Chăm lo cho trẻ em mồ côi, người khuyết tật

18/04/2019 06:20

Năm 2018, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tiếp tục được các cấp, các ngành và toàn xã hội ưu tiên hỗ trợ kinh phí, vật chất giúp cho trẻ mồ côi và người khuyết tật cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh vẫn có khoảng 70% số trẻ mồ côi, người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo mong muốn được trợ giúp vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Vũ Thị Minh Huệ - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh cho biết, năm 2018, đơn vị đã tích cực tuyên truyền, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay chăm lo, trợ giúp trẻ mồ côi, người khuyết tật nghèo với tổng kinh phí đã thực hiện gần 4,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Hội cũng đánh giá, hiện toàn tỉnh có khoảng 31.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có 6.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn) và 6.200 người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của cộng đồng, xã hội để vươn lên thoát nghèo bền vững trong những năm tới.

Hộ gia đình anh Trần Văn Phương ở thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), hội viên Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh là hộ nghèo đang rất cần được trợ giúp.

Anh Phương cho biết, bản thân đang “gà trống” nuôi 2 con nhỏ dưới 10 tuổi bằng công việc bán vé số ở tận thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), với thu nhập mỗi ngày chỉ từ 70-100 ngàn đồng, không đủ đảm bảo lo cái ăn cho 3 bố con.

Anh Phương kể, từ khi sinh ra đến lúc lên 5 tuổi, anh đã bị bệnh teo cơ bẩm sinh dẫn đến bại liệt đôi chân. Gia đình đưa anh đi nhiều nơi để chữa bệnh, nhưng không chữa khỏi. Năm 2008, anh Phương lập gia đình và sinh được 2 người con nên cuộc sống càng khó khăn, chật vật hơn. Năm 2017, vợ chồng anh được Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh hỗ trợ 25 triệu đồng để sửa chữa nhà ở.

Anh Phương (phải) mong muốn được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm để có thu nhập ổn định. Ảnh: Mai Trâm

 

Điều không may mắn là từ đầu năm 2018 đến nay, vợ chồng anh Phương ly thân; một mình anh phải vừa chăm sóc 2 con nhỏ, vừa đi bán vé số. Để tiện cho công việc, anh buộc phải đưa các con theo xuống thành phố Pleiku. Trước khó khăn ấy, anh Phương mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ cho anh được học nghề để có việc làm, ổn định cuộc sống hơn.

Trường hợp trẻ mồ côi rất cần được quan tâm giúp đỡ nữa là 3 anh em A Bun Trak ở xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi) mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 2015. Hiện tại, 3 anh em Trak ở với bà nội 65 tuổi, sức khỏe yếu, không làm việc nặng được. Để tạo điều kiện cho Trak đến trường (em đang học lớp 5 ở Trường Tiểu học xã Đăk Xú), hai người anh lớn của em đã phải nghỉ học.

Năm 2016, biết hoàn cảnh của 3 anh em Trak, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã quan tâm hỗ trợ làm nhà “Đại đoàn kết”. Từ năm 2016 đến nay, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh cũng đã quan tâm thăm hỏi, động viên, tặng quà vào dịp lễ, tết cho 3 anh em và hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản để tạo kế sinh nhai.

“Gần 5 năm đi học em đều đạt học sinh khá, giỏi. Em muốn học hết phổ thông, thi vào đại học nữa, nhưng sợ hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không thể thực hiện được ước mơ” -  A Bun Trak trải lòng.

Hỗ trợ bò giống để tạo kế sinh nhai cho em A Bun Trak (Ngọc Hồi). Ảnh: Mai Trâm  

 

Bà Vũ Thị Minh Huệ cho biết, anh Phương và A Bun Trak chỉ là 2 trong số hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cần được sự hỗ trợ để cải thiện cuộc sống tốt hơn.

Do đó, năm 2019, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh phấn đấu huy động quỹ 1,2 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và người khuyết tật. Đồng thời, đơn vị đã và đang tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quan tâm chăm lo đời sống, đảm bảo các quyền của người khuyết tật, trẻ mồ côi, nhất là các trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Hội cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức khảo sát, nắm nhu cầu của các đối tượng đang được quản lý để triển khai các nội dung trợ giúp kịp thời, đúng chính sách, phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ; tiến hành kiểm tra việc sử dụng nguồn hỗ trợ sinh kế, phương tiện đi lại từ những năm trước đã trợ giúp các đối tượng liên quan; tổ chức tuyên truyền những mô hình, gương người khuyết tật, trẻ em nghèo tiêu biểu vượt khó trong cuộc sống...

Mai Trâm

Chuyên mục khác