Cây mai dương vẫn “sống khỏe” dù tỉnh phát lệnh diệt trừ

28/07/2020 13:00

Mặc dù thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản “phát lệnh” diệt trừ, nhưng cây mai dương- một loài cây ngoại lai nguy hại đang xâm lấn đất sản xuất, đe dọa hệ thực vật vùng bán ngập, ven sông suối, ao hồ ở nhiều địa phương- vẫn “sống khỏe”. Thực tế trên phần nào cho thấy sự chủ quan của người dân và sự thiếu quyết liệt của các địa phương.

Năm ngoái, giữa khoảnh đất bãi sát mép sông Đăk Bla của gia đình ông Nguyễn Văn T. bỗng mọc lên mấy mầm “cây lạ”. Gọi “cây lạ” là để phân biệt với giống bắp nếp ông vẫn trồng lâu nay thôi, chứ ông biết nó là cây mai dương, hay còn gọi là cây mắt mèo, lâu nay vẫn mọc đầy bờ sông, len lỏi theo các bờ ô, cứ đến mùa mưa là tốt um lên.

Mấy mầm cây ấy mà nhằm nhò gì? Khi ấy, ông tặc lưỡi. Bẵng đi một thời gian, mấy mầm cây vụt lớn, vươn cành đầy gai sắc nhọn, rồi ra hoa, kết trái. Ông T. hối con cuốc gốc, kéo vào bìa ô tấp thành đống. Khi chúng khô, ông gom lại đốt, tàn tro bay tao tác giữa lưng trời, khói quăng quật giữa gió làm mắt mũi mấy đứa cháu ràn rụa.

Nhưng chỉ một cơn mưa xuống, nơi gốc cũ lại bật lên những mầm non khác, mạnh mẽ như mũi tên, chỉ lơ đãng ít ngày đã thành một khóm cây xanh um. Đáng nói hơn, rải rác trong ô có thêm những khóm xanh đáng ghét như vậy.

Bây giờ thì tôi thấy lo rồi - ông T. kể khi ngồi nhìn trời mưa. Chặt gốc, cuốc rễ cũng không hết. Nếu chỉ phát ngang gốc hay đào sót  một mẩu rễ bằng ngón tay thôi, ít lâu sau sẽ thấy mầm mai dương mọc lẫn trong đám bắp, luống khoai. Có cảm giác dấu dao, dấu cuốc chưa kịp cũ, thì mầm cây đã mọc lên, lấp mất. Chúng sống mãnh liệt quá, nhiều khi thấy… sợ.

Cây mai dương ken dày 2 bên bờ sông Đăk Bla. Ảnh: HL 

 

Mấy hôm trước tranh thủ trời nắng, chiều chiều ông T. vác cuốc đào gốc mai dương. Ông đi trước, đám cháu lủi thủi theo sau để lượm quả, rễ cây. “Chúng lớn nhanh hơn rau, xanh hơn, mạnh mẽ hơn, ăn không được mà bán chẳng ai mua” - một đứa cháu phàn nàn với ông.

Ở xung quanh, đã có những bụi mai dương che kín đất. Dọc 2 bên bờ sông cũng xanh um mai dương. Chúng ma mãnh chìa những cái gai sắc nhọn, ngạo nghễ vươn những cành lá ra như thách thức chủ đất. Dưới tán của chúng không có loại thực vật nào sống được.

Cây mai dương (còn gọi là cây mắt mèo, trinh nữ nâu), có tên khoa học là Mimosa Pigra (Mimosaceae), có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, thân nhiều gai cứng, sống được trên cạn lẫn dưới nước. Cây sinh trưởng nhanh, sau 6 tháng tuổi sẽ ra hoa, kết trái; có khả năng tái sinh mạnh mẽ, lan rộng cực kỳ nhanh tại các vùng đất ngập nước, ven hồ, dọc kênh mương, đất bỏ hoang miền núi, ven rừng tự nhiên và cả khu dân cư.

Ở những vùng đất ngập nước, cây ra hoa, tạo hạt quanh năm, từ khi cây ra hoa đến lúc trái chín chỉ khoảng 5 tuần. Hạt mai dương rất dễ phát tán theo gió hay trôi theo dòng nước đến mọc ở những vùng đất khác và có thể giữ sức nẩy mầm đến vài chục năm.

Điều đặc biệt nguy hiểm của giống cây này là làm cho đất nghèo chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ thực vật, động vật trong vùng, do chứa chất mimosin - loại axít amin có thể gây độc với nhiều loài. Thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước. Từ năm 2000, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế đã xếp cây mai dương là 1 trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng nhất trên thế giới.

Cây mai dương tấn công các bãi đất trống trong khu dân cư. Ảnh: HL 

 

Đối với tỉnh Kon Tum, cây mai dương phát triển mạnh từ những năm 2004-2005 và ngày càng lan rộng tại các khu vực ven sông Đăk Bla thuộc thành phố Kon Tum; vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly thuộc xã Sa Bình, huyện Sa Thầy; lòng hồ thủy điện Plei Krông thuộc xã Diên Bình, huyện Đăk Tô...

Lẽ tất nhiên, đi theo sự phát triển của cây mai dương là hàng trăm ha đất sản xuất bị xâm lấn. Trên “lãnh địa” của cây mai dương không có loại thực vật nào có thể “chen chân” vào.

Nhận thấy rõ sự nguy hại của loài cây ngoại lai này, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và diệt trừ cây mai dương. Theo số liệu của Văn phòng UBND tỉnh, chỉ tính riêng từ tháng 7/2019 đến nay, đã có 6 văn bản về việc chỉ đạo triển khai cấp bách các biện pháp ngăn chặn và diệt trừ cây mai dương trên địa bàn tỉnh.

Mới đây nhất, ngày 15/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp ký văn bản số 2097/UBND-NNTN yêu cầu UBND các huyện, thành phố, Sở NN&PTNT tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn và diệt trừ cây mai dương trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu vừa tăng cường tuyên truyền về tác hại của cây mai dương để người dân biết, chủ động diệt trừ vừa huy động lực lượng (người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, đoàn viên thanh niên..) diệt trừ cây mai dương, chú trọng các phương pháp thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng xấu đến sản xuất, đời sống của người dân.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum, dường như gần đây, hoạt động diệt trừ cây mai dương chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức. “Lãnh địa” của cây mai dương vẫn càng ngày càng mở rộng.

Người dân chật vật diệt trừ cây mai dương trên bãi sông Đăk Bla. Ảnh: H.L

 

Đơn cử như ở thành phố Kon Tum, theo báo cáo, từ tháng 8/2019 đến tháng 2/2020, một số xã, phường có tổ chức ra quân diệt trừ cây mai dương ở khu vực ven sông, vùng bán ngập lòng hồ. Tuy nhiên kết quả không mấy khả quan. Bằng chứng là khu bãi bồi và dọc 2 bên bờ sông Đăk Bla (đoạn thuộc các phường Thống Nhất, Quyết Thắng, Lê Lợi), vùng đất bán ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly (thuộc các xã Ia Chim, Đăk Năng, Kroong, Ngọc Bay) vẫn mọc đầy cây mai dương.

Hay vùng đất bán ngập, ven sông suối thuộc các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy cũng trở thành “vương quốc” của cây mai dương.

Trong khi đó, các hoạt động diệt trừ cây mai dương cũng chìm vào im lặng với lý do hết sức chính đáng: Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), hiện có 3 phương pháp diệt trừ cây mai dương là thủ công, sinh học và hóa học. Tuy nhiên, biện pháp sinh học (như thả mọt đục hạt, sâu đục thân, đục ngọn cây) tính khả thi không cao; biện pháp hóa học (phát chặt cây trưởng thành cho lên chồi rồi  phun các loại thuốc hóa học kết hợp với ngâm nước để tiêu diệt cây non) không có khả năng diệt trừ rễ, nên cây vẫn tái sinh trở lại dễ dàng, lại gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và động vật.

Vì vậy chỉ có biện pháp thủ công, tức huy động lực lượng chặt sát gốc cây, đào rễ, phơi khô, sau đó đem đốt (tốt nhất khi cây chưa đến kỳ ra hoa, kết trái) là khả thi, dù tốn công sức.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, muốn diệt trừ cây mai dương thì chỉ dựa vào các đợt ra quân rầm rộ là chưa đủ, mà chính người dân cần chủ động, kiên trì thực hiện “bao vây diệt gọn” mỗi ngày.

Như ông T. đang làm mỗi ngày trên khoảnh đất của gia đình trên vùng bãi sông Đăk Bla vậy!

Hồng Lam

Chuyên mục khác