Chăm lo đời sống dân sinh vùng đồng bào DTTS

28/12/2017 07:12

​Trong những năm qua, nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các xã vùng sâu, vùng xa, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Năm 2014, ông A Sơn (thôn Liêm Răng, xã Đăk Choong) được huyện Đăk Glei hỗ trợ 600 cây giống cà phê và tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ông đăng ký tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn quy trình chăm sóc, bón phân, tưới nước, học hỏi thêm sách báo và những hộ trồng cà phê lâu năm tại địa phương nên cây cà phê sinh trưởng và phát triển khá tốt.

Năm 2016, lứa thu bói đầu tiên, gia đình ông thu hoạch trên 30 tấn tươi; năm 2017, thu được gấp đôi, 60 tấn cà phê tươi, bán được gần 100 triệu đồng. Tính cả 2 năm qua, nguồn thu từ cà phê đã tăng thêm thu nhập cho gia đình ông khoảng 150 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình ông Sơn đã vươn lên thoát nghèo, trả nợ xong tiền vay ngân hàng, có cuộc sống ổn định hơn trước.

Người dân thôn Đăk Ven được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ảnh: Q.Đ

 

Chương trình đầu tư 135 của Nhà nước cũng đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng biên giới. Ông A Phô – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) cho biết: Trong những năm qua, từ nguồn kinh phí của chương trình 135, xã đã dầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, trường học, khai hoang ruộng lúa nước và hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi phục vụ cho nhân dân sản xuất, nâng cao thu nhập. Cùng với chương trình giảm nghèo Tây Nguyên, đã tạo điều kiện cho người dân vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống, từng bước thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Không chỉ riêng ở huyện Đăk Glei, nhờ các chính sách dân tộc mà Đảng, Nhà nước đầu tư, người dân các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đều được hưởng lợi.

Ông Ka Ba Thành – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho hay: Giai đoạn 2012-2017, tỉnh đã triển khai thực hiện 10 chương trình, chính sách dân tộc đối với đồng bào DTTS, như: chương trình 135 giai đoạn III; Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn; Quyết định 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015; Quyết định 755/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS, đời sống khó khăn…

Theo ông Ka Ba Thành, trong 3 năm 2015-2017, tổng kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh hơn 472 tỷ đồng. Riêng chương trình 135 đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt; hỗ trợ sản xuất hơn 4,2 triệu giống cây công nghiệp lâu năm (cà phê, bời lời), hơn 1 triệu con giống gia cầm (ngan, vịt, gà) cho bà con vùng đồng bào DTTS phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập, giảm nghèo.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành phố đã giải ngân cho 2.352 hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Chính quyền các địa phương đã thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán cho 14.337 lượt hộ nghèo; tổ chức tập huấn cho 864 lượt người, tặng quà cho 3.736 lượt người, tham quan, học tập kinh nghiệm cho 68 lượt người có uy tín trong đồng bào DTTS; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai mô hình thí điểm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới cho gần 2.000 lượt người trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi về phương pháp tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, ông Ka Ba Thành cho biết: Các chương trình, chính sách đều được thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở; lấy ý kiến từ các thôn, làng, người dân và lựa chọn bình xét theo thứ tự ưu tiên nên nội dung đầu tư, hỗ trợ cơ bản bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân và được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình tham gia thực hiện. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc đã tạo tiền đề để các địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

                                                                               Thảo Nguyên

Chuyên mục khác