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh chú trọng tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực giúp nâng cao đời sống người dân vùng biên.

Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã duy trì, ký kết mới 16 chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động hướng về người dân vùng biên trên nhiều lĩnh vực đời sống văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ biên giới quốc gia; đồng thời, hướng dẫn các cấp cơ sở tổ chức ký kết, triển khai các chương trình phối hợp ở cấp mình.

Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Ảnh: V.T 

 

Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các huyện, xã có đường biên giới triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị; không xâm nhập, vượt biên, xâm canh, xâm cư, buôn lậu, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép, kết hôn không đúng quy định của pháp luật  Việt Nam và các nước Lào, Campuchia; phát huy tinh thần đoàn kết, hữu nghị lâu đời của Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, vì lợi ích của nhân dân ba nước.

Trong giai đoạn 2019-2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trao tặng 3 căn nhà đại đoàn kết và 30 suất quà (mỗi suất 600.000 đồng) cho 30 học sinh nghèo vượt khó, tổng giá trị 168 triệu đồng; hỗ trợ sinh kế cho hộ dân các xã biên giới tích cực sản xuất, động viên con em đến trường, vượt khó học giỏi, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, ẩm thực truyền thống thu hút hơn 5.000 lượt hộ dân tham gia.

Thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh biên giới, an ninh trật tự thôn làng, xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa, điểm sáng văn hóa. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 336 tập thể thôn (làng), 1.210 lượt hộ gia đình, 1.426 lượt cá nhân thuộc 13 xã biên giới tự nguyện đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc; 4.123 lượt hộ gia đình, cá nhân đăng ký tham gia các tổ tự quản an ninh trật tự thôn (làng).

Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp trong tỉnh đẩy mạnh tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa với các đơn vị, địa phương khu vực biên giới, triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân vùng biên như: Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, thăm, chúc tết các đồn biên phòng, UBND các xã biên giới, trao mái ấm tình thương, hỗ trợ các mô hình sinh kế, học bổng cho phụ nữ, học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Phối hợp hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng biên. Ảnh: VT 

 

Đơn cử, triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao vốn 100 triệu đồng cho 10 hội viên tham gia mô hình “Tổ hợp tác phụ nữ chăn nuôi heo sọc dưa sinh sản”; phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản trị giá 15 triệu đồng tại xã Đăk Plô (huyện Đăk Glei). Tại xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, Hội đã trao vốn cho 2 mô hình sinh kế trị giá 40 triệu đồng, hỗ trợ 2 nhà vệ sinh giá rẻ trị giá 8 triệu đồng; hỗ trợ 25 triệu đồng xây 1 mái ấm tình thương, từ nguồn hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh Đồng Nai.

Thời gian tới, để tiếp tục chăm lo đời sống người dân vùng biên, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục phối hợp, tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự trên khu vực biên giới; kịp thời phát hiện, báo cáo các ngành chức năng xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới; chỉ đạo mặt trận các huyện, xã, thôn có chung đường biên giới đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, tham gia cùng chính quyền hòa giải, giải quyết kịp thời những vấn đề đột xuất, phát sinh; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” để xây dựng nhiều mô hình kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh.

Văn Tùng

Chuyên mục khác