Chăm lo đời sống đồng bào DTTS

09/09/2023 13:04

Sau hơn 32 năm thành lập lại tỉnh, Kon Tum đã vươn lên đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là công tác chăm lo, ổn định đời sống đồng bào DTTS. Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, của tỉnh bằng các chủ trương, chính sách, nguồn lực để phát triển vùng DTTS và sự nỗ lực của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, cuộc sống và diện mạo các thôn, làng vùng đồng bào DTTS đang đổi thay từng ngày.

Là tỉnh miền núi, biên giới với 43 dân tộc sinh sống, trong đó có 7 DTTS tại chỗ và đồng bào DTTS chiếm 54% dân số, Kon Tum luôn xác định thực hiện tốt các chính sách dân tộc, chăm lo đời sống người dân vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Liên tục qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, vấn đề thực hiện chính sách dân tộc, chăm lo đời sống dân sinh vùng đồng bào DTTS được nhấn mạnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: “Ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc, nhất là giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất, 20% trở lên hộ DTTS tham gia vào hợp tác xã; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS góp phần nâng cao đời sống của nhân dân”.

Đổi thay ở các thôn, làng vùng đồng bào DTTS. Ảnh: N.P

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, thời gian qua, các cấp, các ngành cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, ổn định dân cư; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển giáo dục đào tạo; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống…, còn đa dạng, cụ thể, thiết thực trong triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đã giúp cho đời sống dân sinh của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đổi thay khá toàn diện.

Minh chứng sống động sự đổi thay đó có thể nhận thấy rõ từ phương thức sản xuất nông nghiệp, bà con từ bỏ cách canh tác lạc hậu chuyển sang thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Nếu như trước đây, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh chỉ quen với trồng các loại cây lương thực như lúa nước một vụ, trồng mì, trồng bắp giống cũ năng suất thấp, thì nay cùng với việc tăng cường đưa các giống mới của cây lương thực cho năng suất cao vào sản xuất, đã biết phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, mạnh dạn vay vốn ưu đãi đầu tư trồng các loại cây như dược liệu, sâm Ngọc Linh (vùng Tu Mơ Rông, Đăk Glei), chuyển đổi diện tích trồng mì bạc màu, trồng lúa thiếu nước sang trồng các loại cây dài ngày vốn trước đây rất xa lạ như cây ăn quả, cao su, mắc ca, cà phê (ở vùng Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Sa Thầy…), hay tham gia vào các hợp tác xã trồng rau hoa xứ lạnh và biết áp dụng, sử dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (Kon Plông, Đăk Hà).

Người dân xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biết nông sản. Ảnh: NP

 

Đó là kết quả của việc đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được quan tâm giải quyết đất ở, đất sản xuất (tỷ lệ hộ DTTS có đất ở khoảng 98,17%, tỷ lệ hộ DTTS có đất sản xuất khoảng 97,89%) và quá trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất thông qua những lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, mô hình trình diễn; quá trình hỗ trợ cây giống, nguồn vốn vay ưu đãi, kỹ thuật để bà con mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất cũ, chuyển đổi sang phương thức sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn.  

Sự đổi thay của vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh còn thấy rõ từ kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ. Chỉ nói riêng về hạ tầng giao thông, khoảng hai chục năm trước, đường đến với các xã Mô Rai (Sa Thầy), Mường Hoong, Ngọc Linh (Đăk Glei), Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Đăk Sao (Tu Mơ Rông)… là nỗi ám ảnh với bao người thì ngày nay ở những vùng đất này, xe ô tô không chỉ đến tận trung tâm xã mà còn về được các làng. Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm, 64/85 xã đã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Hạ tầng giao thông được đầu tư, đường đi bớt gập ghềnh gian khó, hàng hóa lưu thông thuận lợi, nông sản làm không phải chịu cảnh ép giá như trước, nguồn thu ổn định hơn, bà con dần thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm còn 7,97% (giảm 3,22%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm 24,56% (giảm 8,25%). Cuộc sống dần ấm no hơn, bà con xóa nhà tạm, đầu tư xây dựng nhà cửa kiên cố hơn, mua sắm các phương tiện như xe máy, ti vi đắt tiền.

Đường đến trường thuận lợi hơn, quãng đường ngắn hơn nhờ các điểm trường về tận thôn làng, đi học có chế độ hỗ trợ bán trú, mua sắm sách vở nên hằng năm tỷ lệ huy động học sinh DTTS ra lớp đúng độ tuổi luôn đạt 100%. Bà con ốm đau cũng kịp thời được đưa đến các trạm y tế để bác sĩ chăm sóc (100% trạm y tế có bác sĩ, 99% xã đã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã).

Cuộc sống ngày càng nâng cao, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh càng phát huy truyền thống, hòa chung bài ca kết đoàn. Những tấm gương người DTTS tiêu biểu trên các lĩnh vực như công tác tốt, học tập tốt, sản xuất kinh doanh giỏi, tích cực tham gia hoạt động cộng đồng ngày càng nhiều và được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng qua các phong trào, cuộc vận động, qua các kỳ Đại hội đại biểu các DTTS của tỉnh.

Ngày nay, sức sống mới đang hiện diện rõ ở từng ngôi nhà, từng khu dân cư vùng đồng bào DTTS. Dẫu vẫn còn không ít thử thách, khó khăn nhưng tin rằng với mạch nguồn phát triển, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, với tinh thần đoàn kết, nghị lực vươn lên, cuộc sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng tiến bộ, ấm no, phát triển. 

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác